Quốc hội nghe trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi)
Nhiều vấn đề mới đặt ra trong phòng, chống ma túy
Tệ nạn ma tuý đang là hiểm họa của các quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới; là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh tội phạm, tệ nạn xã hội và lây nhiễm HIV/AIDS. Hậu quả, tác hại do tệ nạn ma tuý gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội và an ninh trật tự của đất nước.
Cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức từ mặt trái của hội nhập và kinh tế thị trường. Đây là nguyên nhân góp phần làm cho tình hình tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy cũng như những tệ nạn xã hội khác liên quan đến ma túy mặc dù đã được kiềm chế nhưng vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp và có xu hướng ngày càng gia tăng.
Bên cạnh đó, với vị trí địa lý thuận lợi, Việt nam đang trở thành điểm trung chuyển ma túy với số lượng lớn và là thị trường tiêu thụ của ma túy, việc xuất hiện nhiều loại ma túy mới, việc buôn bán, vận chuyển, sản xuất ma túy tổng hợp gia tăng; người sử dụng và người nghiện ma túy tổng hợp tăng nhanh, nhất là trong thanh, thiếu niên và học sinh gây bức xúc trong xã hội. Thực tế đó đặt ra cho công tác phòng, chống ma túy nhiệm vụ hết sức nặng nề và phức tạp.
Thực tiễn triển khai thực hiện Luật Phòng, chống ma túy đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực như: công tác quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy đi vào nề nếp và có hiệu quả; nhận thức của cán bộ, công chức các cấp và đông đảo người dân trong xã hội về tác hại của ma túy và trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân được nâng lên; công tác cai nghiện ma túy từng bước đổi mới; công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy đạt được nhiều kết quả; phát hiện, điều tra, khám phá nhiều tổ chức, đường dây tội phạm sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy lớn trong nước và xuyên quốc gia, thu giữ lượng ma túy rất lớn. Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án ma túy được thực hiện nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật.
Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã tạo nền tảng pháp lý cho việc thực hiện công tác phòng, chống ma túy. Những kết quả triển khai thực hiện Luật Phòng, chống ma túy đã giúp kiềm chế sự gia tăng của tội phạm và tệ nạn ma túy, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, do sự phát triển nhanh và đa dạng của nền kinh tế, đời sống văn hóa – xã hội nên một số quan hệ xã hội mới liên quan đến phòng, chống ma túy xuất hiện nhưng chưa có quy định điều chỉnh phù hợp.
Chưa có quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy
Số người sử dụng trái phép chất ma túy trong những năm vừa qua ngày càng gia tăng, đặc biệt là sử dụng ma túy tổng hợp, hình thức sử dụng phong phú, đa dạng từ hút, hít, tiêm chích sang uống, ngậm (ma túy tổng hợp, thuốc hướng thần)... Tình hình sử dụng trái phép chất ma túy có xu hướng gia tăng đang diễn biến phức tạp, nhất là từ khi Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) có hiệu lực thi hành thì hành vi sử dụng trái phép chất ma túy không bị coi là tội phạm và không bị xử lý hình sự.
Theo thống kê của Bộ Công an, trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2018, trên phạm vi cả nước có tổng số 365.293 người sử dụng trái phép chất ma túy, trong số này có 56.122 người sử dụng trái phép chất ma túy vi phạm pháp luật, phạm tội (chiếm 15,36%), có 5.337 người sử dụng trái phép chất ma túy gây bất ổn về tình hình an ninh, trật tự, có 27.655 người đã từng sử dụng trái phép chất ma túy đang chấp hành án tại các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ.
Tình hình sử dụng trái phép chất ma túy có xu hướng gia tăng đang diễn biến phức tạp Ảnh minh họa: ITN
Sự phát triển bùng nổ của các loại hình kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự như vũ trường, quán Bar, nhà hàng…. đã tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng tổ chức sử dụng ma túy tổng hợp. Nhiều trường hợp sử dụng ma túy, nhất là ma túy tổng hợp, ngay từ lần sử dụng đầu tiên đã gây ra nguy hiểm cho chính bản thân mình và gây mất an ninh, trật tự; đặc biệt người sử dụng ma túy tổng hợp bị loạn thần (ngáo đá), không kiểm soát được hành vi gây ra các vụ thảm án, gây hoang mang trong dư luận nhân dân, có những vụ đối tượng giết chính người thân của mình.
Mặc dù thấy được tính chất nguy hiểm, hậu quả gây ra cho xã hội của những đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy nhưng quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy chưa được quan tâm một cách đúng mức, dẫn đến hậu quả của những đối tượng này gây ra cho xã hội trong thời gian qua là vô cùng nghiêm trọng, gây bất an trong Nhân dân.
Theo quy định hiện hành, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy chỉ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000đ. Nhiều ý kiến cho rằng quy định này chưa đủ sức răn đe. Do đó, cần phải quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và có chế tài nghiêm khắc hơn đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.
Hiệu quả của biện pháp cai nghiện tại gia đình và cộng đồng không cao
Theo số liệu của Bộ Công an, năm 2009 cả nước có 146.731 người nghiện có hồ sơ quản lý thì đến tháng 12/2019 cả nước có 235.314 người nghiện có hồ sơ quản lý (tăng 60%), xuất hiện nhiều chất ma túy mới, nhất là ma túy tổng hợp. Công tác lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc gặp khó khăn, người nghiện ở ngoài xã hội nhiều, tác động rất lớn đến tình hình trật tự, an toàn, xã hội.
Theo quy định của Luật Phòng chống ma túy có 02 biện pháp cai nghiện ma tuý bao gồm: Cai nghiện ma túy tự nguyện (tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và cơ sở cai nghiện); cai nghiện ma túy bắt buộc tại cơ sở cai nghiện và cộng đồng.
Từ năm 2014 số người cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng giảm mạnh, chỉ còn 5.687 lượt người, tương đương 58% năm 2013 và đến năm 2017 chỉ còn 3.566 lượt người và năm 2018 còn 6/63 tỉnh, thành phố tổ chức cai nghiện cho 4.320 lượt người. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực ở trạm y tế cấp xã, chưa bảo đảm, không phù hợp để cắt cơn và hỗ trợ y tế cho quy trình cai nghiện (chỉ có một số ít đơn vị cấp xã ở những nơi kinh tế phát triển có thể đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ này). Thực tế các ban, ngành cấp xã không có kiến thức chuyên môn, kỹ năng về cai nghiện nên họ không quản lý được, đặc biệt ở nhiều nơi công việc này vượt quá khả năng của chính quyền cấp xã, nếu như không được tăng cường các nguồn lực thì sẽ là bất khả thi và họ phải làm hình thức để đối phó với nhiệm vụ. Do đó, biện pháp cai nghiện tại cộng đồng hiệu quả không cao, nhiều trường hợp, sau khi tập trung cắt cơn ít ngày, họ được đưa trở lại ngay môi trường xã hội và sẽ tái sử dụng ma túy.
Cùng với đó, công tác xã hội hóa cai nghiện còn nhiều khó khăn, hiện nay các cơ sở cai nghiện do các tổ chức, cá nhân thành lập chưa được quan tâm và hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, trong khi đây là lĩnh vực lợi nhuận không cao nên không thu hút được các nhà đầu tư. Cơ sở vật chất ở một số cơ sở cai nghiện còn thiếu, xuống cấp, chưa được quan tâm đầu tư thỏa đáng, dẫn đến khó khăn, bất tiện trong sinh hoạt, dễ gây bức xúc cho học viên. Các học viên sau khi cai nghiện ở các cơ sở cai nghiện bắt buộc trở về cộng đồng khó kiếm việc làm để ổn định cuộc sống.
Cai nghiện ma túy bằng Methadone Nguồn:ITN
Thực tế này đòi hỏi phải có cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa công tác cai nghiện tự nguyện và bảo đảm hiệu quả công tác cai nghiện bắt buộc, Nhà nước cần có hỗ trợ một phần kinh phí các dịch vụ cơ bản cho công tác cai nghiện, cần đầu tư nguồn lực để tổ chức thực thi củng cố bộ máy, nhân lực làm công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra ở địa phương, cấp cơ sở. Mặt khác việc xây dựng cơ chế, chính sách bảo đảm hiệu quả công tác cai nghiện bắt buộc và khuyến khích xã hội hóa công tác cai nghiện tự nguyện liên quan đến quyền tự do của công dân nên cần phải được điều chỉnh bằng luật.
Cần tăng cường kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy
Phòng, chống ma túy là lĩnh vực đặc thù, có nhiều hiểm nguy, trung bình trong 05 năm gần đây, cả nước phát hiện khoảng 20.000 vụ với trên 30.000 đối tượng vi phạm pháp luật về ma túy, khối lượng chất ma túy thu giữ tính bằng tấn. Tội phạm ma túy trong nước tổ chức, câu kết với các đối tượng người nước ngoài ngày càng chặt chẽ, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu các tổ chức tội phạm ma túy xuyên quốc gia phần lớn sinh sống ở nước ngoài. Cán bộ trong lĩnh vực phòng, chống ma túy luôn đứng trước các hiểm nguy, hy sinh, nguy cơ lây nhiễm HIV... Nhưng Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) chưa tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho cơ chế phối hợp điều tra của lực lượng điều tra trong nước với các nước, các tổ chức phòng, chống ma túy quốc tế; chưa có chính sách ưu đãi đối với lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, cai nghiện ma túy và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.
Một số hoạt động chưa được đưa vào kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy như tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, đây là các hoạt động trên thực tiễn diễn ra thường xuyên, rất dễ bị các đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội về ma túy. Một số loại thuốc có chứa chất ma túy, tiền chất cũng chưa được quy định kiểm soát. Thực tế các đối tượng đã lợi dụng sản xuất ma túy tổng hợp từ các loại thuốc này. Tính đến nay, cả nước đã phát hiện, bắt giữ 44 vụ sản xuất trái phép chất ma túy (trong đó có 01 vụ sản xuất Heroine, 43 vụ sản xuất ma túy tổng hợp), 15 vụ sản xuất ma túy tổng hợp bằng cách chiết xuất tiền chất từ thuốc tân dược (chiếm 35%).
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) trước Quốc hội
Cùng với đó, Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2008 có một số nội dung chưa bảo đảm sự thống nhất đồng bộ trong hệ thống pháp luật, còn có quy định mâu thuẫn với Luật Xử lý vi phạm hành chính về quy định thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; Mâu thuẫn với Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự về thẩm quyền điều tra của Bộ đội Biên phòng. Điều 259 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định thêm một số hành vi mới như: "Vi phạm quy định về tạm nhập, tái xuất, giao nhận, quản lý, kiểm soát, lưu giữ, cấp phát, cho phép sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần" nhưng trong Luật Phòng, chống ma túy chưa quy định nghiêm cấm các hành vi này. Sự không thống nhất giữa Luật Phòng, chống ma túy với các Bộ luật và luật nêu trên đã ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến hiệu quả công tác phòng, chống ma túy.
Trước những vấn đề pháp lý và thực tiễn như trên, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) và nhấn mạnh, việc xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) là yêu cầu cấp thiết, khách quan để thể chế hóa quan điểm của Đảng, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống ma túy, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới./.