(VOV)_ Đây là tín hiệu vui cho “làng” gạo Việt Nam. Tuy nhiên, đằng sau những con số đáng mừng trên vẫn còn nhiều nỗi lo!
Việt Nam vẫn giữ ngôi “Á quân” trong làng gạo xuất khẩu thế giới
Năm 2007, sản lượng lúa cả nước đạt khoảng 36 triệu tấn. Riêng vụ hè thu vừa qua, các địa phương đã thu hoạch xong với năng suất ước đạt gần 5 tấn/ha, sản lượng ước đạt hơn 10 triệu tấn, tăng 430.000 tấn so với vụ hè thu năm 2006.
Theo Bộ Công thương, năm 2007, cả nước đã xuất khẩu được 4,3 triệu tấn gạo, đạt tổng giá trị hơn 1,4 tỷ USD. Với mức xuất khẩu này, cả nước đã hoàn thành mục tiêu xuất khẩu năm 2007. Không những thế, giá gạo của nước ta cũng đã tăng lên một bậc, với mức giá bình quân đạt 293 USD/tấn, tăng 42 USD/tấn so với năm 2006. Hiện nay, gạo nước ta đã xuất khẩu sang hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó nhiều thị trường “khó tính” như: EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ… gạo Việt Nam cũng đã “chinh phục” được.
Đầu năm 2007 này, với việc ký kết các hợp đồng xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn gạo, vị thế cường quốc thứ hai về xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn được khẳng định ở ngôi “á quân”, chỉ đứng sau người Thái.
Riêng tại ĐBSCL, theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2007, người dân trồng lúa ở các tỉnh ĐBSCL đều được mùa. Và với giá bình quân 3.000 đồng/kg lúa, năm 2007, nông dân các tỉnh phía Nam đã tăng thu thêm 2.100 tỷ đồng.
Phát triển nhanh nhưng thiếu tính bền vững
Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà khoa học, những năm gần đây sản lượng lúa, gạo liên tục tăng nhưng khi phân tích từng lĩnh vực và tính bền vững, an toàn của sản phẩm lúa, gạo thì vẫn còn nhiều bất cập. Trong đó, đặc biệt là tình trạng thất thoát và giảm chất lượng lúa gạo trong khâu thu hoạch, tồn trữ, bảo quản.... Hiện nay, theo nghiên cứu của Viện Lúa ĐBSCL, lượng lúa bị thất thoát sau thu hoạch của nông dân trong vùng vẫn còn cao, khoảng 10%.
Một điều bất cập nữa, theo các nhà nghiên cứu thị trường, gạo thành phẩm muốn đạt chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường thì phải bảo quản ở ẩm độ không quá 14%. Chính vì vậy, khâu sấy lúa phải giữ ở 14,5% ẩm độ thì xay xát thành gạo thương phẩm có ẩm độ từ 13,5-14%. Đây là qui trình được áp dụng phổ biến với lúa hạt dài ở Mỹ, Úc và Thái Lan. Tuy nhiên ở nước ta, gạo sau khi xay xát, ẩm độ lên đến 16 - 17% và nếu cần xuất khẩu thì đem chế biến lại cho ẩm độ xuống còn 14%. Quy trình chế biến này đã khiến chất lượng gạo bị giảm, gãy hạt, giá bán thấp.
Theo GS-TS. Võ Tòng Xuân, người đã có nhiều năm gắn bó với cây lúa vùng ĐBSCL, nước ta khi gia nhập WTO sẽ đem về nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo lớn. Tuy nhiên chất lượng gạo đòi hỏi cao và giá phải cạnh tranh. Để có thể thắng được các đối thủ lớn như Thái Lan, người nông dân phải liên kết chặt chẽ với nhau và liên kết với các doanh nghiệp. Người nông dân trồng lúa muốn làm giàu, không thể sử dụng kỹ thuật cũ như trước. Trước đây, nông dân thường lấy giống mới trồng theo kỹ thuật cũ. Còn ngày nay, nông dân phải lấy giống mới trồng theo kỹ thuật mới. Có như vậy thì doanh nghiệp và nông dân mới giàu được.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, tuy mới chuẩn bị bước qua năm 2008 nhưng các doanh nghiệp Việt Nam đã nắm chắc trong tay hợp đồng xuất khẩu 4 triệu tấn gạo. Do vậy, có thể nói thị trường xuất khẩu sẽ không thiếu. Điều quan trọng là làm sao để chất lượng hạt gạo Việt Nam ngày càng được nâng cao, đáp ứng đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường. Không ai khác hơn, chính sự hợp tác giữa người nông dân, lãnh đạo ngành nông nghịêp và doanh nghiệp là đòn bẩy để tiếp tục đưa hạt gạo Việt Nam bay xa./.