Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đã đề nghị các Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo… báo cáo làm rõ trách nhiệm trong thực hiện chức năng nhiệm vụ của Bộ trong lĩnh vực này, trong đó có xây dựng môi trường sống an toàn lành mạnh nhất là tại gia đình và nhà trường; phòng chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; công tác thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, trang bị kỹ năng cho trẻ em; trợ giúp pháp lý cho trẻ em bị xâm hại; phối hợp liên ngành trong phòng, chống xâm hại trẻ em…
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại buổi làm việc:
Sáng 16/01, Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” tiếp tục làm việc với Chính phủ, các bộ ngành và cơ quan hữu quan.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì cuộc làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát cho rằng, trong thời gian qua, việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em đã được Chính phủ, các bộ ngành và cơ quan tư pháp quan tâm thực hiện.
Tuy nhiên, các thành viên Đoàn giám sát đã chỉ ra nhiều bất cập trong quá trình thực hiện như: chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hữu quan; một số vụ việc xử lý còn nhẹ so với mức độ nguy hại của hành vi vi phạm; mới thực hiện tuyên truyền chung chung, chưa có hình thức, phương pháp tuyên truyền hữu hiệu...
Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Ninh Thị Hồng phát biểu tại buổi làm việc.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy đặt câu hỏi? Luật Trẻ em quy định có đến 17 cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bảo vệ trẻ em nhưng tại sao khi tình hình xâm hại trẻ em báo động như thời gian qua thì không thấy có cơ quan, tổ chức nào nhận trách nhiệm?
Các thành viên Đoàn giám sát đề nghị các Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo… báo cáo làm rõ trách nhiệm trong thực hiện chức năng nhiệm vụ của Bộ trong lĩnh vực này, trong đó có xây dựng môi trường sống an toàn lành mạnh nhất là tại gia đình và nhà trường; phòng chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng...
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình – Phó Trưởng Đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc.
Đại diện lãnh đạo các Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao… giải trình các vấn đề được thành viên Đoàn giám sát đưa ra.
Tiếp thu các ý kiến của Đoàn giám sát, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện báo cáo, phản ánh đúng tình hình, phân tích được nguyên nhân và làm rõ trách nhiệm phối hợp của các cơ quan.
Bày tỏ tin tưởng qua giám sát của Quốc hội, tình hình xâm hại trẻ em sẽ được cải thiện, chuyển biến tích cực, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết Chính phủ sẽ chỉ đạo điều hành, nâng cao nhận thức của các cấp các ngành, siết trách nhiệm, gắn với công tác thanh tra, kiểm tra; thành lập được mạng lưới bảo vệ trẻ em trong cộng đồng gắn với đó là phổ biến kiến thức; quy trình can thiệp các vụ việc cụ thể.
Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành tiếp tục hoàn chỉnh báo cáo, cập nhật thống nhất số liệu, đánh giá khoa học hợp lý... Tổ giúp việc của Đoàn giám sát xây dựng dự thảo báo cáo của Đoàn giám sát, lưu ý đến một số vụ án cụ thể để kịp trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 4/2020.