Công tác xét xử của Tòa án nhân dân các cấp tiếp tục có chuyển biến tích cực

06/11/2017

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, ngày 6/11, Quốc hội đã nghe các báo cáo và thảo luận tại hội trường về Báo cáo công tác năm 2017 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung làm việc.

Trình bày Báo cáo công tác năm 2017 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, kết qủa công tác năm 2017 cho thấy các Tòa đã hoàn thành chỉ tiêu, yêu cầu mà các nghị quyết của Quốc hội đề ra, cụ thể là: Tỷ lệ giải quyết án đạt hơn 91%; các vụ án quá hạn luật định được hạn chế ở mức thấp. Chất lượng xét xử được bảo đảm, tỉ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi của Thẩm phán thấp hơn khoảng 0,2% so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Tranh tụng tại phiên tòa được thực hiện nghiêm túc, ngày càng rộng rãi và thực chất. Việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung được Viện Kiểm sát chấp nhận với tỷ lệ cao… Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy cán bộ của các Tòa án tiếp tục được kiện toàn; công tác hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật có những chuyển biến rõ nét; hoạt động đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ được đổi mới; thanh tra, kiểm tra việc thực thi công vụ và xử lý cán bộ, công chức có hành vi vi phạm được tiến hành kịp thời và nghiêm túc.

Trình bày Báo cáo thẩm tra báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với đánh giá của Tòa án nhân dân tối cao về những kết quả đạt được và nhận thấy, năm 2017 công tác xét xử của Tòa án nhân dân các cấp tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Năm qua chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Hình phạt mà Tòa án nhân dân các cấp áp dụng cơ bản bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật. Việc kiểm tra các trường hợp bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, áp dụng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, nhất là đối với các bị cáo phạm tội tham nhũng, chức vụ tiếp tục được tăng cường; Tòa án nhân dân các cấp đã đưa ra xét xử trên 200 vụ/hơn 400 bị cáo về tội tham nhũng, trong đó có một số vụ án lớn, dư luận đặc biệt quan tâm. Việc miễn trách nhiệm hình sự do có sự thay đổi về chính sách pháp luật được bảo đảm thực hiện theo đúng quy định. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan đạt chỉ tiêu theo yêu cầu Nghị quyết số 111. Số lượng bản án bị hủy, sửa do Tòa án các cấp áp dụng không đúng quy định tại Điều 46, Điều 47 và Điều 48 của Bộ luật Hình sự về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ chiếm tỷ lệ thấp. Số hồ sơ Tòa án trả điều tra bổ sung được Viện Kiểm sát nhân dân chấp nhận chiếm tỷ lệ cao. Việc tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động, phiên tòa rút kinh nghiệm được quan tâm, góp phần nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra về công tác của Chánh án TANDTC

Tuy nhiên, hoạt động của các Tòa án cũng còn một số hạn chế, thiếu sót như: vẫn còn các vụ án để quá hạn luật định do lỗi của Tòa án; một số vụ án áp dụng pháp luật không đúng gây bức xúc trong dư luận; chưa khắc phục triệt để việc tuyên án không rõ ràng; tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm còn thấp; việc hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật ở một số lĩnh vực còn chậm; vẫn còn xảy ra một số trường hợp cán bộ, công chức Tòa án có hành vi vi phạm.

Nghiên cứu Báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, đại biểu Quốc hội Trần Hồng Hà- tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá cao những kết quả đã đạt được của các Tòa án trong năm 2017, các Tòa án đã giải quyết được 457.024 vụ/499.918 vụ việc đã thụ lý. So với cùng kỳ năm trước số vụ việc thụ lý tăng 36.766 vụ, số đã giải quyết tăng 24.583 vụ, tỷ lệ các bản án quyết định bị hủy sửa do lỗi chủ quan của Tòa án giảm 0,03%. Đồng thời các công tác khác như xây dựng pháp luật, thi hành án, tổ chức cán bộ cũng đã được quan tâm, bảo đảm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Trần Hồng Hà cho rằng, công tác Tòa án trong năm qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như tỷ lệ giải quyết một loại án chưa cao, nhất là án hành chính. Công tác hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật ở một số lĩnh vực còn chậm, vẫn còn có các vụ án để quá hạn giải quyết do lỗi chủ quan, chưa khắc phục triệt để việc án tuyên không rõ ràng gây khó khăn cho công tác thi hành án…

Đại biểu Trần Hồng Hà đề nghị Tòa án nhân dân tối cao khẩn trương chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của công tác Tòa án trong thời gian tới. Bên cạnh đó, đại biểu cũng chỉ ra rằng, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 có quy định mới về thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên ở Tòa án các cấp nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về bảo vệ và phát triển gia đình, chăm sóc giáo dục trẻ em và xử lý người chưa thành niên phạm tội. Tuy nhiên, báo cáo chưa đề cập đến việc triển khai thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên ở các cấp Tòa án theo quy định mới của Luật tổ chức Tòa án nhân dân. Cũng theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân ở Tòa án nhân dân cấp tỉnh có chức danh thẩm phán sơ cấp nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn và chưa triển khai thực hiện. Do đó, đại biểu đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao khẩn trương triển khai thực hiện các quy định mới theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.

Đại biểu Quốc hội Trần Hồng Hà phát biểu tại hội trường                                                               Ảnh: Đình Nam

Về công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại thẩm phán, đại biểu Quốc hội Trần Hồng Hà đồng tình với Báo cáo đánh giá, một số trường hợp chưa được tiến hành kịp thời, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là việc cử cán bộ đi học nghiệp vụ xét xử và thi tuyển chọn thẩm phán lại căn cứ vào chỉ tiêu thẩm phán còn thiếu của các đơn vị. Vì vậy, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao cần tăng cường mở thêm nhiều lớp học nghiệp vụ xét xử và tổ chức nhiều kỳ thi tuyển chọn thẩm phán cho các cán bộ, cho ngành có đủ điều kiện để vừa tạo nguồn bổ nhiệm thẩm phán, vừa nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ Tòa án.

Đại biểu Trần Hồng Hà cũng chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân cơ bản của những tồn tại, hạn chế trong năm 2017 là số lượng các loại vụ án mà các tổ án phải thụ lý giải quyết tăng rất lớn so với năm trước, cụ thể năm 2017 đã tăng đến 36.766 vụ, nhưng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ thẩm phán không tăng. Vì vậy, đề nghị chánh án Tòa án nhân dân tối cao báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong khi chưa tăng biên chế cho ngành tòa án thì có thể tăng thêm chỉ tiêu biên chế thẩm phán trong tổng số chỉ tiêu biên chế đã giao để các tòa án và đặc biệt là các tòa án cấp huyện có đủ thẩm phán để thực hiện tốt công tác xét xử.

Đại biểu cũng đưa ra một thực tế, hiện nay, cơ sở, vật chất của các tòa án còn rất khó khăn, nhiều tòa án chưa có trụ sở làm việc, cụ thể còn 35 tòa án nhân dân cấp huyện chưa có trụ sở làm việc, trong đó ở địa phương Vĩnh Phúc có một tòa án cấp huyện đã thành lập đến 9 năm nay nhưng đến nay vẫn chưa được có trụ sở mới. Đồng thời, phương tiện, thiết bị làm việc còn chưa đáp ứng yêu cầu. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản, trang bị phương tiện làm việc để các tòa án có đủ điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Liên quan đến hoạt động của các cơ quan tư pháp xử lý các vụ án tham nhũng, trong đó có trách nhiệm của Tòa án nhân dân, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Hùng- tỉnh Thái Nguyên cho biết, năm 2017, trong tổng số 45 vụ án do cơ quan điều tra của Bộ Công an điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ủy quyền công tố có đến 32 vụ án kinh tế, tham nhũng bị Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung, chiếm tới 71,1%. Việc phải trả hồ sơ điều tra bổ sung thậm chí là trả nhiều lần, dẫn đến kéo dài tiến độ xử lý các vụ án tham nhũng, trong đó hầu hết đều là những vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, đã gây bức xúc trong cử tri và nhân dân. Hạn chế này không chỉ được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhìn nhận, đánh giá mà Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã nhiều lần yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án kinh tế, tham nhũng. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khẩn trương kết thúc điều tra bổ sung, hoàn thiện hồ sơ để truy tố, xét xử đối với 32 vụ án kinh tế, tham nhũng bị trả hồ sơ của năm 2017, đảm bảo tiến độ, chất lượng giải quyết vụ án và đáp ứng được sự mong đợi của cử tri trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng. Đồng thời, đề nghị liên ngành tư pháp trung ương có giải pháp nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ án kinh tế, tham nhũng.

Hồ Hương