Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh Hoàng Thị Thanh Thuý kết luận buổi làm việc với UBND thành phố Tây Ninh.
Cùng dự buổi làm việc có các ĐBQH Huỳnh Thanh Phương, Trần Hữu Hậu, lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh. Tiếp và làm việc với đoàn có Chủ tịch UBND thành phố Phạm Trung Chánh, lãnh đạo HĐND và các phòng, ban, đơn vị trên địa bàn thành phố.
Lãnh đạo UBND thành phố Tây Ninh cho biết, hiện nay các phần mềm Văn phòng điện tử, Một cửa điện tử - Một cửa điện tử liên thông, họp không giấy… được thành phố triển khai tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.
Các văn bản được luân chuyển giữa các đơn vị dưới dạng số hoá, hạn chế tối đa văn bản giấy; 100% cán bộ, công chức, viên chức có máy tính kết nối internet để làm việc; dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được cung cấp trên tất cả các lĩnh vực ở cả hai cấp tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình giao dịch hành chính.
Đặc biệt, UBND Thành phố phối hợp VNPT Tây Ninh, Viettel Tây Ninh xây dựng Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh (IOC), đang xem xét lựa chọn đơn vị triển khai thí điểm.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển chính quyền số, UBND thành phố tiếp tục tăng cường triển khai ứng dụng thư điện tử; tương tác qua mạng xã hội Zalo nhóm phục vụ công nghiệp.
Tỷ lệ trung bình cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng thư điện tử trong công việc tại cơ quan, đơn vị thành phố đạt trên 95%. UBND Thành phố chỉ đạo các phường, xã thành lập được 10 tổ công nghệ số cộng đồng. 6 tháng đầu năm 2022, thành phố tiếp nhận 3.322 hồ sơ thủ tục hành chính, trong đó tiếp nhận trực tuyến 2.135 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 64%; bộ phận Một cửa phường, xã tiếp nhận 7.937 hồ sơ, trong đó có 6.355 hồ sơ trực tuyến, đạt tỷ lệ 80,1%.
Thành phố Tây Ninh kiến nghị Sở Thông tin và Truyền thông nâng cấp ổn định các phần mềm và mở lớp tập huấn chuyển đổi số; có hướng dẫn, chi kinh phí cho hoạt động tổ công nghệ số cộng đồng phường, xã, ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh; kiến nghị Trung ương sớm có quy định về việc chấp nhận hồ sơ chứng thực điện tử trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp để tạo thuận lợi cho hoạt động chứng thực điện tử; cần có bộ công cụ để thống kê được số tài khoản dịch vụ công quốc gia trên từng địa bàn giúp lãnh đạo có thể giám sát, chỉ đạo quyết liệt hơn về nội dung này…
Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông trả lời nội dung thành phố Tây Ninh kiến nghị liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành.
Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát trao đổi làm rõ một số nội dung kiến nghị của Thành phố và đề nghị Thành phố giải trình, cung cấp thêm thông tin về nguồn nhân lực, kinh phí để phục vụ việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trên địa bàn; công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân nộp trực tuyến; việc xử lý phản ánh, kiến nghị; tính xác thực của số lượng hồ sơ trực tuyến...
Kết luận buổi làm việc, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh Hoàng Thị Thanh Thuý ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của UBND thành phố trong chỉ đạo, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số.
Đoàn giám sát kiến nghị thành phố quan tâm khắc phục những hạn chế, khó khăn trong xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đã được nhận diện. Đồng thời thành phố cần rà soát những phần mềm, ứng dụng đang gây khó khăn, phiền hà cho người dân để có hướng xử lý, khắc phục; quan tâm tăng mức đầu tư xứng đáng phục vụ công cuộc chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử; tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người dân về nội dung này; tiếp tục xây dựng hiệu quả các kênh tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị và đánh giá sự hài lòng của người dân đối với tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức.
Đối với việc xây dựng Trung tâm IOC, thành phố cần tìm hiểu, rút kinh nghiệm từ những đơn vị trong và ngoài tỉnh đã đưa vào vận hành hệ thống này để đầu tư, xây dựng, vận hành Trung tâm IOC thành phố Tây Ninh hiệu quả.