Ngày 06/4, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa uỷ quyền Chính phủ đã gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội báo cáo các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn vì COVID-19. Theo tính toán của Chính phủ, gói hỗ trợ sẽ trị giá 62.000 tỷ đồng (tăng 420 tỷ so với dự kiến ban đầu), hỗ trợ dành cho khoảng 20 triệu người của 6 nhóm đối tượng, chi trong tháng 4, 5, 6.
Đối tượng
|
Hỗ trợ (VND)
|
Điều kiện bổ sung
|
Người có công với cách mạng
|
500.000
|
|
Hộ nghèo, cận nghèo
|
1 triệu
|
Theo chuẩn quốc gia
|
Lao động bị nghỉ việc
|
1,8 triệu
|
|
Lao động bị buộc thôi việc
|
1 triệu/tháng
|
Chưa đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp
|
Hộ kinh doanh cá thể ngừng kinh doanh
|
1 triệu/tháng
|
Doanh thu dưới 100 triệu/năm
|
Doanh nghiệp có lao động ngừng việc trong 3 tháng
|
Vay lãi suất 0% trả lương
|
Vay Ngân hàng Chính sách xã hội không quá 12 tháng
|
Doanh nghiệp có 50% lao động nghỉ việc
|
- Dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất
- Nhận 1 triệu đồng từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp
|
Đào tạo, nâng cao trình độ nghề, nhằm duy trì việc làm cho người lao động trong 3 tháng
|
Về nguồn vốn của gói này, ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp 36.000 tỷ đồng. Ngân sách Trung ương 22.000 - 23.000 tỷ lấy từ nguồn tăng thu, kinh phí còn lại năm 2019 là 19.000 - 20.000 tỷ đồng. Số còn lại từ nguồn dự phòng 2020, tiết kiệm chi thường xuyên... Ngân sách địa phương 13.000 - 14.000 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, kinh phí còn lại năm 2019, quỹ dự trữ tài chính, dự phòng ngân sách 2020 và nguồn cải cách tiền lương còn dư....
Ngoài ra, gói hỗ trợ này còn sử dụng khoản hỗ trợ gián tiếp thông qua việc cho phép doanh nghiệp, người lao động dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại người lao động (khoảng 3.000 tỷ đồng); cho vay chi trả tiền lương ngừng việc cho người lao động qua Ngân hàng Chính sách xã hội (khoảng 16.000 tỷ đồng).
Dự kiến trong tuần này Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về gói hỗ trợ trên.
Trước đó, thảo luận tại phiên họp Thường kỳ Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người yếu thế trong xã hội, những người có thu nhập thấp, mất việc. Do đó, Nhà nước, với các nguồn lực khác nhau, phải tìm mọi cách để hỗ trợ các đối tượng yếu thế vượt qua khó khăn, bảo đảm cuộc sống tối thiểu, không để “đói cơm lạt muối” cũng như dưỡng sức cho người lao động để tiếp tục công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bên cạnh nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, vấn đề bảo đảm an sinh xã hội để bảo đảm cuộc sống tối thiểu, tái sản xuất sức lao động cho người dân có ý nghĩa quan trọng./.