ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé tại phiên thảo luận
Cơ bản thống nhất với nội dung đánh giá bổ sung về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé nhận định báo cáo đã làm rõ thêm bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước ta trong năm vừa qua với nhiều mảng sáng, tiêu biểu như tăng trưởng mức độ cao nhất so với từ năm 2011 đến nay. Cả ba khu vực công nghiệp xây dựng, nông nghiệp và dịch vụ đều có tăng trưởng, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, quốc phòng, an ninh được giữ vững, các lĩnh vực xã hội có chuyển biến tích cực, nhất là những tháng đầu năm 2018 tăng trưởng đạt mức cao nhất so với 10 năm trở lại đây. Kết quả trên đã cho thấy sự nỗ lực rất lớn trong lãnh đạo điều hành của Chính phủ, các bộ ngành các địa phương, bên cạnh sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và sự nỗ lực của nhân dân cả nước chung tay xây dựng đất nước, cử tri đánh giá cao sự cố gắng đổi mới của Chính phủ kiến tạo, Chính phủ hành động đã điều hành đất nước đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi như trên. Tuy nhiên, trước ảnh hưởng của thiên tai, hạn hán, biến đổi khí hậu, cạnh tranh mạnh mẽ của thị trường trong khi năng lực hàng hóa nội địa của ta chưa đủ sức đã tạo ra một thách thức không nhỏ cho sự phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, sự cồng kềnh và yếu kém của bộ máy công quyền đang là sức ì với sự phát triển chung này. Trước tình hình trên, qua tiếp xúc cử tri đại biểu chúng tôi đã ghi nhận nhiều ý kiến kiến nghị tâm huyết của bà con. Đoàn đại biểu Quốc hội tổng hợp và gửi về Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Tại phiên thảo luận, ĐBQH phát biểu vào 2 nội dung cụ thể: Thứ nhất, về đầu tư hạ tầng cho đồng bằng sông Cửu Long. Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu được xác định là trọng điểm kinh tế của cả nước. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi nhiều nguồn lợi về tài nguyên và điều kiện tự nhiên khác. Nhưng trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang diễn ra gay gắt báo hiệu vùng đồng bằng phì nhiêu sắp trở thành vùng cằn cỗi nếu như ta không kịp có hành động bảo vệ. Với tác động tiêu cực này hậu quả mà đồng bằng sông Cửu Long đang gánh chịu nặng nề như nước mặn xâm nhập vào vào đồng ruộng sông ngòi, cánh đồng phì nhiêu tràn ngập phèn mặn, kênh rạch bờ sông đang sạt lở tứ bề. bệnh dịch xuất hiện nhiều như sâu bệnh, muỗi hành đang làm nhà nông vùng này phải lao đao trước cánh đồng từng là "bờ xôi ruộng mật" của mình. Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan chức năng đã bàn nhiều giải pháp để giải cứu đồng bằng sông Cửu Long.
Nhiều dự án ngăn mặn trữ ngọt được các ngành nghiên cứu, Chính phủ đã trình và được Quốc hội phê duyệt đầu tư. Song một số dự án trọng điểm đầu tư hạ tầng nơi đây tiến độ triển khai chậm làm hiệu quả đầu tư cho đồng bằng sông Cửu Long bị hạn chế. Hệ thống giao thông với nhiều lợi thế như thủy, bộ, hàng không nhưng chưa có lợi thế nào đáp ứng đủ yêu cầu phát triển. Nhất là đường bộ với sự đầu tư đứt đoạn của nhiều dự án chưa đem lại hiệu quả và đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn với một con đường độc đạo xuyên vùng để vượt ra bên ngoài thì không thể nào đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế vùng. Báo cáo Chính phủ đã chỉ ra sự hạn chế của các dự án đầu tư trọng điểm nơi đây nhưng chưa có giải pháp xử lý kịp thời. Từ đó làm lãng phí nguồn lực và hiệu quả đầu tư bị ảnh hưởng như nhiều dự án nêu trong báo cáo, cử tri bức xúc và kiến nghị Chính phủ, các ngành quan tâm tháo gỡ những khó khăn cho vùng nhất là đầu tư về giao thông, đầu tư các công trình ngăn mặn, trữ ngọt để đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục phát huy thế mạnh đóng góp xây dựng chung của đất nước.
Toàn cảnh Phiên thảo luận
Thứ hai, về vấn đề đời sống xã hội, cử tri luôn bất an trước vấn đề thực phẩm không an toàn, không an toàn trong sử dụng thuốc điều trị bệnh, không an toàn trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và nhiều vấn đề không an toàn khác trong đời sống. Tác hại của những vấn đề không an toàn này đã được các đại biểu trước phân tích sâu sắc, toàn diện. Pháp luật của ta đã khá đầy đủ để làm cơ sở pháp lý ngăn chặn những tội phạm giết người âm thầm này nhưng từ trước đến nay chưa thấy cơ quan chức năng xử phạt tội danh này một cách mạnh mẽ để răn đe. Vấn đề này nguyên nhân ở đâu, trách nhiệm của các cơ quan chức năng hay là từ pháp luật? Hiện nay chúng ta đã có hệ thống pháp luật khá đầy đủ để quản lý và xử lý hành vi trong các lĩnh vực, như Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật An toàn thực phẩm, Luật Xử phạt vi phạm hành chính. Ngay cả Bộ luật Hình sự cũng có quy định về xử phạt tội danh này nhưng một số vụ việc xử lý vừa qua vẫn chưa đủ sức răn đe. Bà con cử tri rất bức xúc trước vấn đề này, nhiều suy nghĩ của bà con đặt ra sự nghi vấn liệu các ngành chức năng đã làm hết trách nhiệm chưa, có làm ngơ trước tội phạm này không, sao không xử lý mạnh mẽ như xử lý tội phạm tham nhũng như vừa qua chúng ta đã xử lý. Nếu như thiếu cơ sở pháp luật thì tại sao không sửa, không bổ sung để có đủ cơ sở để xử lý, trong khi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội hàng năm đều bổ sung những nội dung cấp thiết.