TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU, LÀM RÕ TÍNH HIỆU QUẢ CỦA QUỸ DỊCH VỤ VIỄN THÔNG CÔNG ÍCH VIỆT NAM
ĐỀ XUẤT BỔ SUNG MỘT SỐ GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM BÍ MẬT THÔNG TIN CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG SỬ DỤNG DỊCH VỤ VIỄN THÔNG
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã cho ý kiến về Luật Viễn thông (sửa đổi). Cho đến nay, các cơ quan soạn thảo và thẩm tra tiếp tục lấy ý kiến của các Bộ ngành, đơn vị liên quan và các chuyên gia, nhà khoa học hoàn thiện Luật này để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 6 tới. Một trong những nội dung đáng chú ý của dự án Luật Luật Viễn thông (sửa đổi) đề cập là Chương trình, định hướng về chính sách cung cấp dịch vụ viễn thông công ích giai đoạn đến năm 2025.
Tại cuộc họp cho ý kiến về nội dung Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) diễn ra sáng 18/7 do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, ông Trần Duy Hiếu - Giám đốc Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam khẳng định, chính sách cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đã được quy định tại Luật Viễn thông ngày 23/11/2009 và Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06/4/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông. Việc cung cấp dịch vụ viễn thông công ích của nhà nước có ý nghĩa quan trọng đối với vùng có điều kiện kinh doanh dịch vụ viễn thông khó khăn, theo cơ chế thị trường doanh thu của doanh nghiệp viễn thông không bù đắp được chi phí; đồng thời, chính sách này tạo điều kiện cho nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện tiếp cận và sử dụng các dịch vụ viễn thông phổ cập.
Ông Trần Duy Hiếu - Giám đốc Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam.
Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1168/QĐ-TTg và Quyết định số 868/QĐ-TTg đã có những đóng góp, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo thông tin liên lạc cho khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn, từng bước giảm khoảng cách hưởng thụ dịch vụ viễn thông giữa các vùng, miền và cộng đồng dân cư; hỗ trợ có hiệu quả việc thực Đề án số hóa truyền hình đến năm 2020. Những đóng góp tích cực của Chương trình đối với Nhà nước, người dân, doanh nghiệp đã được khẳng định và cần tiếp tục phát huy; đồng thời thông qua thực tế thực hiện Chương trình, cần khắc phục những tồn tại, hạn chế để việc xây dựng chính sách và triển khai thực hiện trong giai đoạn tiếp theo đạt hiệu quả.
Thực hiện Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích phải tiết kiệm, hiệu quả
Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 mang lại những cơ hội lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại khoảng cách số giữa các vùng miền, giữa các nhóm dân cư. Trong điều kiện đất nước đang đẩy mạnh chuyển đổi số, vai trò điều tiết của Nhà nước trong lĩnh vực viễn thông thông qua chính sách cung cấp dịch vụ viễn thông công ích là hết sức quan trọng nhằm thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng, miền, gắn kết người dân với nền kinh tế số, xã hội số là hết sức cần thiết.
Theo ông Trần Duy Hiếu, để đáp ứng tính cấp thiết trên, Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025 cần thiết kế để hỗ trợ hiện thực hóa các mục tiêu chính sách tới năm 2025 về Chính phủ số, chuyển đổi số, bảo đảm sẵn sàng cung cấp dịch vụ truy nhập Internet cố định, dịch vụ thông tin di động tại tất cả các địa bàn cấp thôn trên phạm vi cả nước; đồng thời hỗ trợ các trạm y tế, cơ sở giáo dục phổ thông, hộ nghèo được sử dụng dịch vụ với mức giá cước ưu đãi.
Cuộc họp cho ý kiến về nội dung Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) diễn ra sáng 18/7 do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.
Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích giai đoạn tới được xây dựng trên cơ sở các quan điểm. Theo đó, đối với hỗ trợ doanh nghiệp, Nhà nước không can thiệp, hỗ trợ đối với các khu vực thị trường đã có sự cạnh tranh cao mà tập trung vào hỗ trợ phát triển, duy trì cung cấp dịch vụ viễn thông công ích tại các thôn và địa bàn mà doanh nghiệp kinh doanh theo cơ chế thị trường không hiệu quả. Việc hỗ trợ doanh nghiệp dựa trên cơ sở thị trường thông qua đấu thầu; đảm bảo công khai, minh bạch.
Đối với hỗ trợ sử dụng dịch vụ, Nhà nước chỉ hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, ngư dân sử dụng dịch vụ viễn thông thiết yếu, trên cơ sở phân biệt vùng, miền để đảm bảo công bằng, vì lợi ích chung của cộng đồng. Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích cần được lồng ghép, kết hợp với các chương trình, dự án khác của Nhà nước để đảm bảo đồng bộ về chính sách, tránh trùng lặp.
Ông Trần Duy Hiếu cho rằng, trong giai đoạn vừa qua và thời gian tới, thông tin tiếp tục được xem là dịch vụ xã hội cơ bản trong phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều. Do đó, chính sách về cung cấp dịch vụ viễn thông công ích, ngoài việc có quan hệ với nhiều chính sách trong lĩnh vực viễn thông (như: Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng đến chính phủ số,…), còn liên quan đến mục tiêu giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng khó khăn (như: Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững). Vì vậy, việc thực hiện Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích phải kết hợp, lồng ghép với nhiều chương trình, đề án khác để tránh trùng lặp, tiết kiệm, hiệu quả.
Tiếp cận theo quan điểm nêu trên, Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025 hướng đến hỗ trợ cung cấp, sử dụng dịch vụ viễn thông công ích theo phạm vi, đối tượng thụ hưởng, với chất lượng và giá cước dịch vụ hợp lý; trong đó ưu tiên đảm bảo các thôn, bản, làng, ấp, đảo có người sinh sống và các nhà giàn được cung cấp dịch vụ viễn thông công ích; hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện sử dụng dịch vụ viễn thông. Các mục tiêu cụ thể sẽ bám sát nhu cầu thực tiễn, mang tính tổng thể, thiết yếu.
Với đặc thù của hoạt động phổ cập dịch vụ viễn thông, Chương trình giai đoạn tới tập chung thực hiện hai nhóm nhiệm vụ: Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hạ tầng, mạng lưới, đảm bảo dịch vụ viẽn thông được phổ cập đến tất cả các thôn, bản, đảo có người sinh sống và hỗ trợ các đối tượng sử dụng khó khăn dịch vụ viễn thông phổ cập.
Đề cập về giải pháp triển khai, ông Trần Duy Hiếu khẳng định, đổi mới cơ chế quản lý theo hướng Nhà nước không thực hiện những nhiệm vụ mà doanh nghiệp đang thực hiện. Theo đó, Chương trình mới không hỗ trợ bằng phương thức cấp vốn đầu tư cho doanh nghiệp thực hiện các dự án phát triển hạ tầng đến vùng khó khăn; thay vào đó là tăng cường hỗ trợ cung cấp dịch vụ ở khu vực này theo nguyên tắc cạnh tranh, minh bạch và công bằng. Đối với người sử dụng dịch vụ viễn thông công ích, chính sách sẽ cân nhắc phù hợp với nhu cầu sử dụng và khả năng thanh toán một phần chi phí sử dụng dịch vụ của người sử dụng, tránh lãng phí; Xây dựng cơ chế quản lý thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình đảm bảo gọn nhẹ, rõ ràng, thuận lợi trong thực hiện.
Đối với việc huy động và sử dụng nguồn lực, để đảm bảo hiệu quả về tài chính, trong điều hành Chương trình, việc thực hiện tiến độ thu đóng góp của các doanh nghiệp viễn thông cho Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn. Để thực hiện công tác tổ chức quản lý, Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện sắp xếp, đổi mới công tác tổ chức quản lý, chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình, giảm đầu mối, tránh trùng lặp; tăng cường phối hợp của các địa phương trong công tác đề xuất kế hoạch, giám sát, kiểm tra thực hiện Chương trình tại địa phương./.