Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)
Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 9, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, việc thành lập các trung tâm thẩm định, phân loại phim thuộc Nhà nước và việc thực hiện xã hội hoá, cấp phép cho một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thẩm định phim đã được quy định trong dự thảo Luật. Theo đó, Nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc cấp Giấy phép phân loại phim, Quyết định phát sóng và chịu trách nhiệm đối với những phim do mình cấp phép, quyết định phát sóng. Hội đồng thẩm định, phân loại phim là tổ chức có chức năng tư vấn, giúp cơ quan nhà nước phân loại, quyết định. Để cấp giấy phép phân loại, quyết định phát sóng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan truyền hình sẽ phải thành lập nhiều Hội đồng khác nhau, có thành phần tham gia phù hợp với nội dung và thể loại phim. Cơ quan có thẩm quyền thành lập Hội đồng thẩm định, phân loại phim có thể mời các nhà quản lý, chuyên gia độc lập hoặc chuyên gia đang hoạt động tại các Hiệp hội chuyên ngành tham gia Hội đồng thẩm định, phân loại phim, bảo đảm yếu tố phù hợp, khách quan và hiệu quả. Khi đó, cơ sở điện ảnh có nhiều lựa chọn đơn vị tư vấn của cơ quan nhà nước cũng như đề nghị các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các nhà chuyên môn… tư vấn, trước khi gửi cơ quan nhà nước cấp Giấy phép phân loại, Quyết định phát sóng phim do mình sản xuất, phát hành.
Đối với quy định về thành phần, trách nhiệm, yêu cầu chuyên môn của Hội đồng thẩm định và phân loại phim, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục nêu rõ, thực tế có nhiều hội đồng phân loại phim khác nhau, phù hợp với các thể loại phim, do vậy yêu cầu thành phần của các hội đồng phân loại phim có sự khác nhau nhất định; dự thảo Luật chỉ quy định mang tính nguyên tắc về Hội đồng thẩm định, phân loại phim; quy định cụ thể về thành phần, trách nhiệm của thành viên… sẽ do văn bản dưới Luật hướng dẫn để linh hoạt trong thực tế. Trên cơ sở đó, Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và chỉnh lý khoản 2 Điều 31 dự thảo Luật, bỏ quy định tỷ lệ 2/3 thành viên Hội đồng thẩm định là chuyên gia điện ảnh.
Về việc giải quyết khiếu nại và quyền khiếu nại của tổ chức, cá nhân trong trường hợp phim bị từ chối cấp giấy phép phân loại, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục cho rằng, mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền khiếu nại về quyết định hành chính của cơ quan quản lý nhà nước hoặc quyền kiến nghị khi chưa có sự thống nhất về kết quả phân loại phim theo quy định của pháp luật, do đó Thường trực Uỷ ban không quy định tại dự thảo Luật.
Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh
Liên quan tới vấn đề phân cấp cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy phép phân loại phim, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, dự thảo Luật quy định phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy phép phân loại phim, trong đó bao gồm phim do địa phương sản xuất và phim nhập khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu của cơ sở điện ảnh phổ biến phim, đồng thời giảm áp lực cho cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương trong hoạt động này. Do vậy, dự thảo Luật quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy phép phân loại phim đối với phim Việt Nam do cơ sở điện ảnh của địa phương sản xuất; phim do cơ quan có thẩm quyền của địa phương giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu và đối với phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình nhập khẩu để phổ biến trong hệ thống rạp chiếu phim và địa điểm chiếu phim công cộng trên địa bàn quản lý. Đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã rà soát, lược bỏ quy định Giấy phép phân loại phim do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp có giá trị ngang nhau.
Liên quan tới vấn đề cơ quan có thẩm quyền có quyền yêu cầu điều chỉnh nội dung phim, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đăc Vinh cho biết, thực tế có không ít phim, nhất là phim nhập khẩu chứa đựng nội dung không phù hợp với truyền thống văn hóa của Việt Nam. Hơn nữa, tiêu chí phân loại phim của các nước cũng có sự khác nhau. Trong những trường hợp đó, việc điều chỉnh nội dung là cần thiết để phim được phép phổ biến. Do vậy, dự thảo Luật quy định, trường hợp phim phải điều chỉnh nội dung hoặc hồ sơ phải bổ sung thông tin theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 27 của dự thảo Luật, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản phim đã điều chỉnh nội dung, 10 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ đã bổ sung đầy đủ thông tin theo yêu cầu, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thực hiện cấp Giấy phép./.