CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU VỀ VIỆC QUY ĐỊNH ĐÀO TẠO, SÁT HẠCH, CẤP GIẤY PHÉP LÁI XE TRONG DỰ ÁN LUẬT BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

24/10/2020

Tại Đợt 1 Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Dự án Luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa Luật Giao thông đường bộ năm 2008, đồng thời thực hiện chuyên sâu hóa trong xây dựng pháp luật, tách bạch luật về trật tự, an toàn giao thông với luật về xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý vận tải đường bộ. Tuy nhiên trong quá trình xây dựng luật cũng còn một số vấn đề còn ý kiến khác nhau.

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cho thấy Luật có phạm vi điều chỉnh gồm cả hai lĩnh vực là bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý vận tải đường bộ. Tuy nhiên, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; còn xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ lại thuộc lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật. Hai lĩnh vực này có mục tiêu và đối tượng điều chỉnh khác nhau, trong đó, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông với mục tiêu là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, bảo đảm an ninh con người; còn xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an toàn kỹ thuật công trình giao thông.

Quốc hội họp trực tuyến nghe Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh, việc Chính phủ quyết định trình Quốc hội dự án Luật này cùng với dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đã được thảo luận, cân nhắc, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan. Quá trình xây dựng dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã nhận được sự đồng thuận cao của các bộ, ngành, các thành viên Chính phủ. Với việc xây dựng độc lập Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực là bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông đường bộ và xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ.

Theo Nghị quyết số 123/NQ-CP ngày 31/8/2020 của Chính phủ về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2020, trong đó Chính phủ thống nhất nội dung cơ bản của Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được xây dựng trên cơ sở đổi mới, hoàn thiện các chính sách, nội dung quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ tách ra từ Luật Giao thông đường bộ hiện hành, nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và công tác tổ chức thực thi pháp luật, tạo bước chuyển biến cơ bản, bền vững trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang đặt ra.

Về phạm vi điều chỉnh, Chính phủ thảo luận và thống nhất Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định các vấn đề về: Quy tắc giao thông; đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe; đăng ký và cấp, thu hồi biển số xe cơ giới; tổ chức an toàn giao thông, chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; giải quyết ùn tắc, tai nạn giao thông; các biện pháp thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Đề xuất quy định về đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe trong dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ                  Ảnh:ITN

Tuy nhiên, còn có ý kiến đề nghị quy định vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe theo 02 phương án: Phương án 1: Vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Phương án 2: Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) tiếp tục điều chỉnh vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe. Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xây dựng nội dung thuyết minh phù hợp cho từng phương án.

Các thành tố chính để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (sự di chuyển, đi lại của người và phương tiện trên đường giao thông), gồm: (1) Người điều khiển phương tiện giao thông; (2) Phương tiện giao thông; (3) Người và phương tiện kết nối với hạ tầng giao thông (thông qua quy tắc giao thông).

Trong đó, người điều khiển phương tiện giao thông vừa là chủ thể cần bảo vệ, vừa là nhân tố chính gây mất an toàn giao thông. Do đó, để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phải quản lý được hành vi chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông một cách xuyên suốt và nhất quán, từ khâu đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và sau khi được cấp giấy phép lái xe; mục tiêu lớn nhất của Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là bảo vệ quyền con người, phòng ngừa, hạn chế tai nạn giao thông. Vì vậy, người tham gia giao thông phải có đủ kiến thức, kỹ năng điều khiển và ý thức chấp hành pháp luật là chính sách trọng tâm được điều chỉnh trong Luật.

Theo thống kê từ năm 2009 đến nay, tai nạn giao thông ở Việt Nam đã xảy ra trên 334 nghìn vụ, làm chết trên 101 nghìn người (trung bình hàng năm gần 10.000 người chết, chủ yếu trong độ tuổi lao động), làm bị thương trên 336 nghìn người, trong đó nhiều người bị thương tật suốt đời. Đáng chú ý nguyên nhân gây tai nạn giao thông đường bộ do lỗi vi phạm của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông là chủ yếu chiếm trên 90% số vụ, trong đó nhiều lái xe có kỹ năng điều khiển, kiến thức về pháp luật an toàn giao thông và ý thức tự giác chấp hành luật còn rất kém. Bên cạnh đó, thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng Công an đã phát hiện và xử lý rất nhiều các trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn, sử dụng giấy phép lái xe giả… đây là những nguyên nhân gây ra những vụ tai nạn giao thông thảm khốc trong thời gian qua, gây bức xúc dư luận xã hội và rất đáng báo động. Tình trạng coi thường pháp luật, chống người thi hành công vụ, gây tai nạn giao thông bỏ chạy, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, ma túy…diễn biến rất phức tạp.

Đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và quản lý quá trình chấp hành pháp luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ là các nội dung quan trọng nhất, xuyên suốt, quyết định kiến thức pháp luật, kỹ năng điều khiển và ý thức chấp hành pháp luật của người lái xe khi tham gia giao thông, quyết định đến trật tự, an toàn giao thông và thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Do đó, nhóm ý kiến tán thành phương án 1 cho rằng việc quy định vấn đề đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe trong dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ góp phần đổi mới, hoàn thiện các chính sách, nội dung quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Quy định theo hướng này nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và công tác tổ chức thực thi pháp luật; lập lại trật tự, nề nếp, kỷ cương, xây dựng nền giao thông văn minh, tôn trọng pháp luật; quản lý được hành vi chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông một cách xuyên suốt và nhất quán, từ khâu đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và sau khi được cấp giấy phép lái xe. Qua đó giải quyết được những vấn đề thực tiễn đang đặt ra hiện nay đòi hỏi phải tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng người lái xe về kỹ năng điều khiển, kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông, phòng ngừa, hạn chế các vụ tai nạn giao thông.

Để đáp ứng yêu cầu đổi mới, cải cách hành chính và thực tiễn về trật tự, an toàn giao thông đường bộ hiện nay, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp đã thống nhất để Bộ Công an báo cáo Quốc hội theo Phương án 1: Vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, để bảo đảm tính hợp lý, đồng bộ và thống nhất, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, bảo vệ tính mạng, tài sản, bảo vệ quyền con người.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) tiếp tục điều chỉnh vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe theo Phương án 2. Từ năm 2001 đến nay, công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ và được thực hiện ổn định; công tác này đã được xã hội hóa mạnh mẽ.

Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về hoạt động này đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành đầy đủ, đồng bộ; chương trình đào tạo, quy trình sát hạch được xây dựng trên cơ sở phù hợp với kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, quy tắc giao thông, yêu cầu về điều kiện của phương tiện tham gia giao thông, hoạt động vận tải đường bộ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia…

Mặt khác khi chuyển nhiệm vụ quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an sẽ có tác động đến tổ chức bộ máy, đến các cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe, hệ thống pháp luật hiện hành…Đòi hỏi phải có đánh giá tác động và hướng giải quyết phù hợp để bảo đảm hiểu quả.

Việc chuyển giao nhiệm vụ quản lý người điều khiển phương tiện cho Bộ Công an đòi hỏi Bộ Công an phải điều chỉnh, sắp xếp số lượng biên chế hiện có trong ngành để thực hiện nhiệm vụ mới; bảo đảm trang bị kiến thức cơ bản và có kinh nghiệm cho các cán bộ, chiến sỹ để thực hiện nhiệm vụ.

Khi thay đổi chức năng nhiệm vụ cũng tác động đến khoảng 2.300 cán bộ công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và 63 Sở giao thông vận tải, trong đó: Khoảng 600 cán bộ làm công tác quản lý, 1.700 công chức, viên chức là sát hạch viên. Khi đó, Bộ Giao thông vận tải và các sở Giao thông vận tải địa phương sẽ phải sắp xếp lại theo hướng tinh gọn hơn, các cán bộ làm nhiệm vụ này sẽ được sát nhập vào các bộ phận công tác chuyên môn khác.

Việc chuyển giao cơ quan quản lý nhà nước cũng tác động đến khoảng có 463 cơ sở đào tạo lái xe mô tô, 328 cơ sở đào tạo lái xe ô tô thuộc các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng với hệ thống phòng học, trang thiết bị giảng dạy, sân tập lái, xe tập lái (15.000 xe) và đội ngũ giáo viên dạy lái (gần 20.000 giáo viên) trên cơ sở điều kiện, tiêu chuẩn quy định và khoảng 121 trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ.

Khi thực hiện nhiệm vụ mới, Bộ Công an sẽ phảu xây dựng hệ thống phần mềm quản lý giấy phép lái xe, phần mềm in thẻ chất liệu nhựa tương đồng với hệ thống giấy phép lái xe do Bộ Giao thông vận tải cấp và Bộ Giao thông vận tải phải chuyển giao dữ liệu về người lái xe cho Bộ Công an.

Ngoài ra, hiện nay, có 15 văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh liên quan đến công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, trong đó: 03 luật, 03 nghị định, 09 thông tư, thông tư liên tịch. Khi ban hành Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ thì Luật Giao thông đường bộ năm 2008 sẽ hết hiệu lực; 12 nghị định, thông tư có liên quan sẽ phải sửa đổi, bổ sung, thay thế. Khi ban hành Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ phải sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành.

Nhiều vấn đề cần được xem xét, đánh khi dự kiến thay đổi quy định để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của Luật./.

Bảo Yến