Đại biểu Quốc hội Trần Hồng Hà - Vĩnh Phúc phát biểu tại Hội trường
Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Trần Hồng Hà cơ bản nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhận thấy dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) đã được cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan tập trung nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung quan trọng theo ý kiến tham gia của các đại biểu Quốc hội. Đến nay dự án luật đã được xây dựng, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện với nhiều nội dung quan trọng đảm bảo cụ thể hóa các quy định mới của Hiến pháp 2013 về quyền con người, quyền cơ bản của công dân, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, đại biểu xin tham gia một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, về hình thức tố cáo tại Điều 22, ngoài 2 hình thức tố cáo theo quy định của Luật Tố cáo hiện hành là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp, Điều 22 của dự thảo luật đã bổ sung các hình thức tố cáo mới gồm tố cáo bằng bản fax, thư điện tử và tố cáo qua điện thoại. Sau khi nghiên cứu, cân nhắc một cách thận trọng, đại biểu đề nghị giữ nguyên 2 hình thức tố cáo của Luật Tố cáo hiện hành là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Mặt dù dự thảo luật đã bổ sung một số quy định chặt chẽ hơn về thủ tục tiếp nhận, xử lý ban đầu thông tin tố cáo nhưng việc mở rộng, bổ sung thêm các hình thức tố cáo như tố cáo qua bản fax, thư điện tử và qua điện thoại cần được nghiên cứu, cân nhắc một cách thận trọng, kỹ lưỡng, phù hợp với tình hình chung, bảo đảm tính khả thi.
Theo đại biểu, quyền tố cáo là quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp quy định, nhưng trong mọi trường hợp người tố cáo đều phải chịu trách nhiệm về nội dung tố cáo của mình. Pháp luật phải tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tố cáo, nhưng cần thiết phải có các biện pháp để hạn chế, ngăn chặn việc lợi dụng quyền tố cáo thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân. Dự thảo luật đã quy định cụ thể về thủ tục tiếp nhận, xử lý ban đầu thông tin tố cáo của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Nếu mở rộng hình thức tố cáo sẽ làm phát sinh nguồn lực, chi phí, thời gian gây khó khăn phức tạp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc xử lý thông tin tố cáo trước khi quyết định thụ lý, giải quyết tố cáo.
Mặc dù Luật Tố cáo hiện hành mới chỉ quy định hai hình thức tố cáo là bằng đơn và tố cáo trực tiếp nhưng qua thực tế triển khai thi hành Luật Tố cáo đã có 60% tố cáo sai, trên 20% tố cáo có đúng có sai và chỉ hơn 10% là tố cáo đúng. Nếu mở rộng thêm hình thức tố cáo, có thể sẽ dẫn đến tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ, các cơ quan chức năng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình giải quyết tố cáo. Thực tế cho thấy rất khó kiểm soát người tố cáo qua máy fax dịch vụ bên ngoài xã hội, hộp thư điện tử tự tạo lập ảo rất dễ dàng. Hình thức tố cáo trực tiếp có thủ tục lập biên bản người tố cáo ký hoặc điểm chỉ xác nhận nhưng tố cáo qua điện thoại thì rất khó xác định tính chính xác, khó kiểm soát đối với những người sử dụng sim rác.
Tuy nhiên, dự thảo luật cần quy định rõ trong khi không xem xét giải quyết với các hình thức tố cáo qua điện thoại, bản fax, hộp thư điện tử nhưng theo quy trình giải quyết tố cáo như những thông tin có nội dung rất rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu bằng chứng cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật, có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan tiếp nhận thông tin phải tiến hành việc thanh tra, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan tổ chức có thẩm quyền xem xét giải quyết, xử lý để không bỏ sót, bỏ lọt các hành vi vi phạm pháp luật.
Các đại biểu làm việc tại Hội trường sáng 24/5
Thứ hai, về thời hiệu tố cáo, đại biểu nhất trí với việc không quy định thời hiệu tố cáo trong dự thảo luật. Tuy nhiên, cần bổ sung quy định căn cứ vào nội dung tố cáo, nếu hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo đã hết thời hiệu xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không thụ lý giải quyết tố cáo.
Thứ ba, về quy định rút tố cáo tại Điều 33, đại biểu đồng tình với việc dự thảo luật bổ sung quy định về rút tố cáo. Theo đó, người tố cáo có quyền rút toàn bộ hoặc một phần nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ban hành kết luận nội dung tố cáo, vì các cá nhân có quyền tố cáo cũng có quyền rút tố cáo theo thủ tục trình tự do pháp luật quy định. Đại biểu cũng nhất trí với quy định tại khoản 23 Điều 33 của dự thảo luật về việc nếu người tố cáo rút tố cáo mà hành vi bị tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc việc rút tố cáo là do bị ép buộc, de dọa, mua chuộc, người tố cáo lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì vụ việc tố cáo vẫn phải được xem xét giải quyết. Người tố cáo vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định.
Thứ tư, về bảo vệ người tố cáo, đại biểu nhất trí với việc mở rộng hơn nữa về đối tượng bảo vệ và phạm vi bảo vệ của dự thảo luật lần này so với dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4. Tại kỳ họp thứ 4 chỉ quy định đối tượng được bảo vệ là người tố cáo. Dự án luật sửa đổi lần này đã quy định người được bảo vệ, bao gồm người tố cáo vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo. Quy định này phù hợp với quy định về những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của Bộ luật Dân sự.
Về phạm vi bảo vệ, đại biểu đồng tình với các nội dung được quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 48 của dự thảo luật nhằm đảm bảo tính khả thi, đồng thời khắc phục những hạn chế trong việc bảo vệ người tố cáo trong thời gian vừa qua, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật triển khai thực hiện trong thực tế.