Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái lấy kiến vào các dự án luật trình tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

18/10/2024

Sáng 18/10, tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, đồng chí Nguyễn Quốc Luận - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã chủ trì Hội nghị tham vấn ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, tham gia ý kiến vào các dự án luật trình tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái lấy ý kiến tham gia vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng, ước cả năm 2024 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2025 được nêu tại dự thảo Báo cáo của Chính phủ.

Theo đó, theo thông báo số liệu tăng trưởng của Tổng cục Thống kê, năm 2024, ước tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm tỉnh Yên Bái đạt 7,77% vượt mục tiêu kế hoạch. Dự ước, trong 32 chỉ tiêu có 10 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 21 chỉ tiêu đạt kế hoạch năm; 1 chỉ tiêu không đạt kế hoạch: Chỉ số hạnh phúc của người dân ước đạt 66,5% (kế hoạch là 68%). Nguyên nhân do ảnh hưởng của cơn bão số 3 đã gây hậu quả rất nặng nề về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.

Đồng chí Đoàn Hữu Phung - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tham vấn ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 tại Hội nghị.

Ngay sau khi bão lũ xảy ra, tỉnh Yên Bái đã huy động mọi nguồn lực để khắc phục, sửa chữa ngay các công trình cơ sở hạ tầng. Để có điều kiện về nguồn lực khắc phục khẩn cấp hậu quả do bão số 3 gây ra, tỉnh Yên Bái đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, xem xét tạo điều kiện hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho tỉnh với tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ là 1.935 tỷ đồng; kiến nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh báo cáo Quốc hội quan tâm xem xét sớm có ý kiến với Chính phủ để chỉ đạo triển khai thực hiện.

Về giải ngân kế hoạch vốn Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), đến nay kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư ngân sách Trung ương giai đoạn 2022-2024 đạt 1.728 tỷ đồng/kế hoạch 1.909 tỷ đồng, bằng 90,5%. Các vướng mắc về vốn sự nghiệp đối với Yên Bái cơ bản đã được tháo gỡ.

Đối với Dự án 5 - Tiểu dự án 3 thuộc CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi về phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tỉnh Yên Bái đã thực hiện việc sáp nhập Trung tâm Dạy nghề với Trung tâm Giáo dục thường xuyên, thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên. Do đó, đề nghị bổ sung đối tượng "Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên" vào danh sách đối tượng thụ hưởng của chương trình.

Đồng chí Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái tham gia ý kiến tại Hội nghị.

Đối với Dự án 9, Tiểu dự án 1 thuộc CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN về đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù, các đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện Tiểu Dự án 1 - Dự án 9, đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn theo hướng "hỗ trợ đầu tư có thu hồi vốn” thành "hỗ trợ trực tiếp không thu hồi vốn”.

Đối với CTMTQG giảm nghèo bền vững, các địa phương chưa có căn cứ để hỗ trợ đào tạo cho đối tượng này của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sớm tham mưu quy định tiêu chí xác định "người lao động có thu nhập thấp”…

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng cơ bản nhất trí với dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức công tư và Luật Đấu thầu trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV.

Về dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) gồm 7 chương, 116 điều (sửa đổi 53 điều, bổ sung 22 điều, bãi bỏ 7 điều so với Luật Đầu tư công năm 2019), đa số các đại biểu đều nhất trí với các nội dung cơ bản: về những quy định chung; về chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư chương trình, dự án đầu tư công; về lập, thẩm định, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công; về lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, quản lý kế hoạch vốn đầu tư nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; về thực hiện và theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá, thanh tra, giám sát kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công; về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đầu tư công; về điều khoản thi hành.

Về Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức công tư và Luật Đấu thầu, gồm 6 điều, đa số các đại biểu đều cho rằng việc xây dựng, ban hành dự thảo Luật đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cấp thiết về thể chế, pháp luật về công tác quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và hoạt động đấu thầu; đơn giản hóa thủ tục hành chính; tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương. 

Đồng chí Nguyễn Quốc Luận - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái phát biểu tại Hội nghị.

Tuy nhiên, tại Hội nghị, một số đại biểu cũng cho rằng đối với dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), cần bổ sung thêm tại quy định về điều chỉnh chương trình, dự án quy định cụ thể về việc dừng chủ trương đầu tư và trình tự, thủ tục thực hiện. Về nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư đối với dự án đầu tư công không có cấu phần xây dựng, một số đại biểu kiến nghị bổ sung quy định cụ thể trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư chương trình dự án; đề nghị phân cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, dự toán chuẩn bị đầu tư cho các đơn vị chủ đầu tư (tương ứng với dự án có cấu phần xây dựng) để đẩy nhanh tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư. 

Về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án không có cấu phần xây dựng, một số đại biểu đề nghị nghiên cứu, cần bổ sung quy định cụ thể các hình thức tổ chức quản lý dự án không có cấu phần xây dựng. Về khái niệm vốn đầu tư công, đại biểu đề nghị bổ sung quy định làm rõ vốn đầu tư công có bao gồm vốn ngân sách Nhà nước chi thường xuyên dành để cải tạo, mở rộng cơ sở vật chất đã có; đồng thời quy định rõ đối với vốn đầu tư công từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo hướng không bao gồm kinh phí mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động chuyên môn của đơn vị. Về đối tượng sử dụng vốn đầu tư công, đại biểu đề nghị bổ sung thêm đối tượng "sửa chữa” thuộc dự án đầu tư công…

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Quốc Luận - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái ghi nhận, biểu dương các đại biểu, lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị đã tập trung nghiên cứu, chủ động, trách nhiệm tham vấn ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức công tư và Luật Đấu thầu. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tiếp thu, tổng hợp các ý kiến để trình tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Trước đó, từ ngày 10 đến 17/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã lấy ý kiến tham gia vào 3 dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo (gồm: Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi),  dự án Luật Dữ liệu): Dự án Luật Việc làm (sửa đổi), Dự án Luật Điện lực (sửa đổi),  Dự án Luật Nhà giáo và 4 dự án luật gồm: Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia, Luật Bảo hiểm y tế.

(Theo báo Yên Bái)

Các bài viết khác