Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp xúc cử tri tại huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ

27/09/2017

Tiếp tục hoạt động tiếp xúc cử tri tại thành phố Cần Thơ, sáng 27/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố đã có cuộc tiếp xúc cử tri tại xã Tân Thới, huyện Phong Điền.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp xúc cử tri tại huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ

Sau khi nghe Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ Nguyễn Thanh Xuân báo cáo về nội dung chương trình Kỳ họp thứ 4 và kết quả hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ trong 9 tháng qua, cử tri phản ánh các ý kiến, kiến nghị về việc xử lý tội phạm tham nhũng, gây thất thoát tài sản quốc gia; việc thu phí qua các tuyến cao tốc được đầu tư bằng hình thức BOT chưa hợp lý, gây bức xúc cho dư luận; vấn đề trẻ em có yếu tố nước ngoài không có giấy tờ tùy thân; bất cập trong sản xuất thông qua mô hình hợp tác xã (HTX)…

Một số cử tri bày tỏ lo ngại về tình trạng hiện nay trên địa bàn xã Tân Thới việc trẻ em có yếu tố nước ngoài không có giấy tờ tùy thân, gặp nhiều khó khăn trong đăng ký khai sinh, thường trú, nhiều em không đến tuổi nhưng không được đi học. Vì vậy, cử tri kiến nghị cần sớm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn này, giúp trẻ em đến tuổi được đến trường.

Về tình trạng các trạm thu phí BOT đặt trên các tuyến quốc lộ, nhiều cử tri phản ánh về mức phí quá cao, gây bức xúc cho dư luận và nhân dân. Lấy ví dụ về tình trạng thu phí tại trạm Cai Lậy - Tiền Giang, cử tri đề nghị Quốc hội cho biết hướng giải quyết.

Giải đáp băn khoăn về việc trẻ em có yếu tố nước ngoài không có giấy tờ tùy thân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu lãnh đạo thành phố Cần Thơ, đặc biệt là Công an thành phố khẩn trương xem xét, xử lý, hoàn thiện giấy tờ cho các em, đặc biệt là các em nhỏ đã đến tuổi đến trường. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước là trẻ em đến tuổi phải được đến trường, được đi học.

Về tình trạng thu phí quá cao tại các trạm thu phí BOT, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, chủ trương thu hút vốn để xây dựng hạ tầng giao thông bằng hình thức BOT là đúng đắn. Thực tiễn cho thấy, nhiều dự án BOT đã góp phần hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế địa phương, khu vực và trong cả nước. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, vừa qua Quốc hội đã chỉ đạo và giao Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với các dự án giao thông đầu tư bằng hình thức BOT. Qua giám sát, Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản đã phát hiện nhiều tồn tại, hạn chế. Đáng chú ý là mức đầu tư, mức thu phí và thời gian thu hồi vốn chưa được xác định một cách rõ ràng. Do đó, sắp tới Quốc hội sẽ tiếp tục giám sát và đưa ra thảo luận vấn đề này tại Kỳ họp tới để đại biểu Quốc hội tranh luận, tìm ra giải pháp khắc phục.

Tiếp tục bày tỏ bức xúc về vấn đề tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhiều cử tri cho rằng, hiện nay người dân uống một viên thuốc, chai nước sạch cũng phải đóng thuế, do vậy, trong phần tài sản của cán bộ do tham nhũng, tiêu cực có được đều là tiền mồ hôi nước mắt của nhân dân. Cử tri đề nghị, Quốc hội cần có những quy định pháp luật nghiêm khắc hơn đối với công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là tội phạm tham nhũng, thu hồi tài sản cho nhà nước, cho nhân dân.

Nhấn mạnh ngân sách nhà nước có được do đóng góp của nhân dân, Chủ tịch Quốc hội khẳng định quan điểm nhất quán là cán bộ tham nhũng phải bị nghiêm trị, pháp luật về tham nhũng phải được thực thi nghiêm. Tại Kỳ họp thứ 4 tới, Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), bàn, tìm ra những giải pháp về chính sách, pháp luật, tạo công cụ pháp lý sắc bén và hiệu quả hơn trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nghiêm trị những hành vi, cá nhân vi phạm. Về việc thu hồi tài sản thất thoát sau tham nhũng, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, những cá nhân, tổ chức có hành vi tham nhũng sẽ bị trừng trị nghiêm minh; tài sản tham nhũng sẽ được thu hồi theo quy định của pháp luật.

Tin và ảnh: Trung Thành