Quản lý, giám sát chặt chẽ nguồn lực của Nhà nước tại doanh nghiệp

18/10/2024

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần bảo đảm tính bao quát các trường hợp có vốn đầu tư Nhà nước; quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ nguồn lực của Nhà nước tại doanh nghiệp, tránh nguy cơ thất thoát, lãng phí và tránh tạo khoảng trống pháp lý…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Tăng cường quản lý nguồn vốn đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp

Chính phủ vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thay thế Luật số 69/2014/QH13. Việc trình dự án Luật này nhằm thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, trước yêu cầu mới từ thực tiễn quản lý và hội nhập quốc tế, kịp thời khắc phục những hạn chế, tồn tại của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Một trong những điểm mới của dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là thay đổi đối tượng áp dụng được quy định tại Điều 2. Theo đó, đối tượng áp dụng của Luật là doanh nghiệp Nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp, tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở lên.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết: Đối tượng áp dụng khi xây dựng chính sách đã xác định “doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác” là doanh nghiệp có vốn đầu tư trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp 100% vốn điều lệ. Trong quá trình nghiên cứu, để đảm bảo thống nhất với nguyên tắc Nhà nước quản lý theo dòng vốn đầu tư và theo đúng phần vốn góp tại doanh nghiệp, trên cơ sở ý kiến đề nghị của các doanh nghiệp, các Bộ, ngành, đơn vị có liên quan, Chính phủ thống nhất dự án Luật không đưa đối tượng doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư khác vào trong phạm vi điều chỉnh của Luật và giao cho doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước chịu trách nhiệm. Theo đó, tại Điều 2 dự án về đối tượng áp dụng gồm: (1) Doanh nghiệp nhà nước theo quy định của luật doanh nghiệp, tổ chức tín dụng do nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở lên; (2) Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, người đại diện chủ sở hữu vốn và tổ chức tín dụng có vốn đầu tư của nhà nước; (3) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Với quy định về đối tượng áp dụng được quy định tại Điều 2, tại Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều thành viên đã có những ý kiến về điểm mới trên. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, dự án Luật quy định đối tượng áp dụng bao gồm doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ là không phù hợp. Bởi lẽ, khác với các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Nhà nước không nắm quyền kiểm soát tuyệt đối tại các doanh nghiệp từ trên 50% vốn điều lệ mà đóng vai trò là cổ đông, là thành viên góp vốn.

Việc quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được thực hiện thông qua việc có ý kiến để người đại diện chủ sở hữu vốn biểu quyết, quyết định tại cuộc họp Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Đại hội cổ đông mà không quản lý trực tiếp đối với pháp nhân của doanh nghiệp. Mặt khác, đây không phải là Luật về doanh nghiệp Nhà nước mà là luật điều chỉnh việc quản lý, đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Do đó, quy định tại dự án Luật đang tạo ra khoảng trống pháp lý đối với các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ đang là đối tượng áp dụng của Luật số 69/2014/QH13. Đặc biệt là các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ trên 36% đến 50% vốn điều lệ Nhà nước có quyền phủ quyết theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh

Ngoài ra, trong dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thiếu quy định pháp luật điều chỉnh việc quản lý vốn Nhà nước tại các tổ chức kinh tế, tổ chức tài chính thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành có vốn đầu tư của Nhà nước nắm quyền kiểm soát. Ví dụ như Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là một tổ chức tài chính do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc việc bổ sung đối tượng này để bảo đảm tính bao quát các trường hợp có vốn đầu tư Nhà nước; quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ nguồn lực của Nhà nước tại doanh nghiệp, tránh nguy cơ thất thoát, lãng phí và tránh tạo khoảng trống pháp lý; cụ thể hóa yêu cầu tại Nghị quyết 12, trong đó có yêu cầu là Nhà nước thực hiện đầy đủ trách nhiệm quyền chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước, cổ phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp, thực sự đóng vai trò là nhà đầu tư, chủ sở hữu bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với các nhà đầu tư khác trong doanh nghiệp.

Đóng góp ý kiến về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, quy định tại Điều 1 và Điều 2 của dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu quan điểm: Tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp khi thẩm định, dự án Luật đã tách doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước với doanh nghiệp từ 50% vốn nhà nước theo quy định mới của Luật Doanh nghiệp và theo Nghị quyết 12. Ủy ban Kinh tế đã rà soát lại với các tổ chức tín dụng, mặc dù cũng là ngân hàng nhưng phạm vi, tính chất hoạt động của 2 ngân hàng này rất đặc biệt, đặc thù. Trong Luật Các tổ chức tín dụng cũng chưa thể giao mà sau này Chính phủ sẽ tiếp tục có những quy định riêng đối với hoạt động của 2 ngân hàng này, không vì mục tiêu lợi nhuận, có tính chất đặc thù riêng so với các doanh nghiệp thông thường thì đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật cũng phải bổ sung, làm rõ.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Đối với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách có đề nghị cần tiếp tục đánh giá kỹ hơn việc thay đổi phạm vi điều chỉnh. Ủy ban Kinh tế nhận thấy, ở Điều 47 quy định về nội dung giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp bao gồm cả việc sử dụng nguồn vốn của Nhà nước để đầu tư vào doanh nghiệp. Nội dung này cũng cần phải làm rõ các phạm vi như thanh tra, kiểm tra hoạt động đầu tư vốn.

Kết luận về nội dung trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ rà soát phạm vi, đối tượng điều chỉnh, các điều khoản trong quy định của Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để đảm bảo yêu cầu sửa đổi luật không tạo ra khoảng trống pháp lý, đảm bảo nguyên tắc xuyên suốt ở đâu có vốn Nhà nước thì ở đó phải có quản lý của Nhà nước với biện pháp và mức độ phù hợp, kể cả với doanh nghiệp có vốn Nhà nước chiếm dưới 50% hay các doanh nghiệp Nhà nước thực hiện đầu tư góp vốn, doanh nghiệp F2, F3. Đảm bảo quy định của Luật phải giải quyết, tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc hiện nay; đảm bảo những vấn đề mới, vấn đề phát sinh, những yêu cầu trong tình hình mới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận chỉ đạo cho ý kiến về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Chính phủ cũng lưu ý hoàn thiện các quy định về thoái vốn, bán tài sản đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Nhà nước, các hành vi bị cấm, thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư vào kế hoạch kinh doanh. Rà soát để kế thừa các quy định của luật hiện hành đang phát huy hiệu quả, không xảy ra tình trạng sửa đổi quy định mới nhưng lại tạo ra các khó khăn, vướng mắc, bất cập mới hoặc gây thất thoát, lãng phí tiền, tài sản của Nhà nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng lưu ý Chính phủ rà soát các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn, nhiệm vụ, quyền hạn của doanh nghiệp; thẩm quyền quyết định công tác nhân sự, chiến lược, kế hoạch, danh mục cơ cấu lại vốn, phân định đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài. Với doanh nghiệp, chúng ta chỉ quy định trong luật những việc gì thuộc thẩm quyền mà luật quy định./.

Bích Lan

Các bài viết khác