Hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm còn nhiều hạn chế
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, năm 2017, các loại tội phạm đã được kìm chế, kéo giảm đáng kể, công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật 2017 đã đạt nhiều kết quả tích cực, cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và đối ngoại của đất nước.
Thẩm tra về Báo cáo này, Ủy ban Tư pháp cơ bản nhất trí với đánh giá của Chính phủ về những kết quả đã đạt được trong công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2017. Chính phủ đã chủ động tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế- xã hội; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật, nhất là trong quản lý kinh tế, môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; tiếp tục triển khai có hiệu quả và nhân rộng điển hình phong trào “toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; kịp thời ban hành, sửa đổi nhiều văn bản pháp luật tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước; mở rộng hợp tác quốc tế thông qua việc đàm phán, ký kết một số Hiệp định về hợp tác phòng, chống tội phạm…
Tuy nhiên, do công tác phòng ngừa còn có những hạn chế nên dẫn đến tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm năm qua vẫn nổi lên một số vấn đề đáng quan tâm. Mặc dù số vụ phạm pháp hình sự và số người phạm tội giảm, nhưng một số loại tội phạm nghiêm trọng tăng và diễn biến phức tạp như: số vụ giết người tăng 1,44%, tội phạm môi trường tăng 19,18%, tội phạm về ma túy tăng 10,13% với diễn biến phức tạp trên nhiều tuyến, địa bàn trọng điểm... Các vụ án giết nhiều người, đặc biệt là các vụ giết người thân trong gia đình tăng 5,66%, với thủ đoạn dã man, tàn bạo, thể hiện sự xuống cấp về mặt đạo đức, lối sống của một số đối tượng, gây bức xúc trong xã hội.
Tình hình an ninh, trật tự tại một số địa phương vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp như việc một số đối tượng lợi dụng sự cố môi trường biển ở miền Trung để gây nhiều vụ việc phức tạp về an ninh trật tự.
Tình trạng xâm hại tình dục trẻ em xảy ra ở nhiều địa phương gây lo lắng trong dư luận (phát hiện 446 vụ hiếp dâm trẻ em, tăng 5,19%, 08 vụ cưỡng dâm trẻ em, tăng 14,29%), chưa kể còn nhiều trường hợp có đơn tố giác các hành vi xâm hại tình dục trẻ em nhưng cơ quan chức năng chưa có đủ chứng cứ để chứng minh.
Tội phạm có tổ chức, nhất là băng, nhóm bảo kê, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, tổ chức các hoạt động cờ bạc, cá độ bóng đá, tranh giành địa bàn hoạt động vẫn có dấu hiệu phức tạp. Vi phạm pháp luật và tội phạm thuộc lĩnh vực tài chính- ngân hàng, sử dụng công nghệ cao, buôn lậu, gian lận thương mại, môi trường, khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép vẫn diễn biến phức tạp với nhiều vụ việc, gây bức xúc trong dư luận, gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng. Vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn rất phổ biến, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của người dân.
Tình trạng phá rừng rất nghiêm trọng ở một số địa phương đã gây ảnh hưởng lớn đến môi trường, là một trong những nguyên nhân gây ra lũ lụt nghiêm trọng trong thời gian qua. Nhiều vụ phá rừng quy mô lớn, diễn ra trong thời gian dài nhưng chậm được phát hiện, xử lý. Số vụ, số người chết, thiệt hại về tài sản do cháy và số người chết do nổ tăng mạnh.
Ủy ban Tư pháp nhận thấy, những vi phạm pháp luật và tội phạm nổi lên nêu trên không chỉ mới xuất hiện trong năm 2017 mà đã kéo dài nhiều năm và đang tiếp tục gia tăng với tính chất ngày càng nghiêm trọng, cho thấy hiệu quả công tác phòng ngừa còn nhiều hạn chế. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là việc còn nể nang, né tránh, chưa xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu, người được giao trách nhiệm trực tiếp quản lý khi để xảy ra vi phạm, thậm chí có cả trường hợp “bảo kê” cho vi phạm. Đề nghị Chính phủ có giải pháp kiên quyết hơn, xử lý nghiêm các vi phạm, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, kéo dài (ví dụ: tình trạng phá rừng, khai thác cát sỏi trái phép, mất vệ sinh an toàn thực phẩm).
Cử tri lo lắng về tình trạng tội phạm ma túy gia tăng
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Hùng- tỉnh Thái Nguyên phát biểu tại Hội trường Ảnh: Đình Nam
Thảo luận tại Hội trường về Báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2017, đại biểu Quốc hội Phạm Huyền Ngọc- tỉnh Ninh Thuận nêu, điều mà cử tri nhiều địa phương còn băn khoăn lo lắng là tình trạng buôn bán, vận chuyển và tổ chức sử dụng trái phép các chất ma tuý, người nghiện ma túy ngày càng gia tăng. Người nghiện ma túy hiện nay gần 220.000 người, con số thực tế còn nhiều hơn, hoạt động tội phạm ma túy diễn biến hết sức phức tạp cả về tính chất mức độ phạm tội với nhiều thủ đoạn tinh vi xảo quyệt, trắng trợn, manh động, sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng chống trả khi bị phát hiện, truy bắt. Đáng chú ý tội phạm và tệ nạn ma túy đã mở rộng địa bàn hoạt động ra vùng nông thôn, xâm nhập vào học đường, xuất hiện ma túy dạng tem giấy, lá khát, cỏ Mỹ, chứa chất gây nghiện được rao bán trên mạng khó kiểm soát và không xử lý được cả đối tượng bán và người mua. Nhiều loại tội phạm liên quan đến người nghiện ma túy và do người nghiện ma túy gây ra. Cũng lo lắng về loại tội phạm này, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Hùng- tỉnh Thái Nguyên cho rằng, tình trạng lạm dụng rượu bia, nghiện ma túy, gây mất an ninh trật tự tại các bệnh viện chưa được quan tâm đúng mức, cần phải có giải pháp hữu hiệu, đảm bảo cho an toàn bệnh nhân, y bác sỹ, nhân viên các bệnh viện.
Để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy trong thời gian tới, đại biểu Phạm Huyền Ngọc- tỉnh Ninh Thuận đề nghị Chính phủ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Đại biểu Quốc hội Phạm Huyền Ngọc- tỉnh Ninh Thuận phát biểu tại Hội trường
Một, chỉ đạo các cấp, các ngành trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được và những tồn tại, nguyên nhân tiếp tục cụ thể hóa việc thực hiện Chỉ thị 21 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy gắn với chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016- 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng, chống tội phạm ma túy.
Hai, chỉ đạo các cơ quan báo, đài tăng cường phối hợp với các ngành có liên quan, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của ma túy, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy với nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng lứa tuổi, vùng miền dân cư, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, nhất là trong thanh, thiếu niên, để chủ động phòng ngừa, nêu cao trách nhiệm của người dân trong việc phát hiện tố giác tội phạm và quản lý giáo dục người thân không phạm tội và sa vào tệ nạn ma túy.
Ba, chỉ đạo ngành công an tiếp tục thực hiện có hiệu quả các quy chế phối hợp, nghị quyết liên tịch giữa Bộ Công an với các ngành, đoàn thể về phòng ngừa tội phạm ma túy trong thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, nhất là quản lý các ngành nghề kinh doanh có điều kiện; Phát huy và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Xây dựng các xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy, chủ động triển khai các cao điểm tấn công trấn áp tội phạm ma túy, tăng cường tuần tra, kiểm soát ở các tuyến, địa bàn trọng điểm, các đường dây tổ chức mua, bán, vận chuyển ma túy, chất gây nghiện với số lượng lớn.
Bốn, chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp với lực lượng công an nâng cao trách nhiệm và hiệu quả trong việc lập hồ sơ đưa đối tượng vào cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, trung tâm cai nghiện bắt buộc. Thực hiện công tác dạy nghề, hướng nghiệp, tạo việc làm đối với người sau cai nghiện, giúp họ hòa nhập cộng đồng, tránh nguy cơ tái nghiện.
Năm, chỉ đạo các cấp, các ngành, các cơ quan tư pháp chuẩn bị tốt nội dung tổ chức hội nghị tập huấn, quán triệt việc thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015, đồng thời tiếp tục phối hợp, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện một số luật và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy, tạo hành lang pháp lý phù hợp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đặng Mai