Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng
Các loại hành vi, hình thức xử phạt, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử phạt hành vi cản trở hoạt động tố tụng hiện chưa được quy định cụ thể
Ngày 13/11/2020, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật sửa đổi, bổ sung). Theo đó, một trong những sửa đổi quan trọng là mở rộng thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, khoản 3 Điều 4 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020 (Luật Xử lý VPHC) quy định: “Căn cứ quy định của Luật này, Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm toán nhà nước và đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng”. Như vậy, Quốc hội đã giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm vụ ban hành quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.
Bên cạnh đó, thực tiễn xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động tố tụng cho thấy, các hành vi cản trở hoạt động tố tụng xảy ra ngày càng nhiều, có xu hướng gia tăng, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ việc, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giải quyết vụ việc của cơ quan, người có thẩm quyền, tính tôn nghiêm và quyền uy của tư pháp. Trong khi đó, pháp luật nước ta chưa có văn bản quy định có hệ thống về việc xử phạt các hành vi cản trở hoạt động tố tụng mà chỉ có một số quy định chung, chưa cụ thể, chưa rõ ràng về xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng nằm rải rác trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Các loại hành vi, hình thức xử phạt, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử phạt hành vi cản trở hoạt động tố tụng chưa được quy định cụ thể, dẫn đến việc xử phạt hành vi vi phạm gặp nhiều khó khăn, vướng mắc....
Vừa qua (sáng 15/8), tại Phiên họp chuyên đề Pháp luật tháng 8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng trước khi xem xét, thông qua dự thảo Pháp lệnh vào ngày mai (sáng 18/8).
Phiên họp chuyên đề Pháp luật tháng 8 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (sáng 15/8)
Tại Phiên họp, Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao cho biết, việc xây dựng Pháp lệnh nhằm quy định thống nhất về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Xử phạt nghiêm minh những hành vi cản trở hoạt động tố tụng; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tố tụng, giáo dục mọi người chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, phòng ngừa những vi phạm có thể xảy ra; bảo đảm quyền uy tư pháp, giữ gìn sự tôn nghiêm của Tòa án, sự tôn trọng của cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với các cơ quan tiến hành tố tụng; tạo điều kiện giải quyết các vụ việc nhanh chóng, hiệu quả, đúng pháp luật.
Quan tâm đến Dự thảo Pháp lệnh, TS.Cao Vũ Minh - Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hành vi cản trở hoạt động tố tụng cần được hiểu là hành vi cản trở hoạt động của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Hành vi này có thể diễn ra tại trụ sở Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan điều tra. Hành vi này cũng có thể diễn ra tại phòng xử án hoặc có thể diễn ra ngoài phòng xử án (như các phiên tòa lưu động) nhằm gây trở ngại cho hoạt động thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể có thẩm quyền tiến thành tố tụng.
Hiện nay, điểm i khoản 3 Điều 13 Dự thảo Pháp lệnh quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi “gây rối trật tự tại phiên tòa”. Tuy nhiên, nếu so sánh với hành vi có tính chất tương tự trong Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội… thì thấy mức tiền phạt không hợp lý.
Tương tự, theo điểm b khoản 4 Điều 13 Dự thảo Pháp lệnh thì hành vi “xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Thư ký Tòa án tại phiên tòa, những người khác thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Tòa án” sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài ra, người vi phạm không bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và bất cứ biện pháp khắc phục hậu quả nào khác.
Theo quy định trên, hành vi này có thể được thực hiện bởi bất kỳ chủ thể nào như các bên đương sự, người tham dự phiên tòa, người giám định, người làm chứng... Thế nhưng, sự không nhất quán phát sinh nếu người thực hiện hành vi xúc phạm là luật sư, bởi nếu là luật sư thì có thể bị xử phạt với mức tiền phạt cao hơn rất nhiều.
TS. Cao Vũ Minh cho biết, nếu so sánh về chế tài xử phạt trong Dự thảo Pháp lệnh và Nghị định số 82/2020/NĐ-CP thì thấy mức tiền phạt trong Nghị định số 82/2020/NĐ-CP cao hơn rất nhiều. Ngoài ra, việc xử phạt theo Nghị định số 82/2020/NĐ-CP còn mang lại bất lợi cho người vi phạm là bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn. Rõ ràng, việc áp dụng chế tài xử phạt theo Nghị định số 82/2020/NĐ-CP có tác dụng rất lớn trong việc răn đe, trừng trị luật sư có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của chủ thể khác trong quá trình tham gia tố tụng. Tuy nhiên, nếu Dự thảo Pháp lệnh được thông qua và giữ nguyên mức tiền phạt như trên thì hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của chủ thể khác trong quá trình tham gia tố tụng của luật sư hoàn toàn có thể được xử phạt với mức tiền phạt nhẹ hơn rất nhiều là từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo Dự thảo Pháp lệnh. Khoản 2 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020 (Luật Ban hành VBQPPL) quy định: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”. Do Pháp lệnh có hiệu lực pháp lý cao hơn Nghị định, nên nếu quy định khác nhau về cùng vấn đề xử phạt luật sư có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của chủ thể khác trong quá trình tham gia tố tụng thì sẽ ưu tiên áp dụng Pháp lệnh.
Về các hình thức xử phạt, theo TS.Vũ Cao Minh, Điều 5 Dự thảo Pháp lệnh cần bổ sung “tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn” vào hệ thống các hình thức xử phạt áp dụng đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Có như vậy mới tạo ra sự thống nhất giữa quy định chung và quy định cụ thể về áp dụng hình thức xử phạt.
Ngoài ra, trong Dự thảo Pháp lệnh cần quan tâm xem xét nhằm xây dựng các quy định về mức tiền phạt tối thiểu và tối đa trong một hành vi theo hướng hợp lý hơn. Hiện nay, khoản 4 Điều 4 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP đưa ra nguyên tắc xây dựng khung tiền phạt đối với từng hành vi là phải cụ thể, khoảng cách giữa mức phạt tối thiểu và tối đa của khung tiền phạt không quá lớn. Đây là một điều hợp lý và cần được tham khảo khi hoàn thiện Dự thảo Pháp lệnh; bởi vì trong Dự thảo Pháp lệnh, khoảng cách giữa mức phạt tối thiểu và tối đa của khung tiền phạt của một hành vi là rất lớn. TS. Vũ Cao Minh đề xuất, rút ngắn “biên độ dao động” giữa mức tiền phạt tối thiểu và tối đa trong một số hành vi VPHC là việc làm cần thiết nhằm hạn chế bị lợi dụng vào mục đích bất hợp pháp.
Liên quan đến thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế hành chính, TS. Vũ Cao Minh cho rằng, Dự thảo Pháp lệnh được xây dựng dựa trên tinh thần những quy định đã được chuyển tải trong Luật Xử lý VPHC. Do đó, để bảo đảm nguyên tắc pháp quyền thì các quy định trong Dự thảo Pháp lệnh phải phù hợp với Luật Xử lý VPHC. Tuy nhiên, thẩm quyền xử phạt VPHC của các chức danh thuộc Tòa án nhân dân được quy định trong Dự thảo Pháp lệnh lại không rõ ràng hoặc có nhiều sự khác biệt so với Luật Xử lý VPHC.
Ngoài ra, đối với việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý VPHC thì Dự thảo Pháp lệnh cần loại bỏ quy định cho phép tạm giữ người của Thẩm pháp chủ trì phiên họp, phiên làm việc. Đồng thời, Dự thảo Pháp lệnh cũng cần loại trừ quy định cho phép Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền áp dụng biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện VPHC.
Về thủ tục xử phạt các hành vi cản trở hoạt động tố tụng, TS Vũ Cao Minh cho rằng, hành vi cản trở hoạt động tố tụng không chỉ gây trở ngại, khó khăn, kéo dài việc giải quyết công việc của Tòa án mà còn có thể là công việc của Viện kiểm sát. Do đó, Dự thảo Pháp lệnh cũng quy định việc xử phạt hành vi cản trở việc thực hiện hoạt động tố tụng của Viện kiểm sát. Tuy nhiên, Luật Xử lý VPHC không quy định cho các chức danh của Viện kiểm sát có quyền xử phạt VPHC. Trên cơ sở này, Dự thảo Pháp lệnh cũng không quy định thẩm quyền xử phạt VPHC của Viện kiểm sát. Khi phát hiện hành vi vi phạm thì người có thẩm quyền lập biên bản thuộc Viện kiểm sát phải chuyển biên bản cho người có thẩm quyền xử phạt để ra quyết định xử phạt trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản hành vi vi phạm. Tuy nhiên, Dự thảo Pháp lệnh lại quy định không chính xác về việc chuyển biên bản VPHC.
Theo khoản 2 Điều 22 Dự thảo Pháp lệnh, đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Viện kiểm sát nhân dân thì trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản hành vi phạm, người có thẩm quyền lập biên bản thuộc Viện kiểm sát nhân dân phải gửi cho Tòa án nhân dân cùng cấp. Trên cơ sở biên bản do Viện kiểm sát chuyển qua thì Chánh án Tòa án nhân dân cùng cấp xem xét ra quyết định xử phạt. Quy định như trên là không phù hợp với Luật Xử lý VPHC bởi Chánh án Tòa án nhân dân cùng cấp có thể không phải là người có thẩm quyền xử phạt.
TS. Vũ Cao Minh kiến nghị, khoản 2 Điều 22 Dự thảo Pháp lệnh có thể quy định như sau: “Đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Viện kiểm sát nhân dân thì trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản hành vi cản trở hoạt động tố tụng, người có thẩm quyền lập biên bản phải gửi cho Chánh án Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền xử phạt để Chánh án ra quyết định xử phạt”.
Bên cạnh đó, TS.Vũ Cao Minh cũng cho rằng, Dự thảo Pháp lệnh cần cân nhắc về quy định cho phép khởi kiện quyết định xử phạt hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án. Việc pháp luật quy định quyền khởi kiện của cá nhân, tổ chức đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính do các chức danh thuộc Tòa án nhân dân ban hành không chỉ phù hợp với thông lệ quốc tế mà còn thể hiện sự tôn trọng, thừa nhận “quyền bảo vệ quyền” của họ. /.