Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam - mạnh và chưa mạnh

31/01/2008

Sau 20 năm, đầu tư nước ngoài đã có tác động trên nhiều phương diện đối với phát triển kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn hàng loạt vấn đề phải giải quyết để phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn FDI.

(VOV)_ Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch-Đầu tư), đến nay đã có 82 nước và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, trong tổng vốn đăng ký trên 80 tỷ USD.

 

Trong số khoảng 8.590 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký trên 83 tỷ USD, đã có khoảng 50% dự án triển khai góp vốn thực hiện đạt hơn 43 tỷ USD, chiếm 52,2% tổng vốn đăng ký.

 

Những đóng góp tích cực

 

Ông Phan Hữu Thắng - Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài - nhận xét: Trong 20 năm qua, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đã góp phần đáng kể trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội đất nước bằng việc tạo ra tổng giá trị doanh thu, trong đó có giá trị xuất khẩu, cũng như đóng góp tích cực vào ngân sách và tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động. Vốn thực hiện của các dự án ĐTNN có xu hướng tăng qua các năm với tốc độ chậm. Nếu như cả giai đoạn 1991-1995 vốn thực hiện mới chỉ đạt 7,1 tỷ USD thì trong thời kỳ 1996-2000 vốn thực hiện đã đạt 13,5 tỷ USD, tăng 89% so với 5 năm trước. Trong giai đoạn 2001-2005, vốn thực hiện đã đạt 14,3 tỷ USD, tăng 6% so với 5 năm 1996-2000. Riêng hai năm 2006 và 2007 tổng vốn thực hiện đạt 8,7 tỷ USD.

 

Theo nhận định chung, khu vực kinh tế có vốn ĐTNN ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Đó là nguồn vốn bổ sung quan trọng vào tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội và góp phần cải thiện cán cân thanh toán trong thời gian qua, góp phần tăng cường năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ của nhiều ngành kinh tế, khai thông thị trường sản phẩm; gia tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá, đóng góp cho ngân sách Nhà nước và tạo việc làm cho một bộ phận lao động.

 

Chia sẻ với những đánh giá về đóng góp của FDI đối với kinh tế Việt Nam, ông Ayumi Konishi – Giám đốc quốc gia Cơ quan đại diện thường trú của Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam, cho rằng: “ĐTNN đã có tác động trên nhiều phương diện đối với phát triển kinh tế của Việt Nam, bao gồm sự gia tăng năng lực sản xuất, chuyển giao công nghệ và kỹ năng quản lý, cũng như mở rộng thị trường. Các doanh nghiệp tư nhân trong nước và các ngành kinh tế hấp thụ nguồn vốn ĐTNN đã trở thành đầu tàu trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam. Khu vực có vốn ĐTNN đạt mức tăng trưởng trung bình 11%/năm trong suốt 15 năm qua và cao hơn mức tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam là 7,6%/năm trong cùng giai đoạn. Đồng thời, tỷ lệ đóng góp của khu vực có vốn ĐTNN đã tăng từ 2% giai đoạn đầu những năm 90 lên 13% trong năm 2006. Khu vực có vốn ĐTNN giúp tạo ra những ngành công nghiệp mới và nhiều loại sản phẩm mới”.

 

Ông Ayumi Konishi cũng đưa ra dẫn chứng: “Sự gia tăng đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, ví dụ như dự án của Tập đoàn Intel, của Nidec hay Foxconn là dấu hiệu tích cực cho thấy Việt Nam đang từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất giá trị gia tăng và nhờ đó nâng cao hiệu suất của nền kinh tế”.

 

Vẫn còn nhiều việc phải làm

 

Mặc dù, khu vực có vốn ĐTNN đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam, nhưng còn rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết để khơi thông nguồn vốn này.

 

Một trong những việc quan trọng hàng đầu được ông Ayumi Konishi đề cập đến là: “Vẫn còn thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa khu vực có vốn ĐTNN với các thành phần kinh tế khác của Việt Nam. Đây là vấn đề nổi cộm nhất”. Ông Ayumi Konishi đưa ra dẫn chứng: “Theo một điều tra mới đây của Diễn đàn phát triển Việt Nam về ngành công nghiệp phụ trợ, tỷ lệ các linh phụ kiện mà các doanh nghiệp sản xuất Nhật Bản có thể mua được tại Việt Nam chỉ chiếm 26% (năm 2003), tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với 47,9% tại Thái Lan và 45% tại Malaysia. Khoảng 68,6% doanh nghiệp Nhật Bản tham gia điều tra đã trả lời vấn đề lớn nhất trong hoạt động sản xuất của họ tại Việt Nam là khó khăn trong việc mua các nguyên phụ liệu và linh phụ kiện trong nước, mặc dù tỷ lệ này ở Thái Lan là 40,1% và ở Malaysia là 31,6%. Thông thường, các linh phụ kiện chiếm một tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá thành sản phẩm (70-90% trong ngành lắp ráp điện tử), so với chi phí lao động của Việt Nam chỉ rẻ hơn 10% (theo điều tra của Diễn đàn phát triển Việt Nam), như vậy tỷ lệ giá trị gia tăng được tạo ra tại Việt Nam còn quá khiêm tốn. Việt Nam cần chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất tạo ra giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu. Một yếu tố vô cùng quan trọng là các doanh nghiệp có vốn ĐTNN luôn sẵn sang mua các linh phụ kiện sản xuất trong nước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước lại chưa có khả năng đáp ứng đầy đủ nhu cầu đó”.

 

Một điểm yếu nữa mà quá trình ĐTNN tại Việt Nam cần khắc phục được ông Đậu Anh Tuấn (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) đưa ra là: “ĐTNN những năm qua ở Việt Nam có xu hướng chỉ tập trung vào một số tỉnh, thành có điều kiện thuận lợi. Cho dù Việt Nam đã có gần 20 thu hút ĐTNN nhưng vẫn còn những tỉnh thành hầu như không có ĐTNN. Trong cuộc đua này, dường như các tỉnh nhóm cuối trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh có xu hướng tụt xa hơn. Nguy cơ nhóm các tỉnh FDI thấp rơi vào vòng “luẩn quẩn”. Đầu tư kém phát triển, nguồn lực của địa phương còn hạn chế do vậy không phát triển được hạ tầng và nhiều điều kiện khác nhằm thu hút đầu tư”.

 

Khả năng hấp thụ nguồn vốn ĐTNN của Việt Nam cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Trong những năm gần đây, mặc dù số lượng dự án có vốn ĐTNN mới cấp phép gia tăng nhanh chóng, nhưng trên thực tế, tỷ lệ giải ngân vốn ĐTNN chưa tương xứng với tốc độ gia tăng của nguồn vốn cam kết. Xét ở tầm vĩ mô, tỷ lệ giải ngân thấp của nguồn vốn ĐTNN thể hiện những yếu kém mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt. Đó là sự yếu kém của ngành công nghiệp phụ trợ, thiếu hụt lao động kỹ thuật; cơ sở hạ tầng (đường xá, điện nước, cầu cảng phát triển không đồng bộ), thủ tục hành chính phiền hà và vấn đề tham nhũng.

 

Từ kinh nghiệm của thành phố Hồ Chí Minh, Phó Viện trưởng Viện kinh tế thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Quang cho rằng, chính sách ưu tiên, ưu đãi đầu tư đối với các nhà đầu tư chiến lược, các ngành kinh tế trọng điểm chưa được vạch ra rõ ràng để thu hút các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư từ các nước Đông Á, Đông Nam Á chiếm phần lớn nguồn vốn FDI vào thành phố. Các nhà đầu tư từ châu Âu, châu Mỹ chưa nhiều. Điều này gắn liền với chất lượng nguồn vốn đầu tư và trình độ công nghệ chưa tạo sự đột phá và đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố.

 

Cần tập trung từ đâu?

 

Ông Ayumi Konishi cho rằng, Việt Nam sẽ sớm trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Vì vậy chính sách phát triển các ngành sản xuất cần nhiều lao động phổ thông cần được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu phát triển của các ngành sản xuất có hàm lượng chất xám và công nghệ cao, cũng như sự phát triển của các ngành dịch vụ. Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư; thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp; tăng cường cải cách cơ cấu để nâng cao hiệu quả và tính cạnh tranh của nền kinh tế; đầu tư mạnh mẽ cho nghiên cứu và phát triển; nâng cao trình độ và kỹ năng của nguồn nhân lực; đồng thời tăng cường hệ thống an sinh xã hội.

 

Ông Đậu Anh Tuấn đưa ra nhận định, không có nghĩa rằng các tỉnh nhóm FDI thấp không có cơ hội đầu tư. Đây là những tỉnh có thể có thế mạnh từ vùng nguyên liệu rộng lớn, nguồn nhân lực cho công nghiệp đơn giản nhiều và chi phí thấp, đất đai còn nhiều… Vấn đề là tỉnh (cả chính quyền Trung ương) có động lực, có cách để nhanh chóng thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn kém phát triển – kém thu hút đầu tư – kém phát triển.

 

Nhiệm vụ đặt ra hiện nay nhằm thu hút đầu tư nước ngoài là đẩy mạnh tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực cảng biển, năng lượng; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; đẩy mạnh qui hoạch, cải cách thủ tục đất đai, hải quan, thuế vụ; chú trọng phát triển nhân lực trình độ cao; hoàn thiện cơ chế “một cửa”./.

 

 

Vũ Hạnh

(http://www.vovnews.vn)