PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH TRONG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG XÂM HẠI TRẺ EM CÒN HẠN CHẾ

16/01/2020

Trong hai ngày 15-16/01, Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” đã làm việc với Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan hữu quan về nội dung giám sát. Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra tồn tại, hạn chế trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật mà điển hình như sự phối hợp không hiệu quả của các cơ quan có trách nhiệm trong bảo vệ, chăm sóc trẻ em cả ở Trung ương và địa phương.

Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành và cơ quan hữu quan 

Theo quy định của Luật Trẻ em 2016 và Nghị định số 56/2017/NĐ-CP, các cơ quan có nghĩa vụ bảo vệ quyền trẻ em gồm: Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; Chính phủ; Tòa án nhân dân; Viện kiểm sát nhân dân; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Tư pháp; Bộ Y tế; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Công an; Ủy ban nhân dân các cấp; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; các tổ chức xã hội; các tổ chức kinh tế; tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em; Quỹ Bảo trợ trẻ em.

Phát biểu tại buổi làm việc, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy nêu rõ, Luật quy định có đến 17 cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bảo vệ trẻ em nhưng trước tình hình xâm hại trẻ em báo động như thời gian qua thì không thấy có cơ quan, tổ chức nào nhận trách nhiệm.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh đánh giá, qua theo dõi thực tế cũng như xem xét báo cáo của Chính phủ về vấn đề này cho thấy Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương đã làm được rất nhiều việc, nhưng nội dung báo cáo mới chỉ ghép cơ học các kết quả của các bộ, ngành mà chưa thể hiện được các nội dung nhiệm vụ liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh  phát biểu tại buổi làm việc chiều ngày 15/01

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh cho biết, đối tượng trẻ em liên quan đến rất nhiều lĩnh vực và trách nhiệm của rất nhiều Bộ, ngành, do đó cơ chế phối hợp liên ngành trong thực hiện nhiệm vụ là rất quan trọng. Tuy nhiên từ khi chưa có Luật Trẻ em 2016 và đặc biệt là sau khi giải thể Ủy ban Dân số, gia đình và trẻ em, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em từng bị “bỏ bẵng”, mạnh bộ nào, bộ ấy làm, mạnh sở nào, sở ấy tham mưu... nên vai trò đầu mối không rõ. Dẫn đến các nhiệm vụ thực hiện không bám sát và không đạt được mục tiêu đề ra.

Hiện nay, Chính phủ rất quyết liệt trong cơ chế phối hợp, tổ chức liên ngành, thể hiện rõ nhất với vai trò của Ủy ban Quốc gia về trẻ em nhưng ở địa phương cơ chế phối hợp liên ngành hiệu quả chưa cao và vẫn cắt khúc, quy định về trách nhiệm, cơ chế thực hiện trách nhiệm không rõ. Bên cạnh đó, kết nối ở cấp Bộ, cấp tỉnh, huyện, xã rất yếu, đầu mối không rõ ràng.

Qua giám sát cho thấy nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em chưa được coi trọng trong thực hiện nhiệm vụ ở địa phương, các Bộ ngành, đoàn thể. Hạn chế này thể hiện rõ nhất trong công tác tuyên truyền, cơ quan nào cũng tuyên truyền nhưng không hiểu quả. Đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ hơn và có biện pháp để làm rõ đầu mối, nâng cao nhận thức, trách nhiệm nhất là rõ đầu mối chủ trì và đến với cơ sở.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh Nguyễn Mai Bộ cũng đề nghị Chính phủ cần phải làm rõ hơn thực trạng ở cấp tỉnh, cấp huyện công tác phối hợp bảo vệ trẻ em gần như “khoán trắng” cho ngành lao động, thương binh và xã hội để có hướng xử lý.

Làm rõ vấn đề Đoàn giám sát quan tâm, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng thẳng thắn thừa nhận công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan thời gian qua chưa tốt. Có nhiều cơ quan cùng làm công tác trẻ em. Luật quy định rất rõ nhưng từng ngành chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại buổi làm việc ngày 16/01

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng cho biết còn có tình trạng chính quyền các cấp, các cơ quan, cán bộ làm công tác trẻ em không chỉ nhận thức được đúng về xâm hại trẻ mà còn có các cơ quan chưa ý thực được không bảo vệ được quyền của trẻ em là vi phạm pháp luật về trẻ em. Phó Thủ tướng Chính phủ bày tỏ mong muốn thông qua giám sát lần này sẽ làm chuyển biến được nhận thức và làm thay đổi tình hình./.

Bảo Yến