Tình hình xâm hại trẻ em gia tăng, phức tạp
Báo cáo tổng hợp tình hình thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em dẫn báo cáo của Chính phủ cho biết, số trẻ em trên toàn quốc là 26.372.278 trẻ em chiếm gần 27% dân số cả nước.
Theo Đoàn giám sát vấn đề cần được quan tâm là có đến 11.530 trẻ chưa hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở nhưng đã bỏ học đi kiếm sống. Số lượng trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ có cha mẹ ly hôn là rất lớn và đều đang có chiều hướng gia tăng. Theo báo cáo, năm 2018 có 2.857.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chiếm 10,8% tổng số trẻ em, có 82.464 trẻ em có cha mẹ ly hôn, trong đó, số trẻ em dưới 7 tuổi là 43.718 trẻ.
Báo cáo nêu rõ, giai đoạn từ 01/01/2015 - 30/6/2019, toàn quốc đã phát hiện 7.824 vụ xâm hại trẻ em, với 8.588 đối tượng xâm hại, số trẻ em bị xâm hại là 8.091 em (1.059 em nam, 7.032 em nữ).
Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Chính phủ, các Bộ ngành và cơ quan hữu quan
So với giai đoạn 2011 - 2014 thì số trẻ em bị xâm hại tăng 880 trẻ, tỷ lệ 12,2%. Đáng lưu ý, số trẻ em bị xâm hại giảm dần từ năm 2015 đến năm 2018, nhưng lại tăng đột biến trong năm 2019, riêng 6 tháng đầu năm 2019 đã có 1.400 trẻ bị xâm hại, gần bằng số lượng cả năm 2018 (1.579 trẻ).
Hình thức phổ biến nhất là xâm hại tình dục trẻ em: 6.337 vụ, 6.432 trẻ em bị xâm hại, chiếm tới 79,5% tổng số trẻ em bị xâm hại; chiếm 81,3% các vụ xâm hại trẻ em được công an các cấp tiếp nhận, xử lý. Một hình thức xâm hại phổ biến nữa là số trẻ em bị bỏ rơi với số lượng rất lớn trong các năm 2016- 2018 lên tới 469.869 trẻ, nhưng vẫn tiếp tục tăng theo từng năm.
Chính phủ cũng như các bộ, ngành chức năng thì đều có chung đánh giá, số lượng các vụ xâm hại được phát hiện chưa phản ánh đúng tình hình xâm hại trẻ em trên thực tế. Có nhiều vụ việc xảy ra trong thời gian dài, hành vi xâm hại được tái diễn nhiều lần, với nhiều nạn nhân nhưng phải rất lâu sau đó mới bị phát hiện… Nhiều ý kiến cho rằng các số liệu hiện nay mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Ngoài ra, các cơ quan cũng đều dự báo tình hình xâm hại trẻ em có xu hướng gia tăng, diễn biến ngày càng phức tạp với thủ đoạn tinh vi, tính chất của các vụ việc ngày càng nghiêm trọng. Điều này khiến các thành viên Đoàn giám sát không khỏi băn khoăn về việc tình hình, việc triển khai các nhiệm vụ và định hướng giải pháp trong thời gian tới.
Chưa làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục
Trước thực trạng trên, tại buổi làm việc các thành viên Đoàn giám sát đã đề nghị các Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo…báo cáo làm rõ trách nhiệm trong thực hiện chức năng nhiệm vụ của Bộ trong lĩnh vực này, trong đó có xây dựng môi trường sống an toàn lành mạnh nhất là tại gia đình và nhà trường; phòng chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; công tác thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, trang bị kỹ năng cho trẻ em; trợ giúp pháp lý cho trẻ em bị xâm hại; phối hợp liên ngành trong phòng, chống xâm hại trẻ em…
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy, Luật Trẻ em quy định có đến 17 cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bảo vệ trẻ em nhưng tại sao khi mà tình hình xâm hại trẻ em báo động như thời gian qua thì không thấy có cơ quan, tổ chức nào nhận trách nhiệm? Đáng lưu ý là công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật là giải pháp phòng ngừa rất quan trọng nhưng thực tế các cơ quan lại chứ chưa làm tốt kể cả về nội dung tuyên truyền, hình thức tuyên truyền và đối tượng thụ hưởng.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đề nghị các Bộ liên quan cần lưu để có giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật. Phó Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, các Bộ cần nhìn nhận, đánh giá công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, cùng với đó là quy tắc ứng xử trong gia đình đã đúng đối tượng chưa nhất là bố mẹ, con em trong gia đình, xác định các gia đình thuộc diện có nguy cơ cao để cùng các hội, đoàn thể tăng cường tuyên truyền.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại buổi làm việc
Làm rõ một số vấn đề Đoàn giám sát quan tâm, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chia sẻ, từ khi Việt Nam tham gia Công ước quốc tế về Quyền trẻ em thì công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em có nhiều tiến bộ, đạt nhiều kết quả trên nhiều lĩnh vực đặc biệt là thực hiện 4 nhóm quyền cơ bản của trẻ em gồm quyền được bảo vệ, quyền được sống, quyền được tham gia và quyền được phát triển được UNICEF đánh giá cao, đồng thời cũng phát huy được truyền thống tốt đẹp của dân tộc là dành mọi điều tốt đẹp nhất cho con trẻ.
Về phòng, chống xâm hại trẻ em, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay, về tổng thể hệ thống chính sách, pháp luật của nước ta, đặc biệt là xây dựng hệ thống văn vản theo Luật Trẻ em cơ bản được triển khai và tương đối hoàn thiện và đầy đủ, tương đối tương thích và tiệm cận với quy định trong Công ước quốc tế về Quyền trẻ em và các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Song bên cạnh đó cũng cần nhận thấy vấn đề bạo lực xâm hại trẻ em còn là mảng tối trong bức tranh chăm sóc và bảo vệ trẻ em, gây ra nhức nhối, tác động đến tâm tư tình cảm. Nhiều vụ việc xử lý chưa nghiêm minh, xử lý còn chậm, sự hỗ trợ đối với người bị xâm hại chưa đúng mức tạo ra bức xúc trong xã hội.
Làm rõ về số liệu các vụ việc xâm hại trẻ em ngày càng gia tăng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng do quy định rõ ràng hơn; nhận thức xã hội tốt hơn nên gia đình, người thân chịu tố giác vụ việc; bản thân các em cũng nhận thức được quyền của mình nên các em phản ánh, các cơ quan truyền thông đưa tin nhanh về các vụ việc. Bên cạnh việc gia tăng về số vụ việc thì qua phân tích cũng cho thấy các vụ việc cũng phức tạp hơn về đối tượng, hành vi…
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung làm rõ một số vấn đề Đoàn giám sát quan tâm
Tiếp thu các ý kiến của Đoàn giám sát, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện báo cáo, phản ánh đúng tình hình, phân tích được nguyên nhân và làm rõ trách nhiệm phối hợp của các cơ quan.
Cần nhận thức đầy đủ về xâm hại trẻ em
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam thì cho rằng hiện nay nhận thức và hiểu biết pháp luật về xâm hại trẻ em ở các cấp, các ngành và trong người dân là còn chưa chuẩn xác. Luật Trẻ em quy định xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác. Thực tế các cơ quan tổng hợp các hành vi xâm hại trẻ em chủ yếu là ở mức xâm hại nghiêm trọng. Trong khi qua khảo sát thực tế, con số trẻ em bị xâm hại lên đến 60-70%. Bên cạnh đó không chỉ nhận thức không đầy đủ về xâm hại mà các cơ quan còn chưa ý thức được về trách nhiệm bảo vệ trẻ em một cách thường trực.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết báo cáo của Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện trong đó có phân tích thêm đặc điểm của Việt Nam liên quan đến thực hiện quyền trẻ em và xâm hại trẻ em như truyền thống với thói quen bao bọc trẻ em nhưng trẻ em lại khó khăn trong việc được bảy tỏ quan điểm, tiếng nói; vẫn còn tư tưởng yêu cho roi, cho vọt,tư tưởng trọng nam khinh nữ; vấn đề tác động của công nghiệp hóa, đô thị hóa tác động đến nhiều gia đình, con cái không được sống cùng với cha mẹ… để từ đó có đánh giá, phân tích một cách khách quan.
Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc
Bày tỏ tin tưởng qua giám sát của Quốc hội, tình hình xâm hại trẻ em sẽ được cải thiện, chuyển biến tích cực, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết Chính phủ sẽ chỉ đạo điều hành, nâng cao nhận thức của các cấp các ngành, siết trách nhiệm, gắn với công tác thanh tra, kiểm tra; thành lập được mạng lưới bảo vệ trẻ em trong cộng đồng gắn với đó là phổ biến kiến thức; quy trình can thiệp các vụ việc cụ thể.
Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em là nhiệm vụ và trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và toàn xã hội. Tuy nhiên, thực tế vẫn có nhiều hành vi xâm hại trẻ em chưa được đánh giá một cách đầy đủ, chính xác. Quan giám sát, nghe báo cáo trên cơ sở tổng hợp thông tin tư liệu của báo cáo Chính phủ, bộ ngành, qua thảo luận phân tích có thể nhìn nhận rằng tình hình xâm hại trẻ em có chiều hướng gia tăng. Báo cáo cũng đã có phân tích về đối tượng trẻ em bị xâm hại, hành vi xâm hại, người gây ra hành vi, hậu quả cũng như chỉ ra nguyên nhân chủ quan và khách quan
Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em thì phòng là chính, là biện pháp cơ bản, lâu dài. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền phải sát đúng theo đối tượng, đặc biệt là khu vực đối tượng nguy cơ cao để có biện pháp can thiệp; phát huy vai trò của các hội, đoàn thể. Cùng với đó là chống, xử lý phải thực hiện kiên quyết, kịp thời, lưu ý để tránh hành chính hóa quan hệ hình sự.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành tiếp tục hoàn chỉnh báo cáo, cấp nhật thống nhất số liệu, đánh giá khoa học hợp lý. Tổ giúp việc của Đoàn giám sát xây dựng dự thảo báo cáo của Đoàn giám sát, lưu ý đến một số vụ án cụ thể để kịp trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 4/2020./.