CÒN TÌNH TRẠNG CHẬM BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG CHỐNG XÂM HẠI TRẺ EM Ở ĐỊA PHƯƠNG

16/01/2020

Tại buổi làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” với Chính phủ, các Bộ, ngành và cơ quan hữu quan ngày 16/01, thành viên Đoàn giám sát cho biết, tầm quan trọng và tính cấp bách của công tác bảo vệ trẻ em nói chung, công tác phòng chống xâm hại trẻ em nói riêng chưa được cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn ở một số địa phương quan tâm đầy đủ dẫn tới, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý còn thiếu quyết liệt và chưa sát sao.

Báo cáo tổng hợp tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy nêu rõ, theo báo cáo của Chính phủ, trong giai đoạn từ 01/01/2015 đến 30/6/2019, việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em được Chính phủ, các bộ, ngành chức năng quan tâm thực hiện.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy tóm tắt báo cáo tổng hợp

Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Trẻ em và 10 bộ luật, luật, ban hành mới và sửa đổi, bổ sung 08 Nghị định liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 03 chỉ thị, 15 quyết định về giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em, thành lập Ủy ban Quốc gia về trẻ em, tăng cường các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em…. Các bộ, ngành hữu quan ban hành 35 Thông tư, Thông tư liên tịch.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trình Quốc hội thông qua Bộ Luật Tố tụng hình sự, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng, ban hành 01 “Thông tư liên tịch về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi”.  Tòa án nhân dân tối cao trình Quốc hội thông qua Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, ban hành 01 Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi; ban hành 03 Thông tư, phối hợp xây dựng 01 Thông tư liên tịch về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi.

Về cơ bản, các văn bản được ban hành đã thể chế hóa kịp thời và đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phòng, chống xâm hại trẻ em, thúc đẩy thực hiện ngày càng tốt hơn quyền của trẻ em, đặc biệt là nhóm quyền được bảo vệ của trẻ em; nội dung các văn bản cơ bản chặt chẽ, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất và đồng bộ.

Tuy nhiên, qua giám sát trực tiếp tại 17 địa phương và tổng hợp báo cáo của các địa phương trên cả nước cho thấy, 49/63 tỉnh, thành phố, Hội đồng nhân dân các cấp chưa ban hành Nghị quyết để thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em trên địa bàn mà hầu hết đều được lồng ghép vào Nghị quyết về kinh tế-xã hội có liên quan, nên chưa tập trung được nhiều nguồn lực cho công tác trẻ em nói chung, phòng chống xâm hại trẻ em nói riêng.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy cho biết, có đến 52/63 Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố chưa ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Trẻ em. Hầu hết Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố đều chưa ban hành văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Số lượng các văn bản chỉ đạo, điều hành còn hạn chế. Nhiều văn bản nội dung chưa bám sát vào tình hình thực tế, do vậy chưa thật sự đáp ứng yêu cầu phòng, chống xâm hại trẻ em tại địa phương.

Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Chính phủ, các bộ ngành và cơ quan hữu quan 

Đặc biệt, tại nhiều địa phương nổi lên một số loại hình xâm hại trẻ em chủ yếu, phức tạp như xâm hại tình dục, mua bán trẻ em... nhưng lại chưa có văn bản chỉ đạo, điều hành trực tiếp về nội dung này. Ví dụ: Thành phố Hải Phòng có 23 trẻ em bị bỏ rơi; tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu có số trẻ em bị bỏ rơi, bỏ mặc không quan tâm cao 78 vụ (chiếm 26,35% tổng số vụ xâm hại của toàn tỉnh) nhưng lại không có văn bản nào về phòng, chống tình trạng này; tỉnh Hòa Bình chiếm 89% các vụ xâm hại trẻ em là xâm hại tình dục, Nghệ An có tới 72% các vụ xâm hại trẻ em là xâm hại tình dục nhưng lại không có văn bản cụ thể nào về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em; các tỉnh có đường biên giới như tỉnh Lào Cai xảy ra 32 vụ mua bán trẻ em (tỉnh có số vụ mua bán trẻ em cao nhất cả nước), tỉnh Lạng Sơn xảy ra 12 vụ mua bán trẻ em nhưng đều chưa có văn bản cụ thể nào của Uỷ ban nhân dân tỉnh về phòng, chống mua bán người, mua bán trẻ em...

Theo phụ lục văn bản được ban hành cho thấy, hầu hết văn bản chỉ đạo, điều hành của Uỷ ban nhân dân là do cơ quan ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất, trong khi đó, rất nhiều nội dung công tác phòng, chống xâm hại trẻ em có trách nhiệm quan trọng của các sở, ban, ngành liên quan, đặc biệt là Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông... nhưng lại chưa tham mưu đầy đủ, dẫn tới việc triển khai các công tác về phòng, chống xâm hại trẻ em chưa toàn diện.

Theo Đoàn giám sát, công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan thanh tra, cơ quan quản lý nhà nước về công tác bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để đánh giá chất lượng tổ chức triển khai thực hiện nhưng tại nhiều địa phương lại chưa được tiến hành thường xuyên, chưa được thực hiện thực chất, dẫn đến chưa kịp thời phát hiện những thiếu sót, vi phạm pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy phát biểu tại buổi làm việc

Trước thực trạng xâm hại trẻ em diễn ra phức tạp, nhiều vụ việc nghiêm trọng thời gian qua thì điều quan trọng là trách nhiệm của chính quyền địa phương trong sát sao nắm tình hình để có biện pháp can thiệp trong những vụ việc cụ thể, cũng như có sự theo dõi, có những biện pháp phòng ngừa xâm hại trẻ em hiệu quả trên địa bàn nhưng từ thực tế ban hành chính sách, văn bản cũng như tổ chức thi hành pháp luật của các địa phương cho thấy còn nhiều vấn đề đáng lo ngại.

Trong công tác ban hành văn bản, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết thêm, có những văn bản được ban hành vào cuối giai đoạn như Chương trình phòng ngừa giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016-2020 thì đến nay đã năm 2020 còn có đến 22/63 địa phương chưa ban hành; hay như Đề án về chăm sóc trẻ em giai đoạn 2019-2025 thì đến nay mới có 16/63 địa phương ban hành; Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật cũng mới chỉ có 34/63 địa phương ban hành… Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy đặt câu hỏi, với tình trạng không ban hành văn bản tổ chức triển khai các Luật, chỉ thị, kết luận thì trách nhiệm của các cơ quan như thế nào, có phê bình, xử lý không?

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Thanh Vân cũng cho rằng một trong những điểm cần nghiêm túc kiểm điểm thể hiện rõ trong báo cáo là việc triển khai các Luật liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em của các cấp chính quyền rất trì trệ. Cá biệt có những địa phương khi Đoàn giám sát đến vẫn chưa triển khai. Vấn đề đặt ra ở đây là ý thức chấp hành pháp luật và trách nhiệm của người đứng đầu. Đây là điểm cần chú trọng để có biện pháp giải quyết mới tạo được chuyển biến thực sự.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Thanh Vân

Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng bày tỏ mong muốn, qua giám sát, Quốc hội có tiếng nói, có ý kiến đến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội phát huy vai trò ở địa phương để từ đó có chỉ đạo, điều hành trong việc chấp hành quy định pháp luật, ban hành các văn bản triển khai thi hành luật, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em ở địa phương./.

Bảo Yến