(VOV)_ Hiện nay, hàng TCMN được xếp vào nhóm 10 mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu lớn của Việt Nam. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của nước ta đang có mặt tại 136 quốc gia và vùng lãnh thổ với nhịp độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu tăng trên 20% mỗi năm. Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Danh Vĩnh cho biết: “Từ trước tới nay, Nhật Bản luôn là thị trường xuất khẩu chủ lực của mặt hàng thủ công mỹ nghệ, chiếm tỷ trọng từ 10-29% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ cả nước. Tuy nhiên, con số trên chưa xứng với tiềm năng sẵn có và chưa đáp ứng hết nhu cầu của người tiêu dùng Nhật Bản”.
Ông Ken Akarawa, Đại diện Tổ chức Jetro (Nhật Bản) – người từng sống và công tác ở Việt Nam 14 năm - cho biết, cách đây 7 năm, cravat làm bằng lụa ở Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Tây rất mềm và không được may cẩn thận nên dùng không lâu đã bị “te tua” hết, vì thế khách hàng Nhật Bản chưa chuộng. Qua một quá trình nghiên cứu và cải tiến, đến nay, sản phẩm cravat làm bằng lụa Vạn Phúc đã cứng hơn và đẹp về màu sắc. Với bước tiến đó, ông Ken Akarawa cho biết, ông có thể tự tin sử dụng sản phẩm cravat Made in Vietnam đi dự các hội nghị quốc tế.
Nói như thế, nghĩa là phải mất tới 7 năm, một sản phẩm TCMN mới có được chất lượng ổn định. Trong khi đó, nhiều sản phẩm khác vẫn còn rất kém nên không thoả mãn được nhu cầu tiêu dùng của người Nhật. Theo ông Ken Akarawa, Nhật Bản và Việt Nam là hai nước có đặc điểm chung về dùng đũa. Khi mua những chiếc đũa ở chợ Hàng Gai, ông Ken Akarawa thấy mãn nguyện vì hình dáng đẹp và đầu đũa nhọn, rất dễ gắp. Ngoài ra, còn có hình thức bán đũa theo cặp cho từng đối tượng xác định ví dụ cặp đũa dành cho vợ chồng. Ông Ken Akarawa đã từng mua những cặp đũa như vậy, nhưng sau khi con trai ông dùng 3 ngày thì đũa bị gãy. “Hình thức đẹp và bán hàng theo kiểu quà lưu niệm là tốt rồi, nhưng chất lượng đũa lại quá tồi.” - ông Ken Akarawa nói. Tương tự, khi so sánh cốc của Bát Tràng với cốc của Singapore, ông Ken Akarawa đã chỉ ra hai sự khác biệt: Cốc của Singapore được bán với giá 20USD/chiếc, trong khi cốc Bát Tràng bán ở chợ Hàng Da chỉ 30.000 đồng, tức là chênh nhau tới 10 lần; cốc của Singapore sản xuất có màu sáng hơn cốc được sản xuất tại Bát Tràng. “Thực ra, tôi rất thích cốc của Bát Tràng vì mẫu mã rất đẹp, nhưng nếu màu sắc tươi sáng hơn một chút, người Nhật sẽ thích hơn và dù có bán với giá 20USD họ vẫn chấp nhận” - ông Ken Akarawa cho biết.
Liên quan đến vấn đề này, bà Lê Ngọc Minh, Phó Giám đốc Công ty Gốm sứ Quang Vinh - một doanh nghiệp sản xuất gốm sứ Bát Tràng- cho biết: “Giá sản phẩm không những không tăng, thậm chí, một số mặt hàng còn giảm giá, cho nên hiện tại, càng sản xuất thì càng lỗ. Hơn nữa, đến nay vùng nguyên liệu chưa được quy hoạch và khai thác quy mô, dẫn tới chất lượng nguyên liệu không ổn định”.
Với thực trạng này, không thể không lo ngại về khả năng cạnh tranh của hàng TCMN Việt Nam. Nhất là khi không chỉ có những mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản mà còn nhiều nước khác như: Indonesia, Singapore, Trung Quốc và ngay cả hàng TCMN của các nước châu Âu như: Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, cũng đang “đổ bộ” vào Nhật Bản.
Để hàng TCMN của Việt Nam có thể chiếm lĩnh được thị trường Nhật Bản, ông Ken Akarawa nhấn mạnh 3 yếu tố: Các doanh nghiệp của Việt Nam phải xác định rõ được đối tượng để bán sản phẩm TCMN là ai?; Chất lượng, mẫu mã phải đảm bảo; Thứ ba, người Nhật Bản quan tâm nhiều đến vấn đề bảo vệ môi trường, vì thế, những sản phẩm nhập khẩu phải đảm bảo được yêu cầu về môi trường của Nhật Bản.
Ông Nguyễn Ngọc Lượng, Giám đốc Công ty TNHH Phong Châu, cho biết: “Hiện nay, có rất nhiều đơn hàng mây tre đan bị vỡ, doanh nghiệp làm thương mại không dám nhận do lo ngại bị lỗ vốn”. Theo ông Nguyễn Ngọc Lượng, lợi nhuận của các doanh nghiệp làm hàng TCMN hiện nay rất thấp. Nếu không sớm giải quyết những vấn đề như: chất lượng, mẫu mã, giá thành sản phẩm… để nâng cao tính cạnh tranh thì hàng TCMN của Việt Nam khó có thể tiếp cận và xâm nhập được thị trường quốc tế, trong đó có Nhật Bản./.