Phát biểu trực tuyến từ điểm cầu ĐBQH tỉnh Vĩnh Long, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Minh Trang cho biết, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long nhất trí về sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. Khẳng định, chủ trương này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Trung ương trong tạo điều kiện cho thành phố Cần Thơ khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế và tích hợp hiệu quả các nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm là trung tâm vùng, giữ vai trò dẫn dắt, tạo sức bật để vùng đồng bằng sông Cửu Long chuyển mình, cất cánh, trở thành vùng phát triển năng động, bền vững, an toàn và thịnh vượng trong tương lai, đạt mục tiêu mà Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 120 của Chính phủ đề ra.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Minh Trang phát biểu trực tuyến
Cơ bản đồng tình với hầu hết các nội dung, chỉ tiêu định mức ưu tiên thực hiện các nhóm chính sách đặc thù phát triển Tp.Cần Thơ thể hiện tại dự thảo Nghị quyết, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Minh Trang cũng đã góp ý về chính sách đặc thù phát triển Tp Cần Thơ có tác động đến liên kết và phát triển vùng.
Theo Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Minh Trang, việc hình thành mô hình “Khu liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ” được xem là chìa khoá mở đường cho việc hình thành hệ thống logistics liên hoàn, tận dụng được ưu thế hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ, cảng biển, đường hàng không…. Điều này sẽ giúp vùng đồng bằng có nhiều tiềm năng, lợi thế về nông sản, thủy sản có cơ chế đủ mạnh để gỡ nút thắt tồn tại từ rất lâu, làm cản trở tiến trình nâng cao chất lượng, hiệu quả tham gia chuỗi giá trị toàn cầu đối với nông sản vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Do vậy, để tăng tính khả thi, thu được hiệu quả thực sự từ chính sách này, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, đánh giá và báo cáo thuyết minh thêm các căn cứ để xây dựng, vận hành hoạt động của Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long trước khi quyết định thành lập. Trong đó, cần phân tích làm rõ cơ chế ưu đãi đặc thù, tiêu chí lựa chọn các doanh nghiệp đầu tư, để tăng tính minh bạch, công bằng trong thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà sản xuất và xuất khẩu tham gia vào những khâu ngoài sản xuất, làm cầu nối để doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng tham gia đầu tư, chia sẻ thông tin, triển khai các mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh hiệu quả, thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp xanh và bền vững ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo lồng ghép linh hoạt, khoa học các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.Cần Thơ gắn với kích hoạt các nguồn lực đầu tư phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long theo tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ, để các dự án động lực quan trọng của các tỉnh trong khu vực phát huy hiệu quả kết nối liên vùng trong vận hành, khai thác công năng khu liên kết, đồng hành tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu, đáp ứng được nhu cầu của thị trường quốc tế. Từ đó khẳng định đúng mức giá trị đem lại của chính sách, để chính sách đặc thù của Quốc hội không chỉ phục vụ phát triển riêng Tp.Cần Thơ, mà còn góp phần kích hoạt, tạo sự lan loả mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Liên quan Dự án “Nạo vét, kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ”, đại biểu cho biết, dự báo khi hiện thực hoá sẽ góp phần tháo gỡ một trong những điểm nghẽn quan trọng trong hạ tầng giao thông của các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tăng năng lực vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy, góp phần tăng năng lực cạnh tranh của hàng hóa trong vùng.
Để phát huy tối đa hiệu quả của dự án, khẳng định kết quả thu được sẽ giúp Cần Thơ trở thành đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt công tác rà soát đánh giá làm rõ tính kết nối, huy động sự tham gia đồng bộ, tích cực của các địa phương trên tuyến Dự án, đánh giá kỹ hơn tác động môi trường, để có giải pháp khả thi nhất, hạn chế tối đa các tác động tiêu cực tới môi trường, phòng chống sạt lở, gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, không làm phát sinh xung đột với hệ thống thủy lợi, đê điều hiện hữu, đảm bảo các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng được bảo tồn và phát triển, thoả các điều kiện kết nối, bổ trợ phát triển nội vùng và liên vùng một cách hài hòa, thống nhất , giải quyết có hiệu quả các vấn đề cấp bách về dân sinh, đảm an toàn và sinh kế bền vững cho người dân, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững trong khu vực nói chung và thành phố Cần Thơ./.