Tham dự Hội thảo còn có đại diện Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và đại diện các vụ, đơn vị, cơ quan hữu quan cùng các chuyên gia, nhà khoa học.
Toàn cảnh Hội thảo góp ý về dự thảo Sổ tay hoạt động giám sát của Quốc hội
Nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội qua cung cấp những thông tin mang tính thiết yếu, căn bản, giải đáp những yêu cầu của đại biểu Quốc hội khi tiến hành hoạt động giám sát; giúp đại biểu Quốc hội chủ động trong việc tiếp cận, xử lý, chỉ đạo, điều hành các vấn đề liên quan đến hoạt động giám sát, từ năm 2016 Văn phòng Quốc hội tiến hành xây dựng dự thảo và từng bước hoàn thiện dự thảo Sổ tay hoạt động giám sát của Quốc hội.
Dự thảo Sổ tay hoạt động giám sát của Quốc hội được xây dựng theo bố cục gồm 3 phần chính. Một là cung cấp cho đại biểu những thông tin cơ bản, khái quát về tổ chức bộ máy nhà nước, hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Hai là, thể hiện các quy trình trong hoạt động giám sát của Quốc hội. Ba là, mô tả các kỹ năng cơ bản hỗ trợ hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội, giúp đại biểu Quốc hội có thể chủ động trau dồi để hoàn thiện kỹ năng hoạt động, giúp thực hiện quyền của đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát với hiệu quả cao nhất.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa phát biểu tại Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe trình bày tham luận về kỹ năng đặt câu hỏi, câu hỏi bổ sung và đưa kiến nghị khi chất vấn của đại biểu Quốc hội; kỹ năng giám sát tối cao và xem xét báo cáo tại kỳ họp Quốc hội và thảo luận các nội dung liên quan trong dự thảo Sổ tay. Đa số ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội tại Hội thảo đều tán thành với sự cần thiết xây dựng Sổ tay hoạt động giám sát của Quốc hội; đồng thời bày tỏ mong muốn cuốn Sổ tay được thiết kế gọn gàng, tiện dụng, các nội dung quy trình được thể hiện một cách cụ thể, rõ ràng giúp đại biểu Quốc hội sử dụng Sổ tay một cách thường xuyên, lâu dài.
Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa cho rằng việc xây dựng nội dung Sổ tay phải hướng tới người thụ hưởng chính là các đại biểu Quốc hội. Do đó Sổ tay cần cung cấp những thông tin thiết yếu, các kỹ năng cơ bản và được thiết kế sao cho tiện dụng. Đại biểu cũng cho rằng, Sổ tay cần hạn chế việc trích dẫn lại các quy định của pháp luật mà cần cung cấp các thông tin cụ thể về quy trình thủ tục, giới thiệu các chủ thể hỗ trợ hoạt động của đại biểu Quốc hội về cung cấp, tổng hợp thông tin; những lưu ý về thời hạn, thời gian, các kinh nghiệm trong cách thức đăng kí, tranh luận trong chất vấn…Đối với mỗi hoạt động giám sát cũng đều cần cung cấp những thông tin lưu ý cần thiết, đặc biệt là chia sẻ kinh nghiệm của các đại biểu Quốc hội các khóa.
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu kiến nghị những nội dung thiết yếu cần được thể hiện trong Sổ tay
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Ngọ Duy Hiểu cho rằng cần làm rõ mục tiêu và cách thể hiện của Sổ tay để từ đó thống nhất thảo luận về quy mô phạm vi cách thể hiện sao cho khả dụng. Vì vậy dự thảo Sổ tay cần lược bỏ những nội dung không cần thiết như trích dẫn các quy định của pháp luật, tăng cường cách thể hiện mô hình hóa các quy trình, bổ sung các lưu ý cần thiết, tăng cường đưa các tình huống, câu hỏi và kinh nghiệm của đại biểu Quốc hội các khóa vào trong nội dung Sổ tay. Đồng thời, Ban soạn thảo cần nghiên cứu thể hiện các nội dung hoạt động giám sát chưa có quy định cụ thể như việc đại biểu tự tiến hành giám sát, giám sát các nội dung đang trong quá trình triển khai thực hiện.