ĐBQH DƯƠNG BÌNH PHÚ: SỬA ĐỔI LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC CẦN BỔ SUNG CHÍNH SÁCH BẮT BUỘC ĐỐI VỚI VIỆC XỬ LÝ NƯỚC THẢI ĐÔ THỊ, NƯỚC THẢI CÔNG NGHIỆP TẬP TRUNG
Làm rõ hành vi nghiêm cấm xả thải, nước thải vào nguồn nước dưới đất
Góp ý vào dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại biểu Lê Đào An Xuân thống nhất cao với sự cần thiết sửa đổi Luật Tài nguyên nước và cho rằng, đây là luật chuyên ngành khá sâu, đề nghị rà soát kỹ hơn nữa các từ ngữ về chuyên môn để đưa vào phần giải thích từ ngữ. Ví dụ như các cụm từ “kịch bản nguồn nước”, “công cụ hỗ trợ theo quyết định” hoặc cụm “xả thải vào nguồn nước dưới đất”, có thể có nhiều cách hiểu khác nhau, dẫn đến khó áp dụng trong quá trình thực thi luật.
Về nguyên tắc bảo vệ, quản lý, bảo vệ nguồn nước tại Điều 4, đại biểu đề nghị quan tâm đến các yếu tố về biến đổi khí hậu, trong đó ưu tiên về phổ cập nguồn nước dưới đất theo quy luật tự nhiên. Hiện nay, quá trình đô thị hóa rất lớn, làm thế nào để các công trình đô thị đáp ứng được việc giữ gìn nguồn nước dưới đất là một vấn đề đặt ra, đề nghị đưa vào Điều 4 của dự thảo Luật nguyên tắc này. Điều này cũng dẫn đến Điều 30 về bảo vệ nước dưới đất, sẽ có liên quan tới phần làm thế nào để đảm bảo được nước dưới đất tự nhiên.
Đại biểu Lê Đào An Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên
Liên quan đến danh mục ao, hồ, đầm, phá không được san lấp tại Điều 8, đại biểu Lê Đào An Xuân cho rằng, vấn đề đặt ra nếu không được san lấp thì việc giảm thiểu diện tích, thể tích của hồ có được áp dụng hay không, quy định này còn chưa rõ ràng. Do đó đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm về phần này.
Về hành vi nghiêm cấm tại Điều 10, đại biểu Lê Đào An Xuân nhận thấy, hành vi nghiêm cấm xả thải, nước thải vào nguồn nước dưới đất rất khó triển khai trong thực tiễn.
“Luật Tài nguyên nước 2012 chỉ cho phép xả nước thải vào các thủy vực, tức là nơi nào có hồ, đầm phá, sông ngòi thì được xả thải nhưng ở những vùng miền núi hầu như không có những thủy vực này cấm xả nước thải vào nguồn nước dưới đất. Chúng tôi hiểu ngay kể cả tái sử dụng để tưới cây cũng cấm luôn cho nên rất khó để thực hiện việc xả và xử lý tiêu hết nguồn nước thải này. Đặc biệt trường hợp này gặp rất nhiều đối với các trang trại chăn nuôi được đặt ở các khu vực miền núi. Điều 10 này dẫn tới Điều 29, tức là cấm xả thải, nước thải vào nguồn nước dưới đất”, đại biểu nêu dẫn chứng.
Vì vậy, đại biểu Lê Đào An Xuân đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần làm rõ hơn tiêu chí này, bởi vì nếu để xả thải xử lý đạt chuẩn nước mặn theo quy định để được xả vào nguồn nước dưới đất đòi hỏi chi phí rất lớn, trong khi hiện nay có nhiều quy định chuyên ngành. Ví dụ quy định về tái sử dụng nước thải sau chăn nuôi để phục vụ cho dự án lâm nghiệp hoặc dự án nông nghiệp, chúng ta vẫn có thể tái sử dụng theo hướng tiết kiệm và xem nó là một nguồn đầu vào áp dụng theo đúng quy chế kinh tế trung hoà đối với sử dụng nước.
Đề cập về rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh tại Điều 20, đại biểu Lê Đào An Xuân cho rằng, một trong những nội dung cần điều chỉnh đó là các dự án, chương trình trọng điểm quốc gia mới hình thành nếu có ảnh hưởng đến tài nguyên nước thì sẽ phải điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng tài nguyên nước. Đại biểu bày tỏ băn khoăn khi thực hiện các dự án này, chúng ta căn cứ trên quy quy hoạch nào, trên chiến lược nào? Đề nghị đơn vị soạn thảo xem xét thêm.
Về hồ điều hòa và phân phối nguồn nước, dự thảo Luật có nêu “xem xét dựa trên kịch bản nguồn nước, sử dụng công cụ hỗ trợ, ra quyết định…”, nội dung này khá khó hiểu, đại biểu Lê Đào An Xuân đề nghị bổ sung thêm phần tham vấn cộng đồng, các nhà khoa học và chính quyền địa phương khi thực hiện điều hòa, phân phối nguồn nước. Đồng thời trong sửa đổi Luật lần này đề nghị cần nghiên cứu kỹ hơn khái niệm “dòng chảy tối thiểu”, dòng chảy tối thiểu được xác định khi nào và đảm bảo những mục đích gì, đặc biệt khi điều hòa, phân phối nguồn nước thì phải có ý kiến của người trực tiếp sử dụng nguồn nước.
Đối với lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, đại biểu Lê Đào An Xuân nhận thấy có điểm đặc thù, không quản lý bằng hành chính mà quản lý bằng lưu vực, tức là theo lưu vực nguồn nước hoặc theo phạm vi của nguồn nước thì có thể nằm trên một tỉnh, nhiều tỉnh hoặc nhiều quốc gia. Tuy nhiên, về bộ máy, cơ chế để quản lý đáp ứng theo tiêu chí này trong luật vẫn nặng về tính hành chính.
Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm và đặc biệt phải tăng cường sự tham gia của các hiệp hội, các đơn vị là trung gian và đại diện cho người sử dụng nước sẽ đứng ra tổ chức cùng với cơ quan nhà nước để quản lý nước, đảm bảo theo tiêu chí quản lý đối với lưu vực sông.
Làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước
Góp ý về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Kim Nhung - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đề nghị cần làm rõ với phạm vi như hiện hành. Ở khoản 2 Điều 1 quy định: nước dưới đất và nước biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nước CHXHCN Việt Nam và nước khoáng nóng thiên nhiên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này. Đại biểu nhận thấy, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên không thuộc phạm vi cơ quan soạn thảo giải thích trong Luật Khoáng sản. Tuy nhiên, đối với chủ trương, quan điểm xuyên suốt để sửa Luật Tài nguyên nước lần này, để đảm bảo thống nhất một đầu mối về quản lý tài nguyên nước, đại biểu Trần Thị Kim Nhung cho rằng, nước khoáng nóng thiên nhiên cũng phải là một loại tài nguyên nước, phải có nguyên tắc chung trong Luật này cần điều chỉnh để quản lý. Nếu là một loại khoáng sản đặc thù thì quy định trong Luật Khoáng sản theo tiêu chí, nguyên tắc về khoáng sản.
Đại biểu Trần Thị Kim Nhung - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh
Đối với phần giải thích từ ngữ, dự thảo Luật có khá nhiều thuật ngữ chuyên ngành, đại biểu đề nghị rà soát kỹ lại nội hàm của các thuật ngữ để tiếp cận Luật cho dễ hiểu.
Đại biểu Trần Thị Kim Nhung nhận thấy, trong quy định của Đảng, quy định của Bộ Chính trị, trong Nghị quyết, trong Kết luận 36 đã chỉ rõ Đề án an ninh nguồn nước có đặt ra yêu cầu là cần sắp xếp, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nguồn nước, bảo đảm thống nhất, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương và sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp, địa phương. Rà soát, thống nhất đơn vị quản lý khai thác thủy lợi vùng, quốc gia...
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, trong Tờ trình cũng như trong báo cáo đánh giá tác động dự thảo Luật chưa chỉ rõ việc sửa đổi lần này để đảm bảo thống nhất, tinh gọn, hiệu lực như thế nào, tức là đánh giá tác động thì sẽ sắp xếp như thế nào, phân định phạm vi trách nhiệm quản lý nhà nước của các cơ quan liên quan đến tài nguyên nước như thế nào cho rõ để thể hiện sự thể chế hóa chủ trương của Đảng.
Trong Kết luận 36 của Bộ Chính trị có nêu: rà soát, sắp xếp, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nguồn nước theo hướng thống nhất, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, bộ, ngành và có đầu mối tổ chức triển khai an ninh nguồn nước về hồ, đập, hồ chứa nước. Nghiên cứu thống nhất đơn vị quản lý, khai thác, vận hành hệ thống thủy lợi vùng, quốc gia. Đại biểu nhận thấy, những nội dung này chưa rõ trong dự thảo Luật cũng như trong Tờ trình. Do đó, đề nghị trong chính sách xây dựng Luật cần làm rõ thêm những vấn đề này.
Về trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước, Chương 8 dự thảo Luật có quy định một chương về trách nhiệm quản lý nhà nước, quy định phạm vi của Bộ Tài nguyên và Môi trường giúp Chính phủ trong thực hiện quản lý về tài nguyên nước và trách nhiệm của một số bộ liên quan như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Kim Nhung đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ hơn phạm vi quản lý, đặc biệt cần rà soát với những luật chuyên ngành điều chỉnh lĩnh vực mà 3 Bộ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng) quản lý, xem sự chồng chéo, trùng lặp đến đâu, sự thay đổi về chức năng quản lý như thế nào, sắp xếp lại bộ máy như thế nào, cần phải rõ ràng, cụ thể hơn, Trong điều khoản chuyển tiếp phải thể hiện rõ Luật này sau khi sửa đổi, bổ sung dẫn đến việc sửa đổi các Luật liên quan như Luật Thủy lợi, Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Điện lực và Luật Đê điều, Luật liên quan đến đô thị v.v..
Làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật
Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên
Đồng tình với quan điểm của đại biểu Trần Thị Kim Nhung về khoản 2 Điều 1 của dự thảo Luật, đại biểu Lê Quang Đạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên cho rằng, nếu không làm rõ nội dung và phạm vi điều chỉnh thì sẽ dễ gây hiểu lầm giữa khoản 2 Điều 1 của dự thảo Luật quy định nước dưới đất và nước biển, và chồng chéo với Luật Khoáng sản và Luật Biển Việt Nam đã được quy định. Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, phân định làm rõ hơn đối với nội dung và phạm vi điều chỉnh của Luật này.
Liên quan khoản 4 Điều 28, đại biểu Lê Quang Đạo đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ khái niệm “công trình cấp nước sinh hoạt đặc biệt quan trọng”. Đồng thời đề nghị nghiên cứu, cân nhắc bỏ khoản 7 Điều 45 quy định trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về xây dựng kế hoạch thực hiện phương án bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt đặc biệt quan trọng tại khoản 4 Điều 28 dự thảo Luật này. Vì tại khoản 4 Điều 28 dự thảo Luật đã quy định trách nhiệm của Bộ Xây dựng là cơ quan chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan để xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, phê duyệt chương trình, phương án bảo vệ các công trình cấp nước sinh hoạt quan trọng.
Đại biểu Lê Quang Đạo cho rằng, nếu trường hợp giữ nguyên khoản 7 Điều 45 thì cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì là Bộ Xây dựng và trách nhiệm của cơ quan phối hợp là Bộ Quốc phòng và Bộ Công an trong việc xây dựng các phương án bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt đặc biệt quan trọng và giao cho quản lý để bảo đảm nguyên tắc nhà nước “một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì”, tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”, việc đưa ra không bên nào chủ trì, bên nào cũng phối hợp./.