Đại biểu Quốc hội Thái Trường Giang, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau
Theo ĐBQH Thái Trường Giang, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21/3/2017 quy định về tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, có hiệu lực kể từ ngày 05/5/2017. Theo quy định tại khoản 5, Điều 29, Nghị định nêu trên, Bộ Công Thương có trách nhiệm “hướng dẫn các địa phương liên quan xây dựng kế hoạch và chuẩn bị lực lượng, phương tiện thực hiện ứng phó sự cố tràn dầu, sự cố hóa chất độc theo quy định”. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, Bộ Công Thương vẫn chưa có Thông tư hướng dẫn việc xây dựng, thẩm định và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các cơ sở thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Do đó, kiến nghị Bộ Công Thương sớm ban hành Thông tư hướng dẫn việc xây dựng, thẩm định và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các cơ sở thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.
Trả lời đại biểu, Bộ Công Thương cho biết: Về xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố hóa chất, trong phạm vi quản lý của Bộ Công Thương, Bộ đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2013 về việc tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất độc hại, trong đó giao Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh. Bộ Công Thương đã ban hành các Công văn số 10362/BCT-HC ngày 13 thang 11 năm 2013 và Công văn số 9574/BCT-HC ngày 29 tháng 9 năm 2014 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn việc xây dựng và phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh.
Ngày 01 tháng 7 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 26/QĐ-TTg về Quy chế hoạt động ứng phó sự cố hóa chất độc, giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng, rà soát, cập nhật, bổ sung Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh trong đó nêu rõ phương án ứng phó sự cố hóa chất độc.
Cho đến nay đã có 41 Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh được Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt. Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh bao gồm những nội dung đánh giá tình hình hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh, phân công, cơ chế phối hợp giữa các lực lượng chức năng, kế hoạch nâng cao năng lực ứng phó về nhân lực, vật lực của các lực lượng chức năng.
Bên cạnh Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh, Bộ Công Thương đã tổ chức thẩm định Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất của hàng trăm cơ sở hóa chất có tồn trữ hóa chất nguy hiểm với khối lượng lớn. Các cơ sở hóa chất khác đều phải xây dựng Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất. Nội dung chính của các Kế hoạch, Biện pháp bao gồm dự báo nguy cơ sự cố hóa chất có thể xảy ra trong cơ sở, kế hoạch ứng phó sự cố và tính toán năng lực ứng phó sự cố.
Nhờ đó ý thức về an toàn hóa chất cũng như năng lực ứng phó sự cố hóa chất của các cơ sở hóa chất và các lực lượng chức năng ở địa phương đã được nâng cao, góp phần giảm thiểu các nguy cơ và khả năng sẵn sàng ứng phó khi sự cố xảy ra.
Về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, theo Bộ Công thương, việc thẩm định và phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của địa phương thuộc thẩm quyền của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm Cứu nạn (theo quy định tại Điều 7, Quyết định số 02/2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu).
Do đó, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ xem xét và phối hợp với Ủy ban Quốc gia tìm kiếm Cứu nạn xây dựng thông tư hướng dẫn việc xây dựng kế hoạch và chuẩn bị lực lượng, phương tiện thực hiện ứng phó sự cố tràn dầu theo Quy định tại Nghị định số 30/2017/NĐ-CP như Đại biểu nêu./.