ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH - NGÂN SÁCH ĐẶC THÙ ĐỐI VỚI THỦ ĐÔ HÀ NỘI

27/04/2020

Chiều ngày 27/4, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 63/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.

 

Toàn cảnh phiên họp

Thủ đô Hà Nội có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ lớn của đất nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thành phố luôn ở mức cao, hằng năm đều tăng gấp 1,5 lần so với trung bình cả nước; thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn lớn thứ hai cả nước, khẳng định vị thế đầu tàu, động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, Vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng và cả nước nói chung.

Tuy nhiên, Thủ đô Hà Nội còn một số vấn đề trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội cần được giải quyết có hiệu quả như công tác quy hoạch, quản lý đô thị chưa theo kịp yêu cầu phát triển; tốc độ đô thị hóa diễn ra rất nhanh, trong khi cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập; một số chợ dân sinh trên địa bàn Thành phố được đầu tư đã lâu, nay xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ gây mất an toàn, không đảm bảo điều kiện phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm, mỹ quan đô thị, tình trạng ô nhiễm môi trường; ùn tắc giao thông; ngập úng; tình trạng tăng dân cư tự phát đã gây sức ép lớn đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ở khu vực nội thành.

Để xử lý những vấn đề tồn tại, hạn chế nêu trên và đáp ứng các yêu cầu mới đặt ra, Chính phủ cho rằng, cần thiết phải ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 63/2004/NĐ - CP phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và Luật Thủ đô.

Ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội cũng đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi Nghị định số 63 quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội nhằm tạo cơ chế, chính sách thuận lợi hơn trong việc huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực hợp pháp cho việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong giai đoạn tới.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, có ý kiến cho rằng, năm 2020 là năm cuối của thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020 và Khung chính sách ngân sách của thời kỳ ổn định ngân sách 2021-2025 chưa có. Vì vậy, cần cân nhắc, có thể chưa cần thiết ban hành Nghị định thay thế Nghị định hiện hành vào thời điểm này.

Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến bày tỏ nhất trí về việc cần thiết phải sửa đổi Nghị định 63/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong giai đoạn tới.

Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, những vấn đề mà Chính phủ xin ý kiến hôm nay đang vượt quá thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bởi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ được giao thẩm quyền cho ý kiến về quản lý, sử dụng ngân sách đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng - an ninh, đối ngoại và một số cơ chế đặc thù đối với thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác. Tuy nhiên, những nội dung Chính phủ trình sửa đổi Nghị định hiện nay đều nằm ngoài quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Thủ đô. Vì vậy, để bảo đảm đúng thẩm quyền và phù hợp với việc áp dụng thí điểm các cơ chế đặc thù, các đại biểu yêu cầu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về một số cơ chế tài chính đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.

Tổng Thư ký Quốc hội- Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội- Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết muốn Hà Nội phát triển được thì phải dành cơ chế tốt nhất cho Hà Nội. Tuy nhiên, những cơ chế mà Chính phủ đề xuất trong dự thảo Nghị định hôm nay chưa thực sự phù hợp lắm, chưa đủ để tạo được sức mạnh cho Thủ đô Hà Nội phát triển. Do vậy, Tổng Thư ký Quốc hội- Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho rằng, cần phải có một đề xuất cao hơn nữa, theo đó, Quốc hội nên có một Nghị quyết riêng cho thủ đô Hà Nội thì hay hơn.

Đồng tình với quan điểm trên, Phó Chủ tich Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, để phù hợp với thẩm quyền, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu lại tên gọi cũng như phạm vi điều chỉnh của dự thảo để trình ra Quốc hội ban hành một Nghị quyết riêng cho Thủ đô Hà Nội; đồng thời đề nghị bổ sung nội dung này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 của Quốc hội.

         

Phó Chủ tich Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu

Về các nội dung, cơ bản các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với việc nâng mức dư nợ vay của ngân sách thành phố Hà Nội từ 70% lên 90% trên nguyên tắc thành phố phải bảo đảm trả được nợ; nhất trí với chủ trương cho phép Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội được tạm ứng sử dụng Quỹ Dự trữ tài chính để đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng và thời hạn tạm ứng là 36 tháng; sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách cấp thành phố để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và chi an sinh xã hội…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý Chính phủ cân nhắc một số đề xuất, như: Cho phép Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội được phép quyết định dự toán chi ngân sách thành phố lĩnh vực giáo dục - đào tạo là 20%, khoa học công nghệ là 2% vì đã có trong một số luật; việc sử dụng nguồn dư tăng thu nhập cho người lao động…

Phát biểu kết thúc nội dung thảo luận, Phó Chủ tich Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, hoàn thiện lại Tờ trình để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp trong tháng 5 tới, trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiện họp hôm nay; giao Ủy ban Tài chính – Ngân sách thẩm tra để trình ra xin ý kiến Quốc hội./.

Thu Phương- Nghĩa Đức

Các bài viết khác