CÔNG TÁC THÔNG TIN, BÁO CHÍ TUYÊN TRUYỀN VỀ HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU HOẠT ĐỘNG CHUYÊN TRÁCH ĐẢM BẢO KỊP THỜI, ĐẦY ĐỦ, CHÍNH XÁC

28/03/2022

Để đảm bảo công tác thông tin, báo chí tuyên truyền về Hội nghị Đại biểu hoạt động chuyên trách thảo luận một số dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Văn phòng Quốc hội đã xây dựng Đề án tổ chức công tác thông tin, báo chí tuyên truyền về Hội nghị này. Theo đó, công tác thông tin cần đảm bảo kịp thời, đầy đủ, chính xác, qua đó góp phần đưa chính sách, pháp luật đi vào cuộc sống.

 

Toàn cảnh Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách

Trong hai ngày 28-29/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận, góp ý kiến về 04 dự án Luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Để đảm bảo công tác thông tin, báo chí tuyên truyền về Hội nghị đại biểu hoạt động chuyên trách thảo luận một số dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Văn phòng Quốc hội đã xây dựng Đề án số 558/ĐA-VPQH tổ chức công tác thông tin, báo chí tuyên truyền về Hội nghị này. Các cơ quan thông tấn, báo chí bảo đảm đưa tin, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ, chính xác... về Hội nghị.

Đề án yêu cầu việc triển khai công tác thông tin, tuyên truyền cần bảo đảm bám sát nội dung Kế hoạch số 129/KH-UBTVQH15 ngày 16/3/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận, góp ý kiến về 04 dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV; Kế hoạch số 512/KH-VPQH ngày 17/3/2022 của Văn phòng Quốc hội về việc phục vụ Hội nghị.

Các cơ quan thông tấn, báo chí: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân, đặc biệt là các cơ quan báo chí của Quốc hội (Truyền hình Quốc hội Việt Nam, Báo Đại biểu Nhân dân, Cổng thông tin điện tử Quốc hội) và các cơ quan báo chí của các Bộ, ngành có độ lan tỏa rộng lớn cần tăng cường thời lượng tuyên truyền, chú trọng đổi mới về nội dung và hình thức thông tin, tuyên truyền đế thu hút sự quan tâm của độc giả; đồng thời, các cơ quan báo chí cần tập trung nghiên cứu, khai thác sâu về nội dung Hội nghị, có nhiều bài viết phân tích, bình luận, ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia, ý kiến các vị ĐBQH, nhất là ĐBQH hoạt động chuyên trách; ý kiến cử tri và các đối tượng có liên quan về 04 dự án luật được xem xét, thảo luận tại Hội nghị, qua đó góp phần đưa chính sách, pháp luật đi vào cuộc sống.

Công tác thông tin, tuyên truyền về Hội nghị cần đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, cần tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa tổ chức Hội nghị nhằm phát huy trí tuệ, tổng hợp ý kiến các vị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách về 04 dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội. Bên cạnh đó, cần tập trung tuyên truyền về sự cần thiết ban hành Luật, những nội dung chính, điểm mới, vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau; đánh giá tác động, ảnh hưởng chính sách của 04 dự án, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật Điện ảnh (sửa đồi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Tập trung tuyên truyền về các ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Hội nghị; phản ánh các ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến nội dung Hội nghị.

Đề án nêu rõ, công tác tuyên truyền sẽ được tiến hành trước, trong và sau Hội nghị. Đồng thời giao các Vụ, đơn vị của Văn phòng Quốc hội chỉ đạo và phối họp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, các cơ quan thông tấn báo chí triển khai tuyên truyền sâu rộng về sự kiện này./.

Minh Hùng