TỌA ĐÀM VỀ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ VÀ BẢO TỒN DI SẢN VĂN HÓA ĐÔ THỊ -TRƯỜNG HỢP QUY HOẠCH XÂY DỰNG GA NGẦM KHU VỰC HỒ HOÀN KIẾM

26/05/2018

Chiều 26/05, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức Tọa đàm về Phát triển đô thị và bảo tồn di sản văn hóa đô thị -Trường hợp quy hoạch xây dựng Ga ngầm (Ga C9) khu vực Hồ Hoàn Kiếm. Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình chủ trì buổi tọa đàm.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Tham gia Tọa đàm có: các thành viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông và Vận tải, đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị TP. Hà Nội, đại diện các Viện, Trung tâm nghiên cứu và các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, kiến trúc, văn hóa.

Hạn chế tối đa ảnh hưởng đối với di sản

Phát biểu tại Tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, khu vực xây dựng Ga ngầm C9 có nhiều công trình văn hóa lịch sử nổi tiếng như Hồ Gươm, Tháp Bút, tượng đài Cảm tử- đây là những di tích quốc gia đặc biệt, là biểu tượng thiêng liêng gắn bó với Thăng Long - Hà Nội, cho nên mọi sự can thiệp về xây dựng ở xung quanh khu vực hồ cần thận trọng và tiếp thu thấu đáo ý kiến đóng góp của người dân, các chuyên gia, các nhà khoa học, nghiên cứu văn hóa, lịch sử, khảo cổ, kiến trúc để đảm bảo hạn chế tối đa nhất ảnh hưởng đối với các di sản văn hóa trong khu vực.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu tại tọa đàm

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, Tọa đàm hôm nay nhằm thu thập ý kiến chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực di sản văn hóa và các cơ quan hữu quan nhằm đánh giá việc phát triển đô thị và bảo tồn di sản văn hóa đô thị - trường hợp quy hoạch xây dựng Ga ngầm (Ga C9) khu vực Hồ Hoàn Kiếm.

Cân nhắc thận trọng các phương án về vị trí Ga

Báo cáo trước Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TP Hà Nội cho biết, khu vực xây dựng ga tàu điện ngầm C9 nằm trong tuyến đường sắt đô thị số 2 có lộ trình từ Nội Bài - Nam Thăng Long - Thượng Đình. Giai đoạn 1 của Tuyến 2 là Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.  

Tại tọa đàm, đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hà Nội đã trình bày các phương án quy hoạch xây dựng ga ngầm (Ga C9) khu vực Hồ Hoàn Kiếm. Theo đó, phương án vị trí ga C9 và hướng tuyến đường sắt đô thị số 2 đi qua khu vực trung tâm có 02 phương án: Phương án 1 là tuyến cắt qua khu vực gần trung tâm Phố Cổ dọc Hàng Giầy, Đồng Xuân, Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Đào, qua các tuyến phố Đinh Tiên Hoàng, Hàng Bài, Phố Huế, Đại Cồ Việt...; Phương án 2 là tuyến dọc theo đường Trần Nhật Duật, Nguyễn Hữu Huân, Lý Thái Tổ, Ngô Quyền và Lê Văn Hưu. Sau đó, tuyến kéo dài về phía nam theo hướng phố Huế đến đường Đại Cồ Việt.

Đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hà Nội cũng cho biết, phương án 2 gặp phải các trở ngại không thể khắc phục như: vi phạm hành lang bảo vệ theo Luật đê điều, tuyến đường hầm phải xuyên qua các khu vực có nhiều nhà cao tầng với móng cọc sâu, vấn đề giải phóng mặt bằng, khai thác vận hành không hiệu quả, kết nối với các tuyến số 1 và số 3 phức tạp hơn, chiều dài đoạn hầm lớn hơn dẫn đến chi phí đầu tư xây dựng, vận hành khai thác tăng cao...

Phương án 1 hướng tuyến đi qua khu vực gần trung tâm Phố Cổ, qua các tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Bài, Phố Huế, Đại Cồ Việt... thì không gặp phải các khó khăn nêu trên và có tính khả thi nên đã được đề xuất và được sự chấp thuận của các Bộ, Ngành liên quan (Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Ban cán sự Đảng UBND Thành phố, Thành ủy Hà Nội...) và phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch giao thông vận tải của Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại các quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 và số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016.

Theo quy hoạch tổng mặt bằng, nhà ga chính C9 được xem xét bố trí ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng và phần dưới vườn hoa Hồ Gươm, dài 150m, rộng 21,4 m, sâu 17,45 m, có 3 tầng (tầng trung chuyển, tầng thiết bị và tầng ke ga). Khoảng cách ngắn nhất từ thân ga C9 tới Hồ Gươm là khoảng 10m, tới tượng đài Cảm tử 81m, đến đền Bà Kiệu 83m, đến Tháp Bút 36m, tới vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ 120m.

Các đại biểu thảo luận tại tọa đàm

Ga có bốn cửa lên xuống. Cửa lên xuống số 1 và cụm công trình phụ trợ (gồm nhà chứa máy phát điện, tháp thông gió 1, tháp làm mát không khí, thang máy cho người khuyết tật...) bố trí trong đất Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội. Cửa lên xuống số 2 và tháp thông gió 2 bố trí trong đất Tổng Công ty Điện lực miền Bắc. Cửa lên xuống số 3 bố trí cạnh thân ga C9, trên khuôn viên vườn hoa bờ hồ Hoàn Kiếm, sẽ thay thế cửa hàng và nhà vệ sinh hiện tại. Cửa lên xuống số 4 bố trí phía sau tượng đài Cảm tử, dưới đường phố Hàng Dầu, ngoài khu vực bảo vệ 1 của đền Bà Kiệu.

Tại tọa đàm, các ý kiến đại biểu đều đồng tình với việc xây dựng Ga ngầm C9 để phục vụ phát triển hệ thống giao thông, giúp người dân tiếp cận khu vực trung tâm thủ đô tốt hơn. Tuy nhiên về vị trí của thân Ga, nhiều đại biểu đề nghị cần phải cân nhắc thật thận trọng, xem xét tất cả các phương án để hạn chế tối đa nhất đến ảnh hưởng đến cảnh quan của khu vực Hồ Hoàn Kiếm.

Có ý kiến đại biểu đề nghị, di dời vị trí thân ga ra khỏi khu vực Hồ Hoàn Kiếm và đề xuất dịch chuyển vị trí ga về khu vực Trụ sở của Tổng Công ty Điện lực Tp.Hà Nội.

Tuy nhiên, trên cơ sở 02 phương án mà Ban Quản lý dự án đô thị Hà Nội đưa ra, các ý kiến đại biểu và chuyên gia cho rằng, so với phương án 02 thì phương án 01 có tính khả thi và giảm thiểu ảnh hưởng nhất đến cảnh quan khu vực Hồ Hoàn Kiếm và các di tích lân cận hơn.

Thu Phương

Các bài viết khác