Đại biểu Quốc hội Dương Xuân Hòa phát biểu tại phiên thảo luận
Đời sống của đồng bào miền núi, dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn
Trong Phiên thảo luận về kinh tế -xã hội sáng 26/5, đại biểu Quốc hội Dương Xuân Hòa- Lạng Sơn chỉ rõ Báo cáo số 206 ngày 20 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ có nêu: Đời sống của một bộ phận người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn. Việc cân đối, bố trí nguồn lực cho vùng dân tộc miền núi chưa đáp ứng yêu cầu. Đây là những khó khăn, thách thức đã được nêu trong báo cáo nhiều năm qua. Mặc dù trong thực tế Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều quyết sách nhằm từng bước kiên trì và khắc phục những khó khăn, thách thức này.
Đại biểu cho rằng, trong các nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm thời gian tới mà Chính phủ trình tại kỳ họp Quốc hội lần này, trong đó có nhóm nhiệm vụ giải pháp về tiếp tục thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, các chính sách an sinh xã hội, các giải pháp giảm nghèo bền vững, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai, đồng bào dân tộc thiểu số với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau". Thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền. Quan tâm bố trí nguồn lực, thực hiện các chính sách dân tộc. Từ sự phân tích trên, đại biểu đề nghị Chính phủ, các cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát, cân đối, bảo đảm bố trí nguồn lực nhằm thực hiện có hiệu quả thực chất các chính sách phát triển vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bị thiên tai để các chính sách tốt đẹp của Đảng, Nhà nước ta thực sự đi vào cuộc sống, có sức lan tỏa, tạo động lực cho sự phát triển.
Cũng quan tâm về chính sách đối với vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Quốc hội A Pớt tỉnh Kon Tum chỉ rõ khu vực miền núi và Tây Nguyên là nơi công nghiệp chưa phát triển, các doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư vào đây không nhiều nên áp lực việc làm, lao động cho nông thôn càng là vấn đề bức bách. Do đó đề nghị Chính phủ cho tổng rà soát công tác dạy nghề đối với miền núi và Tây Nguyên, đánh giá tổng kết để bổ sung, sửa đổi, xây dựng hoặc ban hành đề án mới, chính sách mới để đào tạo nghề cho sát thực và hiệu quả hơn cho vùng miền núi và Tây Nguyên. Đồng thời có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư vào vùng này dưới góc độ là yếu tố tác động của quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng miền núi Tây Nguyên. Không thể phủ nhận kết quả tích cực của các dự án kinh tế - xã hội đối với vùng miền núi và Tây Nguyên, nhưng còn có những hạn chế, những tác động không mong muốn như việc đền bù, tái định canh, định cư cho người dân ở các dự án phát triển kinh tế. Vẫn còn một số nơi, một số việc còn nhiều bức xúc, bất cập và nơi ở mới chưa được tốt hơn ở nơi cũ. Điều đáng quan tâm là việc khắc phục và giải quyết những bất cập đó của cơ quan, tổ chức hữu quan chưa kịp thời, có nơi còn kéo dài làm cho người dân bức xúc và ảnh hưởng đến sinh nhai của người dân.
Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo các bộ, ngành, các cơ quan hữu quan trong việc tổ chức thực hiện các giải pháp đồng bộ, kịp thời để sớm khắc phục những bất cập tồn tại trong công tác đền bù, tái định canh, định cư ở các công trình, dự án kinh tế - xã hội ở vùng núi, vùng Tây Nguyên nói chung và cả nước nói riêng.
Đại biểu Quốc hội Dương Minh Tuấn đưa ra quan điểm tại phiên thảo luận
Vấn nạn bạo hành trẻ em vẫn còn nhức nhối
Quan tâm đến nội dung này, đại biểu Quốc hội Dương Minh Tuấn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phân tích, chúng ta đang phấn đấu cho sự công bằng và văn minh, dân chủ, giầu mạnh. Vậy mà trong xã hội thời gian qua vẫn còn tồn tại một hiện tượng làm nhức nhối trái tim và lương tri của nhiều người, đó là vấn nạn bạo hành trẻ em trong các cơ sở nuôi dạy trẻ mầm non. Dư luận sót xa khi xem các video clip, các giáo viên, bảo mẫu hành hạ nhóm trẻ hay đầu năm 2017 xã hội phẫn nộ khi bảo mẫu bạo hành, đầy đọa các em bé trong giờ ăn, tìm mọi cách để tống thức ăn vào miệng các trẻ em. Tiếp đó đầu năm 2017, dư luận xã hội cũng phẫn nộ với hành động đánh trẻ ở trường mầm non Sen Vàng, trong clip đăng trên mạng xã hội ghi nhận cảnh cô giáo dùng dép đánh vào đầu học sinh khiến bé bật khóc. Vụ bạo hành trẻ em dã man ở cơ sở mầm xanh và gần đây nhất trên mạng xã hội xuất hiện clip và hình ảnh ghi lại cảnh hành hạ trẻ em trong bữa ăn tại nhóm trẻ độc lập mẹ Mười làm nhiều người phẫn nộ. Đó chỉ là một số vụ việc điển hình, chắc hẳn một điều không riêng tôi mà tất cả chúng ta đều giận dữ, đau xé đến lòng khi nhìn cảnh các cháu bị bảo mẫu hành hạ một cách tàn nhẫn. Đại biểu chỉ ra rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, phía gia đình và nhà trường có sự buông lỏng hoặc có phương pháp sai lầm trong việc quan tâm, chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc ban hành chính sách văn bản nhiều nhưng làm và phát hiện và giải quyết vi phạm chưa tương xứng. Việc tuyên truyền pháp luật chưa sâu rộng, thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm chưa kịp thời, quyết liệt. Các vụ bạo hành trẻ em ở mức độ nghiêm trọng liên tục xảy ra trong thời gian gần đây đã và đang khiến dư luận lo ngại. Trước thực trạng như đã nêu trên, đại biểu Dương Minh Tuấn cho rằng đã đến lúc phải xem việc chung tay triệt nạn bạo hành trẻ em là chuyện khẩn cấp.
Đồng tình quan điểm trên, đại biểu Quốc hội Bố Thị Xuân Linh tỉnh Bình Thuận cho rằng một số vấn đề xã hội hiện nay khiến cử tri và nhân dân rất lo lắng, bất an như bạo hành trẻ em, bạo lực đối với bác sĩ, nhân viên y tế, an toàn phòng, chống cháy nổ và các sự cố về môi trường. Đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, đề ra các giải pháp tích cực, cụ thể để giải quyết có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, mong muốn của cử tri.