LỒNG GHÉP VẤN ĐỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG DỰ ÁN LUẬT GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ (SỬA ĐỔI)

24/10/2020

Trong Hồ sơ dự án Luật trình tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, đại diện cơ quan soạn thảo cho biết đã tiến hành lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

 

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải báo cáo một số nội dung

Theo đại diện cơ quan soạn thảo, thực hiện đúng tinh thần không phân biệt vị trí, vai trò và trách nhiệm của các giới khác nhau trong công tác đảm bảo trật tự an toàn xã hội nói chung và đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ nói riêng, dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) không có nội dung quy định về giới tính.

Theo quy định tại Điều 21 Luật Bình đẳng giới năm 2006 và các quy định có liên quan của Nghị định số 48/2009/NĐ-CP ngày 19/5/2009 của Chính phủ về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Ban soạn thảo, Tổ Biên tập của dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) được thành lập, cơ cấu thành phần dựa trên ba yêu cầu cơ bản: bảo đảm được quy định chung của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; đáp ứng được những đặc thù về đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật; đáp ứng được yêu cầu về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong thực hiện dự án Luật với sự tham gia của đại diện cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có liên quan đến vấn đề về giới.

Trong quá trình soạn thảo đề nghị xây dựng dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), danh sách của các cơ quan tham gia Ban soạn thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) có 16/40 là nữ (chiếm 40%), Tổ biên tập có 28/60 là nữ (chiếm 47%) đảm bảo nguyên tắc “nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó” (Điều 5 Luật Bình đẳng giới năm 2006).

Đánh giá tác động xã hội, tác động về giới của các chính sách trong xây dựng Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), đại diện cơ quan soạn thảo cho biết, Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua và thống nhất 03 chính sách cơ bản như sau:

Đối với chính sách về hoàn thiện khung pháp lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, về tác động xã hội, chính sách này đảm bảo sự kết nối liên thông về giao thông, kinh tế - xã hội từ nông thôn đến thành thị, giữa các miền trong cả nước; có cơ chế để bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, làm tăng hiệu quả và nguồn lực của xã hội trong việc phát triển kinh tế xã hội đầu tư từ ngân sách nhà nước cho mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đảm bảo tính đồng bộ giữa hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn nói riêng và hạ tầng giao thông đường bộ nói chung. Làm rõ được trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc phát triển đồng bộ hệ thống giao thông nông thôn, trong việc phân loại, điều chỉnh, đấu nối đường bộ để đảm bảo nguyên tắc vận hành thông suốt và an toàn, giảm chi phí vận chuyển. Với doanh nghiệp, được vận hành trên hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, êm thuận, có hạ tầng kỹ thuật sẵn sàng đáp ứng cho các phương tiện hiện đại, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Tiết kiệm chi phí về nhiên liệu, về thời gian, tăng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Có nhiều cơ hội để đầu tư vào hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ như đầu tư, khai thác, vận hành đường bộ, đầu tư bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ đường bộ, tạo nên những doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng lớn mạnh, có sức mạnh và kinh nghiệm để vươn ra đầu tư quốc tế trong lĩnh vực này.

Về tác động giới, chính sách này không ảnh hưởng đến cơ hội, điều kiện, năng lực thực hiện và thụ hưởng các quyền, lợi ích của mỗi giới do chính sách được áp dụng chung, không phân biệt.

Đối với chính sách về hoàn thiện khung pháp lý đối với phương tiện, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, về tác động xã hội, chính sách này quản lý các hoạt động của phương tiện giao thông thông minh một cách phù hợp. Kiểm tra, kiểm soát khí thải của phương tiện tham gia giao thông, giảm lượng khí thải phát sinh, gây ô nhiễm không khí, giảm chi phí cho những vấn đề về bảo vệ sức khỏe của người dân, bảo vệ môi trường, đặc biệt tại các đô thị lớn. Tạo hành lang pháp lý cho việc sản xuất, sử dụng các phương tiện giao thông chạy bằng năng lượng sạch, các phương tiện sử dụng năng lượng tái tạo. Khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ không gây ô nhiễm môi trường, tạo nên các doanh nghiệp và nền công nghiệp xanh trong môi trường sản xuất phương tiện giao thông cơ giới. Khuyến khích được người dân sử dụng các phương tiện sạch, phương tiện giao thông công cộng, giảm thải ô nhiễm môi trường. Với người dân, chính sách này giúp sử dụng các phương tiện giao thông thông minh một cách hợp pháp. Thực hiện được trách nhiệm của chủ phương tiện trong việc bảo dưỡng kỹ thuật, sửa chữa phương tiện giữa hai kỳ kiểm định để đảm bảo chất lượng, an toàn kỹ thuật và môi trường của phương tiện tham gia giao thông, tăng tuổi thọ của phương tiện, giảm chi phí cho việc sửa chữa lớn, tiết kiệm được chi phí dành cho nhiên liệu. Tiết giảm được thời gian lao động trong việc sử dụng, điều khiển các phương tiện giao thông thông minh (phương tiện không người lái).

Về tác động giới, chính sách không ảnh hưởng đến cơ hội, điều kiện, năng lực thực hiện và thụ hưởng các quyền, lợi ích của mỗi giới do chính sách được áp dụng chung, không phân biệt.

Đối với chính sách về hoàn thiện khung pháp lý trong hoạt động vận tải đường bộ, về tác động xã hội, chính sách này bảo đảm cho hoạt động vận tải được linh hoạt hơn, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát sinh đối với các loại hình kinh doanh vận tải mới. Chính phủ có thể ban hành các chính sách mới để kiểm soát các hình thức kinh doanh vận tải mới phù hợp với thực tiễn  phát sinh mà không cần phải chờ sửa Luật như hiện nay. Cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không phù hợp với thực tiễn và thiếu tính khả thi. Tạo điệu kiện cho thị trường vận tải đường bộ được phát triển hiện đại, phù hợp và đáp ứng với xu thế phát triển của quốc tế. Thúc đẩy được các nguồn lực của xã hội trong việc phát triển thị trường vận tải theo xu hướng quy mô, hiện đại. Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng và bình đẳng giữa các loại hình vận tải, khi đó các đơn vị kinh doanh vận tải sẽ tập trung hơn vào công tác quản lý an toàn giao thông và chất lượng dịch vụ, hạn chế được các vụ tai nạn giao thông, giảm được số người chết và bị thương, giảm chi phí xã hội. Với người dân, chính sách này giúp thụ hưởng những dịch vụ vận tải chất lượng, phù hợp với nhu cầu của cá nhân. An toàn hơn khi sử dụng các loại hình vận tải mới được nhà nước thừa nhận. Tiết giảm được chi phí đi lại, tiết kiệm được thời gian vận chuyển. Với doanh nghiệp, giúp thuận lợi khi thực hiện các hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ do các điều kiện kinh doanh được quy định linh hoạt, phù hợp với thực tế. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừagia nhập thị trường vận tải đường bộ. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung cấp hỗ trợ dịch vụ vận tải, cung cấp giải pháp phần mềm hoạt động hiệu quả. Cắt giảm được các chi phí về nhân lực điều hành, bộ máy tổ chức cơ cấu gọn nhẹ do ứng dụng các trí tuệ nhân tạo trong hoạt động điều hành vận tải. Kết nối với khách hàng nhanh hơn, thuận tiện hơn thông qua việc ứng khoa học, công nghệ, các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ vận tải.

Về tác động giới, chính sách này không ảnh hưởng đến cơ hội, điều kiện, năng lực thực hiện và thụ hưởng các quyền, lợi ích của mỗi giới do chính sách được áp dụng chung, không phân biệt./.

Hồ Hương