|
TPHCM nhìn từ Thủ Thiêm |
(VOV)_ “Ngôi sao đang lên của châu Á" - một cụm từ dành cho Việt Nam đã khá quen thuộc nay trở thành chủ đề của Hội nghị quốc tế về Kinh tế đối ngoại 2008 do Tạp chí kinh tế Economist Conferences phối hợp với Báo Thế giới và Việt Nam tổ chức tại Hà Nội hồi đầu tháng 1. Tham dự Hội nghị có gần 130 CEO và hơn 600 đại diện doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đích thân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tới phát biểu khai mạc và đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư đến từ nhiều nước và vùng lãnh thổ.
“Việt Nam đang có những lợi thế to lớn”
Đó là khẳng định của tất cả các nhà đầu tư và doanh nghiệp tham gia Hội nghị Kinh tế đối ngoại 2008. Ông Charles Goddard – Trưởng Ban biên tập khu vực châu Á- Thái Bình Dương của Economist Intelligence Unit khẳng định “Việt Nam đang nổi lên như một ngôi sao”. Theo ông Charles Goddard, những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng liên tục và trở thành một câu chuyện thành đạt mới trong lĩnh vực kinh tế ở khu vực. Đất nước Việt Nam đang đổi mới từng ngày và chuyển mình từ một xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp hoá. Trong quá trình chuyển mình đó, có biết bao cơ hội ló rạng. Bao ngành nghề mới nảy sinh, bao dự án mời gọi đầu tư, thương vụ xuất hiện cũng như lợi nhuận chờ đón….
Ông Justin Wood, Giám đốc Corporate Network và là chuyên gia về Đông Nam Á của Economist Intelligence Unit cũng bình luận: “Triển vọng nền kinh tế Việt Nam rất khả quan với tỷ lệ tăng trưởng năm 2007 khoảng 8% và dự đoán tốc độ này sẽ được duy trì trong những năm tới”. Ông Wood, cũng là đồng chủ toạ của Hội nghị quốc tế về Kinh tế đối ngoại 2008 ghi nhận, “Về dài hạn, Việt Nam có rất nhiều nhân tố tích cực để có thể duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, đó là một lực lượng lao động trẻ và đang phát triển, chi phí nhân công thấp hơn các nước láng giềng và trình độ công nghệ của họ ngày càng cao. Cam kết của Chính phủ về việc tự do hoá nền kinh tế và việc đưa ra các cải cách trên nền tảng thị trường, nhất định sẽ đem lại những tác dụng tích cực”.
Ông Thomas Tobin, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Ngân hàng Hồng Kông- Thượng Hải (HSBC) Việt Nam cũng tỏ ra rất lạc quan về tương lai của Việt Nam và hy vọng Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 8,5% trong năm 2008, nhờ mức chi tiêu dùng lớn và đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng. “Chúng tôi tin tưởng rằng sẽ được chứng kiến những đổi thay to lớn và tích cực dẫn đến sự phát triển nhanh chóng của ngành ngân hàng Việt Nam trong năm 2008 và những năm tiếp theo vì Việt Nam sẽ tiếp tục cải cách tài chính để thực hiện những cam kết khi gia nhập WTO”, ông Tom Tobin nói.
Stuart Dean, Chủ tịch General Electric (GE) khu vực Đông Nam Á- một tập đoàn có mặt ở Việt Nam từ năm 1993 đưa ra lý do đẩy mạnh đầu tư tại nước ta là đã nhìn thấy Việt Nam có thể trở thành một con hổ mới, hấp dẫn các nhà đầu tư với lực lượng lao động dồi dào, cách làm ăn hiệu quả. Ông này cho biết, sắp tới GE sẽ xây dựng một nhà máy ở Hải Phòng và nâng số nhân viên hiện có từ 500 người lên 1000 người. Cùng với việc làm ăn phát đạt tại Việt Nam GE muốn lôi cuốn thêm các nhà đầu tư không chỉ ở lĩnh vực năng lượng điện mà còn ở lĩnh vực hàng không, dầu khí…
Nhưng còn nhiều thách thức phải vượt qua
Những nhận xét, đánh giá đầy lạc quan của những người đứng đầu các tập đoàn lớn trên thế giới cùng thực tế phát triển ở Việt Nam đã chứng tỏ nước ta đang có nhiều lợi thế để tăng trưởng nhanh và bền vững trong những năm sắp tới. Tuy nhiên, con đường để Việt Nam trở thành một “ngôi sao” hay “con hổ” mới của khu vực châu Á thì thực sự không đơn giản bởi thách thức vẫn còn rất nhiều. Ông Charles Goddard nhận định, tỷ lệ lạm phát cao là một điều đáng lo ngại đối với Việt Nam. Môi trường pháp lý chưa hoàn thiện vẫn là một mối quan ngại lớn. Một vấn đề nữa là sự thiếu hụt đội ngũ nhân lực chuyên môn và quản lý; Bên cạnh đó, tham nhũng, dù Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực hạn chế sự lan tràn của vấn nạn này và những bất ổn xã hội do tham nhũng gây ra nhưng đây vẫn là mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam.
Phân tích sâu hơn, ông Justin Wood cho rằng, hệ thống pháp lý của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Khi các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam, họ phải mất nhiều thời gian để tìm hiểu và thích ứng với hệ thống pháp lý mới và non trẻ của Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực thuế. Các thủ tục hành chính của Việt Nam cũng rất rườm rà so với các nước láng giềng.
Về nguồn nhân lực, dù có nguồn lao động trẻ, dồi dào và chất lượng ngày càng được nâng cao nhưng lại không có những kỹ năng cần thiết. Với nguồn cung hạn chế, những người lao động có kỹ năng của Việt Nam thường đòi hỏi mức lương cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Chia sẻ với nhận định này, ông Thomas Tobin, cho biết, ngành ngân hàng đang khan hiếm trầm trọng lao động có trình độ cao. Để đào tạo và phát triển đội ngũ chuyên viên ngân hàng thực thụ và chuyên nghiệp sẽ phải mất nhiều thời gian và công sức. Do đó, trong vài năm tới, Việt Nam vẫn phải chứng kiến sự thiếu hụt này.
Nhiều nhà đầu tư tham gia Hội nghị quốc tế về kinh tế đối ngoại cũng rất quan tâm đến vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng, cho rằng đây là một trở ngại cho sự tăng trưởng của Việt Nam. Để đón đầu sự phát triển, Việt Nam buộc phải quan tâm đến việc cải thiện cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ đặc biệt là hạ tầng giao thông và điện lực.
“Không có điều gì Việt Nam quyết tâm mà không làm được”
Đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thẳng thắn thừa nhận, tuy đạt được thành tựu rất đáng kể trong những năm qua, nhưng do điểm xuất phát kém, nên Việt Nam đến nay vẫn còn là nước đang phát triển có thu nhập thấp và phải đối diện với những khó khăn thách thức rất lớn. Để vượt qua những trở ngại này, tiếp tục đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, Chính phủ Việt Nam đã xác định 5 trọng tâm công tác, phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt mức cao 9% cùng với thực hiện tốt các mục tiêu tiến bộ, công bằng xã hội, xoá đói giảm nghèo và bảo vệ, cải thiện môi trường; đặc biệt là kiểm soát tốt giá cả và ổn định kinh tế vĩ mô; Cải thiện đời sống nhân dân, nhất là vùng xa vùng sâu, đồng bào dân tộc và những nơi thường xuyên bị thiên tai; phấn đấu giảm hộ nghèo xuống còn khoảng 11 - 12%; Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là xây dựng hạ tầng và đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu của sự phát triển; Đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế và cải cách thủ tục hành chính là nội dung trọng tâm đồng thời đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm.
Đề cập tới những vấn đề cụ thể được nhiều nhà đầu tư quan tâm như lộ trình cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước, công tác chống tham nhũng, cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đưa ra những cam kết rất mạnh mẽ và khẳng định nạn tham nhũng sẽ từng bước bị loại trừ bởi đối với Việt Nam “không có điều gì quyết tâm mà không làm được”./.