Làm rõ trách nhiệm và hình thức xử lý trong việc rà soát số liệu chưa chính xác
Qua thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho thấy Tờ trình lần này của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 468/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội và kiến nghị sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016 còn lại đã chuyển nguồn sang giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 để thực hiện hạng mục bổ sung của một số dự án đã có sự rà soát, phản ánh rõ hơn các số liệu tăng, giảm, trên cơ sở đó đã tổng hợp số liệu điều chỉnh sát với thực tế, song đối chiếu với Kết luận của UBTVQH thì một số nội dung chưa được đề cập. Cụ thể:
(1) Chưa làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân trong việc rà soát số liệu chưa chính xác khi báo cáo UBTVQH ban hành Nghị quyết số 468/2017/UBTVQH14;
(2) Số liệu báo cáo của Chính phủ có nhiều thay đổi: tại Nghị quyết 468/NQ-UBTVQH trên cơ sở số liệu của Tờ trình 535/TTr-CP ngày 13/11/2017 (Tờ trình 535), số cần điều chỉnh giảm 3.071,560 tỷ đồng;
Tại Báo cáo số 327/BC-CP ngày 19/8/2019, Chính phủ đề nghị số cần điều chỉnh giảm là 4.722,735 tỷ đồng; tại Tờ trình này số vốn cần điều chỉnh là 4.914,894 tỷ đồng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc thực hiện Nghị quyết 468/NQ-UBTVQH14 và kiến nghị sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016 còn lại đã chuyển nguồn sang giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 để thực hiện hạng mục bổ sung một số dự án tại phiên họp thứ 44
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức nêu rõ, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, việc Chính phủ thay đổi số liệu qua các lần báo cáo cho thấy sự thiếu chính xác, thiếu chắc chắn trong việc rà soát, đề nghị rút kinh nghiệm, thận trọng trong công tác rà soát, tổng hợp số liệu và số điều chỉnh chi tiết của từng dự án theo các phụ lục báo cáo để đảm bảo tính chính xác khi trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Do đó, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục làm rõ trách nhiệm và hình thức xử lý của từng tổ chức, cá nhân trong việc rà soát số liệu chưa chính xác khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 468/NQ-UBTVQH14 ngày 29/12/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Xem xét quyết định điều chỉnh giảm vốn trái phiếu chính phủ đối với các dự án chưa giải ngân hoặc không có nhu cầu sử dụng
Tại Tờ trình lần này, trên cơ sở tổng hợp số liệu chi tiết từ báo cáo của các bộ, địa phương, Chính phủ báo cáo tổng số vốn điều chỉnh thực tế là 4.914,894 tỷ đồng, tăng so với số liệu tại Nghị quyết 468 là 1.843,334 tỷ đồng. Trong đó: (i) Thực tế điều chỉnh tăng thêm của các dự án so với phụ lục của Nghị quyết 468 là 2.023,362 tỷ đồng; (ii) Một số dự án có số thực tế điều chỉnh thấp hơn so với Nghị quyết 468, dẫn đến tổng số tiền không thực hiện điều chỉnh được theo phụ lục Nghị quyết 468 của các dự án này là: 180,027 tỷ đồng.
Nguyên nhân số liệu tăng, giảm nêu trên là do trước đây các bộ, địa phương báo cáo chưa chính xác, chưa rà soát, đối chiếu kỹ số liệu với Bộ Tài chính và Kho bạc nhà nước liên quan. Sau khi Nghị quyết 468 ban hành, Chính phủ đã ban hành quyết định số 280/QĐ-TTG ngày 08/3/2018 giao các bộ, địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết 468. Thực tế rà soát cho thấy, nhiều dự án có số vốn kế hoạch còn lại chưa giải ngân cao hơn số liệu Chính phủ đã báo cáo, dẫn đến số thực tế cần thu hồi tăng so với phụ lục Nghị quyết 468. Một số dự án có số vốn kế hoạch còn lại chưa giải ngân thấp hơn so với số liệu Chính phủ đã báo cáo trước đây, dẫn đến số thực tế cần thu hồi giảm so với Phụ lục Nghị quyết 468.
Căn cứ số liệu tổng hợp nêu trên, Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép: Điều chỉnh giảm 4.914,895 tỷ đồng đối với các dự án chưa giải ngân hoặc không có nhu cầu sử dụng theo số liệu quyết toán NSNN được Chính phủ báo cáo Quốc hội hàng năm.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Về vấn đề này, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, các dự án đã được giải ngân, thanh toán, kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước theo quy định. Song do số liệu Chính phủ báo cáo trước đây chưa chính xác, nên việc xác định lại và điều chỉnh số liệu để phản ánh đúng thực tế là cần thiết. Vì vậy, nhất trí việc trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh đối với các dự án có số vốn chưa giải ngân cao hơn và thấp hơn số điều chỉnh giảm tại Nghị quyết 468 (tăng thêm so với Nghị quyết 468 là 2.023,362 tỷ đồng đối với các dự án có số vốn còn lại chưa giải ngân cao hơn số vốn điều chỉnh giảm tại Nghị quyết số 468; giảm đối với các dự án có số vốn chưa giải ngân thấp hơn số điều chỉnh giảm tại Nghị quyết 468 là 180,027 tỷ đồng). Theo đó, tổng số điều chỉnh giảm sẽ là 4.914,895 tỷ đồng.
Tiếp tục rà soát, thực hiện điều chỉnh giảm số vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2012-2015 và 2014-2016 của các dự án chưa giải ngân hoặc không còn nhu cầu sử dụng
Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho phép Chính phủ không phải tiếp tục rà soát, báo cáo về các dự án đã giao Kế hoạch hàng năm chưa giải ngân hết (ngoài số vốn đã được điều chỉnh giảm tại Nghị quyết 468/NQ-UBTVQH) vì số vốn còn lại chưa giải ngân hoặc không còn nhu cầu sử dụng của các dự án sử dụng nguồn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2012-2015 và giai đoạn 2014-2016 đã được hủy bỏ theo quy định, không phát hành, đồng thời được Chính phủ tổng hợp cùng báo cáo quyết toán NSNN hàng năm trình Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban cho rằng, theo quy định pháp luật, số vốn còn lại đã được hủy bỏ cũng không thể giải ngân. Vì vậy, để bảo đảm tính linh hoạt, nhất trí cho phép Chính phủ tiếp tục rà soát, thực hiện điều chỉnh giảm số vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2012-2015 và 2014-2016 của các dự án chưa giải ngân hoặc không còn nhu cầu sử dụng. Do đó, đề nghị cho phép Chính phủ tổng hợp kết quả cụ thể, báo cáo Quốc hội cùng quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm theo đúng quy định của pháp luật.
Một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, Chính phủ chưa thực hiện đúng quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 468 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vì vậy, đề nghị thực hiện nghiêm quy định này, cần tiếp tục rà soát lại các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ đã phân bổ cho giai đoạn 2012-2015 và 2014-2016 không đủ điều kiện, tiêu chí phân giao vốn trái phiếu Chính phủ theo các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về đề xuất sử dụng vốn TPCP giai đoạn 2014-2016 để thực hiện hạng mục bổ sung của một số dự án
Chính phủ đề nghị xem xét, cho ý kiến về việc tỉnh Bắc Ninh dự kiến sử dụng 250 tỷ đồng vốn TPCP giai đoạn 2014-2016 để thực hiện Dự án Cải tạo nâng cấp Sông Ngũ Huyện Khê, hệ thống thủy nông Bắc Đuống, tỉnh Bắc Ninh. (Các tỉnh Long An và Tiền Giang cũng có dự án đầu tư nhưng không dự kiến phân bổ kế hoạch vốn năm 2020 cho các dự án của địa phương mình).
Về nội dung này, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, vốn trái phiếu chính phủ đã được hòa chung vào ngân sách nhà nước, số vốn kế hoạch trái phiếu chính phủ giai đoạn 2014-2016 chưa được chuyển nguồn sang kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã bị hủy bỏ. Do vậy, không thể sử dụng vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2014-2016 cho dự án này. Trường hợp cần thiết, cấp bách thì Chính phủ thực hiện theo Nghị quyết 84/2019/QH14 của Quốc hội, theo đó Quốc hội đã giao Chính phủ chịu trách nhiệm rà soát lại danh mục, thủ tục đầu tư, phương án phân bổ, giao vốn bổ sung cho các Bộ, ngành, địa phương và các dự án, trên nguyên tắc bảo đảm cân đối được nguồn ngân sách hằng năm, bố trí được trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 và cần bảo đảm đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, các Nghị quyết của Quốc hội, các Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về đầu tư công./.