GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ.

04/04/2022

Sáng 04/4, tại Tp.Hồ Chí Minh, Ủy ban Pháp luật tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy chủ trì Hội thảo.

 



Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại Hội thảo

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương cho biết, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung 103 điều của Luật Sở hữu trí tuệ (tăng 10 điều so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai), có 12 điều chỉ sửa đổi, bổ sung về kỹ thuật, bãi bỏ một số quy định tại 5 điều. Đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giá, Luật Hải quan, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai đã đáp ứng được mục tiêu đề ra trong sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ, bảo đảm chất lượng, thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, phù hợp với các cam kết quốc tế theo Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình dương, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu và các điều ước quốc tế khác có liên quan mà Việt Nam là thành viên, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính đồng bộ, khả thi, tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Tại Hội thảo, các đại biểu thảo luận, làm rõ trách nhiệm của chủ thể trung gian trên internet trong lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan tại Việt Nam; phương án chỉnh lý quy định của dự thảo Luật về cơ chế, tỷ lệ phân chia lợi ích đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trị là nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước; phương án chỉnh lý quy định của dự thảo Luật về nhãn hiệu nổi tiếng; quy định của điều ước quốc tế về ngoại lệ quyền tác giả và kinh nghiệm cho Việt Nam...

Một số ý kiến cho rằng, cần có quy định giải thích về chủ thể cung cấp dịch vụ trung gian trên internet, phân loại các chủ thể trung gian trên internet tại điều khoản về giải thích từ ngữ trong dự thảo Luật. Bởi, đây là cơ sở để nhận diện chủ thể trung gian trên Internet và phân loại điều kiện cho từng loại chủ thể để hưởng miễn trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Quy định cụ thể miễn trừ trách nhiệm bồi thương thiệt hại trong Luật này là miễn trừ trách nhiệm chi trả các khoản tiền đền bù đối với thiệt hại xảy ra, lệ phí và án phí trong trường hợp kiện ra toà. Bên cạnh đó, quy định điều kiện để các chủ thể trung gian trên Internet được hưởng miễn trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Đại biểu thảo luận tại Hội thảo

Đánh giá các quy định về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng trong các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ, các đại biểu kiến nghị, nên xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng trong Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành theo hướng: tuân thủ các quy định có liên quan của Công ước Paris, Hiệp định TRIPS và Bản khuyến nghị của WIPO; tham khảo trường hợp thực tiễn về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng, cân nhắc và bám sát các điều kiện thực tiễn của pháp luật cũng như nền tảng kinh tế chính trị của Việt Nam hiện nay, nhất là trong điều kiện các Hiệp định thế hệ mới chính thức có hiệu lực.

Các đại biểu cũng khẳng định, việc xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sẽ tạo ra một động lực mới, tạo điều kiện và thu hút các nhà khoa học tham gia nghiên cứu, đăng ký, thương mại hoá tài sản trí tuệ để tạo ra giá trị gia tăng phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và cộng đồng. Việc sửa đổi các văn bản có liên quan cũng rất quan trọng và cần thiết để tạo sự đồng bộ giữa các văn bản quy định, qua đó tháo gỡ hết các vướng mắc, khó khăn còn tồn đọng.

Nhật Trường - Báo Đại biểu Nhân dân

Các bài viết khác