ĐBQH Nguyễn Tạo (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng)
Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo, Thủ tướng Chính phủ cho biết: Theo thống kê, hiện nay, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh trên cả nước khoảng 61.000 tấn/ngày, trong đó khối lượng phát sinh tại khu vực đô thị là 37.000 tấn/ngày, khu vực nông thôn là 24.000 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH ở cả đô thị và nông thôn tăng dần theo từng năm, tuy nhiên tỷ lệ thu gom CTRSH trung bình tại đô thị mới đạt khoảng 85,5%, tại nông thôn hoạt động thu gom còn thấp, chỉ mới đạt khoảng 45-60% và chưa có nhiều cải thiện. CTRSH được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp (khoảng 71%), còn lại được xử lý bằng phương pháp khác như sản xuất phân compost, thiêu đốt hoặc thiêu đốt có thu hồi năng lượng và một số công nghệ khác. Phương thức xử lý chôn lấp thường không hợp vệ sinh, tiêu tốn quỹ đất, nhiều cơ sở xử lý CTRSH đã được xây dựng và vận hành chưa đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm môi trường nước, đất và không khí; việc quản lý CTRSH chưa được áp dụng theo phương thức quản lý tổng hợp, chưa chú trọng đến các giải pháp giảm thiểu; chất thải hầu hết chưa được phân loại tại nguồn; hoạt động tái chế chất thải rắn còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát; phần lớn các cơ sở tái chế có quy mô nhỏ, mức độ đầu tư công nghệ không cao, công nghệ lạc hậu, máy móc thiết bị cũ, gây ô nhiễm môi trường thứ cấp.
Khối lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường (CTRCNTT) phát sinh khoảng 8,1 triệu tấn/năm, chưa bao gồm tro, xỉ, thạch cao phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón và đất, đá thải từ ngành công nghiệp khai thác khoáng sản. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn công nghiệp khá cao, đạt trên 90% khối lượng chất thải rắn công nghiệp phát sinh. Hầu hết các cơ sở trong khu công nghiệp đã thực hiện ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng để thu gom, xử lý.
Công tác quản lý chất thải nguy hại (CTNH) trong thời gian qua đã có chuyển biến tích cực; tỷ lệ CTNH được thu gom, xử lý đúng quy định ngày càng tăng. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tình trạng đổ trộm CTNH. Ngoài ra, hiện nay các công nghệ xử lý CTNH vẫn còn tập trung nhiều vào xử lý (tiêu hủy, đóng kén chôn lấp...) mà chưa hướng đến việc tái sử dụng, tái chế nhằm tận dụng hết các thành phần có ích trong chất thải rắn.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn các ĐBQH
Hàng năm, trong hoạt động nông nghiệp phát sinh khoảng hơn 14.000 tấn bao gói thuốc bảo vệ thực vật, phân bón các loại sau sử dụng, trong khi việc thu gom, xử lý còn nhiều bất cập.
Tại một số địa phương, việc thu gom các loại bao gói được áp dụng nhưng ở quy mô nhỏ. Sau khi có Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT, các địa phương từng bước triển khai thực hiện, xây dựng các bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, thu gom bao gói sau khi phun thuốc, để đúng nơi quy định. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhiều địa phương gặp những vướng mắc về nguồn kinh phí đầu tư ban đầu xây dựng các bể, kho lưu chứa cũng như chưa đáp ứng đủ kinh phí rất lớn hàng năm cho việc vận chuyển, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế dẫn đến ô nhiễm chất thải rắn. Trong đó, một phần do tổ chức bộ máy về quản lý chất thải rắn còn bất cập. Việc giao thoa, chồng chéo về chức năng quản lý nhà nước tại trung ương và địa phương trong lĩnh vực chất thải rắn đã gây khó khăn trong công tác quản lý. Hệ thống cơ chế, chính sách, các quy định, hướng dẫn liên quan đến công tác quản lý chất thải rắn còn chưa hoàn thiện. Hiện đang còn thiếu các hướng dẫn lựa chọn công nghệ, hướng dẫn kỹ thuật phù hợp về thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; thiếu các hướng dẫn kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật về sử dụng CTRCNTT làm vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng.
Việc điều tra, dự báo về chất thải rắn chưa chính xác dẫn đến việc xây dựng và triển khai quy hoạch quản lý chất thải rắn còn hạn chế. Việc huy động các nguồn lực cho quản lý chất thải rắn còn hạn chế. Nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho quản lý chất thải rắn không đáp ứng yêu cầu. Mức phí thu gom CTRSH từ các hộ gia đình còn quá thấp so với chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý. Việc huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp ngoài nhà nước để đầu tư xây dựng khu xử lý, nhà máy xử lý chất thải rắn còn gặp nhiều khó khăn.
Mặt khác, do năng lực quản lý CTRSH của nhiều địa phương còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng, nguồn kinh phí và nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác quản lý chất thải. Nhận thức, ý thức trách nhiệm về quản lý chất thải rắn của chính quyền, người dân và doanh nghiệp còn chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác quản lý chất thải rắn.
Để khắc phục những tồn tại, bất cập, đưa công tác quản lý chất thải rắn đi vào nề nếp, có đóng góp tích cực phát triển kinh tế - xã hội cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tại Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 03/02/2019, Chính phủ đã thống nhất giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối, thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn; giao Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề rác thải và xử lý rác thải trên địa bàn. Đồng thời trong trả lời chất vấn của ĐBQH, Thủ tướng Chính phủ đã đề cập đến các giải pháp cấp bách, mang tính đột phá trong công tác quản lý chất thải rắn. Đó là cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn, trong đó tập trung rà soát, xây dựng, hoàn thiện và lồng ghép các quy hoạch quản lý chất thải rắn vào quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch tỉnh; xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường, định mức kinh tế, kỹ thuật trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn. Thực hiện thống nhất quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương đối với công tác quản lý chất thải rắn. Xây dựng và ban hành danh mục công nghệ xử lý CTRSH khuyến cáo áp dụng phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của các địa phương, trong đó chú trọng đến các công nghệ xử lý chất thải đi kèm với các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng, hạn chế tối đa lượng chất thải phải chôn lấp. Xây dựng và triển khai đồng bộ công tác phân loại CTRSH tại nguồn phù hợp với công nghệ xử lý tại các địa phương. Xây dựng và triển khai các mô hình cộng đồng tự quản tham gia quản lý chất thải rắn. Tăng cường đầu tư phát triển cơ sở vật chất trang thiết bị, nguồn nhân lực đảm bảo yêu cầu quản lý; huy động nguồn lực toàn xã hội trong công tác quản lý chất thải rắn.
Xây dựng kế hoạch, huy động các nguồn ngân sách và xã hội hóa để tổ chức cải tạo, xử lý các bãi chôn lấp CTRSH đã đóng cửa. Tăng cường xây dựng và triển khai các hoạt động truyền thông, đào tạo, nâng cao năng lực và nhận thức cộng đồng về quản lý chất thải rắn.Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để phòng ngừa cũng như kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm trong công tác quản lý chất thải rắn…
Để thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, Chính phủ đang giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng các đề án tăng cường năng lực quản lý CTRSH và công tác quản lý chất thải nhựa tại Việt Nam, đưa ra các giải pháp tổng thể, toàn diện để tăng cường công tác quản lý chất thải rắn tại Việt Nam. /.