Thông cáo số 11 kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV

06/11/2017

Thứ hai, ngày 06-11-2017, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp. Quốc hội đã nghe và thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017.

Trong quá trình thảo luận, có 30 lượt đại biểu thảo luận, tập trung vào những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật

- Đánh giá tình hình và nguyên nhân của tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2017; công tác đấu tranh phòng, chống và điều tra, xử lý của ngành công an; làm rõ hơn tình hình, nguyên nhân gia tăng một số loại tội phạm về ma túy, tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng; tình trạng phá rừng, an ninh trật tự tại bệnh viện, tội phạm hình sự núp bóng doanh nghiệp, cho vay nặng lãi, tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em; tội phạm giết người, buôn lậu, tội phạm công nghệ cao, tội phạm có tổ chức, vi phạm về an toàn thực phẩm, khai thác tài nguyên khoáng sản…

- Về chất lượng hoạt động điều tra; làm rõ hơn những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật.

- Chủ trương và giải pháp phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật năm 2018.

2. Về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân

- Kết quả đạt được và một số tồn tại, hạn chế trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát việc xét xử các vụ án hình sự.

- Việc chấp hành pháp luật trong áp dụng biện pháp bắt tạm giữ, tạm giam và các biện pháp khác; nguy cơ bỏ lọt tội phạm trong đình chỉ, tạm đình chỉ chưa phục hồi điều tra các vụ án.

- Tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp; công tác điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp; tham nhũng trong hoạt động tư pháp.

3. Về công tác của ngành Tòa án nhân dân

- Kết quả đạt được trong công tác xét xử của ngành tòa án; công tác giải quyết đơn kiến nghị, giám đốc thẩm, tái thẩm; tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và giải pháp khắc phục.

- Việc thực hiện chủ trương giảm hình phạt tù, tăng cường áp dụng hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ, làm rõ một số thông tin, số liệu thiếu thống nhất giữa báo cáo của ngành tư pháp với ngành kiểm sát; tình trạng án tuyên không rõ ràng; tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, công tác kiểm tra, giám sát nhằm phòng ngừa và xử lý kịp thời vi phạm pháp luật của cán bộ tòa án.

- Về nâng cao chất lượng xét xử, tránh gây oan sai trong một số vụ án cụ thể; nâng cao chất lượng thẩm phán; bảo đảm nguyên tắc thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử, tăng cường công tác giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

4. Về công tác thi hành án

- Đề nghị tăng cường công tác phối hợp, chỉ đạo giữa các cơ quan trong thi hành án dân sự, trả lời kịp thời kiến nghị của địa phương về giải quyết các vướng mắc trong thi hành án dân sự.

- Việc quản lý, giáo dục, cảm hóa tại cộng đồng, tạo việc làm cho người chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù cho hưởng án treo.

5. Các nội dung khác về công tác tư pháp

- Tình hình chấp hành pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; vấn đề bảo đảm an ninh nông thôn; chấn chỉnh việc đưa tin của các phương tiện truyền thông, quản lý mạng xã hội, thông tin về các vấn đề bức xúc, tránh kích động dư luận.

- Chính sách đặc thù đối với lực lượng đấu tranh phòng, chống tội phạm; công tác đào tạo, bổ nhiệm thẩm phán; tăng cường đầu tư xây dựng trụ sở tòa án cấp huyện, bảo đảm trang thiết bị, điều kiện làm việc cho các tòa án; chính sách đối với hội thẩm nhân dân.

- Tình hình oan sai trong hoạt động của các cơ quan tư pháp và công tác bồi thường nhà nước cho người bị oan sai.

- Bất cập trong công tác bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý; nguyên nhân và giải pháp khắc phục.

6. Về công tác phòng, chống tham nhũng

- Đánh giá tình hình tham nhũng còn nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi và nguyên nhân; về phòng, chống tham nhũng trong công tác bổ nhiệm cán bộ; việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng (về cải cách hành chính; công khai minh bạch hoạt động và trách nhiệm giải trình; kê khai tài sản, thu nhập; tặng quà và nộp lại quà; chuyển đổi vị trí công tác; thu hồi tài sản tham nhũng; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu…); kết quả đạt được và những hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

- Kiến nghị một số giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng trong năm 2018 (hoàn thiện pháp luật; tăng cường năng lực các cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng; đẩy mạnh bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ, đào tạo kiến thức về đầu tư, xây dựng, tài chính, ngân hàng cho cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng; tăng cường hiệu quả thanh tra, công khai minh bạch kết quả thanh tra, kiểm tra để Nhân dân giám sát; chế độ lương, chính sách đãi ngộ, bảo đảm cuộc sống cho cán bộ, công chức…)

- Đề nghị Chính phủ làm rõ, đánh giá đúng mức vai trò của Nhân dân trong phòng, chống tham nhũng; tình hình, mức độ tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan thanh tra và cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng; lý do chưa báo cáo Quốc hội việc tổng kết thi hành, đề xuất sửa đổi Luật Cán bộ, công chức. Đề nghị Ủy ban Tư pháp báo cáo kết quả giám sát các trường hợp qua thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện có dấu hiệu tham nhũng nhưng chậm chuyển sang cơ quan điều tra, những vụ việc dư luận bức xúc, người dân đã kiến nghị trong thời gian dài nhưng vẫn chậm được xử lý…

Thứ ba, ngày 07-11-2017, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường; buổi sáng, tiếp tục thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017; buổi chiều, nghe và thảo luận về các báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2017. Phiên họp sẽ được Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam truyền hình, phát thanh trực tiếp và các phương tiện thông tin đại chúng khác đưa tin để cử tri và đồng bào cả nước theo dõi. 

(Văn phòng Quốc hội)