
Toàn cảnh phiên họp Thường trực Ủy ban mở rộng
Đại diện Ban soạn thảo- Đại tá Trần Văn Dự cho biết, để cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013 về tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, dự thảo Luật đã quy định cụ thể quyền của công dân (Điều 5 dự thảo Luật). Trong đó, quy định công dân có 04 quyền mang tính nguyên tắc: quyền được cấp giấy tờ xuất nhập cảnh; quyền được sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh để ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước; quyền lựa chọn đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử và hộ chiếu không gắn chíp điện tử (đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên); quyền khiếu nại, tố cáo, yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật. Đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định các trường hợp, thời hạn, thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh (trên cơ sở kế thừa quy định hiện hành); quy định đối tượng, thời hạn chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh để thể hiện sự minh bạch, phù hợp với thực tế hiện nay. Mặt khác, từng trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh vẫn có thể được xem xét cấp hộ chiếu, đây là điểm mới so với quy định hiện hành là tạm hoãn xuất cảnh không được cấp hộ chiếu.
Đồng thời, Dự luật cũng đã quy định một số điểm mới bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Theo đó, về tạm hoãn xuất cảnh, cơ bản dự thảo Luật đã kế thừa các quy định hiện hành về các trường hợp, thẩm quyền quyết định, thời hạn tạm hoãn xuất cảnh. Tuy nhiên, để đảm bảo tính thống nhất với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và tình hình hiện nay, dự thảo Luật đã quy định chi tiết thời hạn tạm hoãn xuất cảnh đối với các trường hợp, cụ thể: Đối với các trường hợp bị can, bị cáo; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự (Điều 124). Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Đối với trường hợp người đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự, dân sự, kinh tế; quyết định của Chủ tịch Ủy ban cạnh tranh quốc gia; người có nghĩa vụ trong vụ án, vụ việc về dân sự, kinh tế, hôn nhân và gia đình, lao động, hành chính nếu có căn cứ cho rằng việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, vụ việc, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc việc thi hành án; người đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nghĩa vụ nộp thuế và những nghĩa vụ khác về tài chính, trừ trường hợp có đặt tiền, đặt tài sản hoặc có biện pháp bảo đảm khác để thực hiện nghĩa vụ đó theo quy định của pháp luật thì không quá thời hạn người vi phạm, người có nghĩa vụ phải chấp hành bản án hoặc quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền. Đối với trường hợp vì lý do ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm lây lan là không quá 01 năm và có thể gia hạn, thời hạn gia hạn mỗi lần không quá 01 năm. Đối với trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh là không quá 03 năm và có thể gia hạn, mỗi lần không quá 03 năm. Dự luật cũng quy định các trường hợp bị hủy giá trị sử dụng, thu hồi hộ chiếu đối với người được thôi quốc tịch, bị tước quốc tịch, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam; người không thuộc diện còn được sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ.
.jpg)
Đại diện Ban soạn thảo báo cáo một số điểm mới trong quy định của Dự luật
Đại diện Ban soạn thảo cho biết, bên cạnh những điểm mới để cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013, Dự luật còn thiết kế các quy định đảm bảo với yêu cầu thực tiễn hiện nay. Theo đó, để đảm bảo yêu cầu cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân: Hộ chiếu phổ thông được cấp riêng cho từng công dân để tạo điều kiện cho công dân khi làm thủ tục nhập cảnh nước ngoài. Quy định hiện nay, trẻ em có thể cấp chung hộ chiếu cùng cha hoặc mẹ, nên thời hạn không quá 05 năm; Không đặt vấn đề người đề nghị cấp hộ chiếu phải làm và nộp hồ sơ mà chỉ quy định người đề nghị điền vào tờ khai theo mẫu hoặc khai qua mạng internet, xuất trình giấy tờ tùy thân; Đối với người có căn cước công dân, nếu đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông lần đầu ở trong nước thực hiện tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố nơi thuận tiện (quy định hiện hành, phải nộp hồ sơ tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố nơi thường trú hoặc tạm trú dài hạn); Không quy định hộ chiếu còn hạn hay hết hạn, đề nghị cấp hộ chiếu từ lần thứ hai trở đi nếu ở trong nước, có thể lựa chọn nơi thực hiện tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc cơ quan Quản lư xuất nhập cảnh Bộ Công an; nếu ở nước ngoài thì có thể lựa chọn thực hiện tại cơ quan đại diện Việt Nam nơi thuận tiện (quy định hiện hành, hộ chiếu hết hạn kể cả 01 ngày phải làm hồ sơ, thủ tục như đề nghị cấp lần đầu).
Quy định cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn có thời hạn không quá 12 tháng để thay thế việc cấp giấy thông hành như hiện nay cho các trường hợp: ra nước ngoài có thời hạn mà hộ chiếu bị mất, hết giá trị có nguyện vọng về nước ngay; bị phía nước ngoài trục xuất; phải về nước theo thỏa thuận quốc tế; vì lý do quốc phòng, an ninh. Việc cấp hộ chiếu cho các trường hợp này là sự khẳng định việc bảo hộ của Nhà nước ta đối với công dân trong mọi trường hợp.
Bên cạnh đó, để đảm bảo với yêu cầu áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân, Dự luật giao Chính phủ quy định việc xây dựng, quản lý, khai thác, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân và hạ tầng chữ ký số phục vụ việc cấp, quản lý giấy tờ xuất nhập cảnh, kiểm soát xuất cảnh, nhập cảnh; dịch vụ công trực tuyến để khai tờ khai đề nghị cấp giấy tờ xuất nhập cảnh, khôi phục giá trị hộ chiếu, theo dõi kết quả giải quyết, nộp lệ phí. Luật hóa việc kiểm soát xuất nhập cảnh đối với người đi trên phương tiện quốc phòng, an ninh để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; kiểm soát xuất nhập cảnh bằng cổng kiểm soát tự động theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết. Quy định việc thu nhận vân tay, ảnh chân dung của người đề nghị cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử lần đầu để phục vụ việc thu thập thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân trong trường hợp Cơ sở dữ liệu về căn cước công dân chưa đáp ứng và chống làm giả, giả mạo nhân thân để được cấp hộ chiếu.
Đại diện Ban soạn thảo nêu rõ, tất cả các điểm mới của Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam đều được quán triệt xây dựng trên quan điểm đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong công tác quản lý Nhà nước về xuất nhập cảnh; tạo điều kiện thuận lợi cho công dân nhưng vẫn đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong việc cấp, quản lý, kiểm soát giấy tờ xuất nhập cảnh; kế thừa các quy định hiện hành còn phù hợp, bổ sung những quy định mới để phù hợp với sự phát triển của đất nước và thế giới./.