Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu kiểm tra tại hiện trường
Đến kiểm tra các diện tích lúa bị ngập tại xã Vinh Hà (Phú Vang) và khu vực sạt lở đê tại xã Lộc Sơn (Phú Lộc), Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu chia sẻ những khó khăn mà người dân và các địa phương gặp phải trong đợt mưa lớn vừa qua.
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu đề nghị Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật, các địa phương khẩn trương vận hành các công trình thủy lợi, thường xuyên theo dõi lịch triều, mực nước trên sông, đầm phá để đóng, mở các cửa cống trên đê ven phá, các đập để tiêu úng.
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu yêu cầu, các địa phương cần huy động tối đa nhân lực, vật lực để gia cố đê bao, khai thác tối đa công suất của các trạm bơm điện, bổ sung thêm máy bơm dầu tiêu úng diện tích lúa đang bị ngập.
Sở Nông nghiệp và PTNT và các địa phương rà soát kỹ, kiểm tra nắm thiệt hại về lúa, hoa màu, thủy sản, các công trình để có giải pháp hỗ trợ, khắc phục kịp thời; giúp dân vệ sinh môi trường, khôi phục sản xuất nông nghiệp.
Dự báo trong những ngày tới diễn biến thời tiếp vẫn còn phức tạp, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu đề nghị các đơn vị, địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả với diễn biến bất thường của mưa lũ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thiệt hại do thiên tai.
Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, đợt lũ bất thường từ ngày 31/3 đến 3/4 gây thiệt hại khoảng 1.103 tỉ đồng, trong đó ngành nông nghiệp bị thiệt hại nặng nhất với hơn 935 tỉ đồng.
Mưa lũ gây thiệt hại hơn 1.100 tỷ đồng, trong đó ngành nông nghiệp bị nặng nhất
Đợt mưa lũ này đã làm 2 người ở huyện Quảng Điền và Phong Điền thiệt mạng, 5 người bị thương, 37 nhà tốc mái do lốc xoáy ở Phú Lộc. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị UBND tỉnh đề xuất Trung ương hỗ trợ 1.500 tấn giống lúa ngắn ngày và cực ngắn ngày để người dân tái sản xuất; 10 tấn hạt giống rau và 5 tấn giống ngô, 2.000 tấn gạo hỗ trợ đột xuất đối với các hộ gia đình, cá nhân gặp khó khăn do thiên tai.
Hỗ trợ kinh phí tiêu úng khoảng 7 tỉ đồng; 100 tỉ đồng để tu bổ, sửa chữa các công trình dân sinh, thủy lợi, đê điều phục sản xuất. Về lâu dài tỉnh cũng đề nghị sớm triển khai đầu tư xây dựng hồ Ô Lâu Thượng tại huyện Phong Điền, khai xây dựng hồ chứa nước Thủy Cam (huyện Phú Lộc), nâng cấp sửa chữa đập Thảo Long, Cửa Lác; tiếp tục hỗ trợ kinh phí để đầu tư nâng cấp hệ thống đê ven phá Tam Giang-Cầu Hai theo chương trình nâng cấp đê biển của Chính phủ.
Tại cuộc họp về công tác khắc phục hậu quả lũ lụt cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh các địa phương cần nhanh chóng khắc phục hậu quả lũ lụt, phía tỉnh sẽ bố trí kinh phí hỗ trợ trước mắt và đề xuất Trung ương kinh phí cũng như những giải pháp đầu tư đê điều, hồ đập về lâu dài. Các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, thống kê thiệt hại cũng như đưa ra kế hoạch cụ thể nhằm hỗ trợ lương thực cho người dân bị thiệt hại trong đợt mưa lớn vừa qua, tuyệt đối không để người dân thiếu đói.
* Phong Điền có tổng diện tích cây trồng bị thiệt hại khoảng 5.314 ha; trong đó, có một số xã bị ngập hoàn toàn như Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương, Điền Hương, Điền Môn, Điền Lộc và thị trấn Phong Điền.
Quốc lộ 49B đoạn qua xã Phong Bình còn ngập
Toàn huyện có 4,2 ha nuôi tôm đầm phá và 41,3 ao cá bị ngập. Nhiều tuyến đê bao bị vỡ và sạt lở mái taluy. Hiện do nước ngập sâu ở một số xã nên các thiệt hại về thủy lợi chưa thống; giao thông nông thôn nhiều đoạn bị ngập và hư hỏng... Ước tính thiệt hại trước mắt do mưa lũ gây ra trên địa bàn Phong Điền khoảng gần 200 tỷ đồng.
Lãnh đạo huyện Phong Điền yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị tiến hành khắc phục nhanh hậu quả do thiên tai gây ra. Đặc biệt là các tuyến đường giao thông, các đê bao bị hư hỏng nghiêm trọng. Huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ vệ sinh môi trường các trường học bị ngập, ra quân tổng vệ sinh môi trường; các địa phương huy động tổng lực, tổ chức đấu úng thoát nước các diện tích lúa có thể cứu bằng mọi giá và huyện sẽ hỗ trợ 100% kinh phí.
Bên cạnh đó, huyện còn thành lập 3 tổ công tác cùng các xã, thị trấn rà soát, thống kê các thiệt hại cũng như đưa ra kế hoạch cụ thể nhằm hỗ trợ lương thực cho những người dân bị thiệt hại trong đợt mưa lũ vừa qua. Lãnh đạo huyện sẽ làm việc với Ngân hàng chính sách xã hội huyện về vấn đề vay vốn để tháo khó khăn cho người dân bị thiệt hại...