Đoàn ĐBQH tỉnh Long An tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp các dự thảo Luật

18/10/2024

Chiều 18/10, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Long An tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp 2 Dự án, Dự thảo Luật. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Long An, Lê Thị Song An chủ trì hội nghị.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cùng Đoàn ĐBQH tỉnh Long An tiếp xúc cử tri Bến Lức

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Long An Lê Thị Song An chủ trì hội nghị

Các đại biểu đóng góp ý kiến đối với: Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) và Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Tham gia đóng góp các dự án, dự thảo Luật có đại diện các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tư pháp, Giao thông Vận tải, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ và UBMTTQ Việt Nam tỉnh Long An.

Phát biểu tại hội nghị, bà Lê Thị Song An cho biết, Luật Hóa chất số 06/2007/QH12 được QH khóa XII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 21/11/2007, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2008, là sự thể chế hóa, hiện thực và cụ thể hóa một cách nhanh chóng, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh những kết quả đã đạt, sau 17 năm thi hành, Luật Hóa chất năm 2007 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, các quy định đối với dự án hóa chất chủ yếu tập trung vào các yêu cầu đảm bảo an toàn hóa chất và bảo vệ môi trường, chưa đề cập đến các yêu cầu về công nghệ, định hướng phát triển ngành, chất lượng sản phẩm hay các yêu cầu về hóa học xanh và phát triển bền vững; chưa có cơ chế, chính sách ưu đãi hấp dẫn và có tính ổn định để thu hút đầu tư trong hoạt động hóa chất. Nhiều hóa chất nguy hiểm bị sử dụng sai mục đích gây ra nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Giữa các cơ quan quản lý còn thiếu cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin về công tác quản lý hóa chất…

Hội nghị đóng góp dự án, dự thảo Luật có sự tham gia của nhiều sở, ngành

Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) gồm 9 chương, 89 Điều, kế thừa và phát triển các quy định của Luật Hóa chất năm 2007. Những nội dung cơ bản và những điểm mới của dự thảo Luật, đó là bổ sung thêm quy định về phát triển công nghiệp hóa chất, hóa chất trong sản phẩm, cụ thể là quy định về hoạt động hóa chất, phát triển công nghiệp hóa chất; quy định các nội dung cần được xem xét, đánh giá trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư, giai đoạn quyết định đầu tư dự án hóa chất; quy định các lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm được hưởng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt.

Đồng thời, bãi bỏ quy định về trách nhiệm của chủ đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh hóa chất trong việc phối hợp chính quyền địa phương tổ chức lấy ý kiến của cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án về biện pháp bảo vệ môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, Dự thảo quy định một số hoạt động trong vòng đời của hóa chất theo hướng dẫn chiếu đến các quy định hiện hành của pháp luật. Đối với khai báo hóa chất nhập khẩu, dự thảo quy định tất cả các hóa chất khi nhập khẩu phải được khai báo, thay vì quy định xây dựng danh mục hóa chất phải khai báo như tại Luật Hóa chất năm 2007. Số liệu về khai báo hóa chất nhập khẩu sẽ được đồng bộ vào Cơ sở dữ liệu hóa chất và cung cấp trực tiếp cho các Bộ quản lý chuyên ngành, qua đó sử dụng hiệu quả nguồn dữ liệu quan trọng này và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước.

Đại diện Sở Xây dựng đóng góp ý kiến

Dự thảo cũng bổ sung quy định chung về hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, hàng hóa; quy trình kiểm soát hóa chất nguy hiểm trong quá trình sản xuất; công bố thông tin về hàm lượng hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, hàng hóa; đồng thời, quy định trách nhiệm về thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý sản phẩm chứa hóa chất nguy hiểm của các bộ, ngành và địa phương.

Đóng góp Dự thảo luật, các đại biểu tập trung cho ý kiến vào một số nội dung về phạm vi điều chỉnh; áp dụng pháp luật; chính sách của nhà nước trong lĩnh vực hóa chất; các hành vi bị cấm, nhất là quy định về hoạt động hóa chất, phát triển công nghiệp hóa chất, hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, an toàn trong hoạt động hóa chất, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động hóa chất;…

Về phát triển công nghiệp hóa chất, nhất là đối với lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm và trách nhiệm xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất; về quản lý hoạt động hóa chất; các quy định với hoạt động hóa chất, nhất là các nội dung cần được xem xét, đánh giá trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư, giai đoạn quyết định đầu tư dự án hóa chất; quy định các lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm được hưởng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt; quy định về hoạt động tư vấn chuyên ngành hóa chất;…

Đại diện Sở Công Thương đóng góp ý kiến

Đối với Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật năm 2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007. Qua hơn 17 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn triển khai luật này cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được khắc phục.

“Một số quy chuẩn quốc gia sau khi ban hành không phù hợp trong thực tiễn áp dụng; chưa có quy định về trình tự, thủ tục rút gọn trong trường hợp khẩn cấp vì an toàn, thiên tai, dịch bệnh; một số tổ chức, doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn cơ sở mang tính chất đối phó, không đi vào thực chất; chưa có cơ sở dữ liệu đầy đủ về tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài,...” - bà Lê Thị Song An thông tin.

Do đó, việc sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, bảo đảm thi hành các cam kết về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mà Việt Nam đã và đang đàm phán hoặc đã ký kết; thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Theo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật gồm có 4 Điều (trong đó, Điều 1 sửa đổi các Điều:  3, 7, 8, 11, 15, 17, 21, 27, 32, 48, 50, 51, 52, 53, 57, 59, 60).

Dự thảo luật tập trung vào các nhóm chính sách đảm bảo thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu, rộng và triển khai đầy đủ các cam kết quốc tế về yêu cầu minh bạch hoá. Thúc đẩy xã hội hoá hoạt động xây dựng, phổ biến và áp dụng tiêu chuẩn. Tăng cường tính hiệu quả của hoạt động đánh giá sự phù hợp. Hoàn thiện quy định về nguyên tắc, đối tượng, căn cứ, trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, công bố tiêu chuẩn Việt Nam, ban hành quy chuẩn Việt Nam; nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng, quản lý tiêu chuẩn cơ sở theo hướng chặt chẽ hơn;...

Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ đóng góp ý kiến

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật liên quan về chính sách của Nhà nước về phát triển hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật; quy định chính sách của Nhà nước về phát triển hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật; trách nhiệm xây dựng, thẩm định, công bố, thông báo, áp dụng tiêu chuẩn; trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, công bố tiêu chuẩn quốc gia; xuất bản và phát hành tiêu chuẩn; trách nhiệm xây dựng, thẩm định, ban hành quy chuẩn kỹ thuật; trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, ban hành quy chuẩn kỹ thuật; công bố hợp quy;...

Kết luận hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Long An Lê Thị Song An ghi nhận đóng góp của các đại biểu. Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp, chuyển cơ quan soạn thảo bổ sung, hoàn thiện trước khi trình tại Kỳ họp thứ 8, QH khóa XV./.

(Theo báo Long An)

Các bài viết khác