Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, việc xây dựng dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt nhằm góp phần cụ thể hóa nghị quyết, chủ trương của Đảng, tạo ra động lực thu hút các nhà đầu tư bằng mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Khu Hành chính - kinh tế đặc biệt cần có những cơ chế, tổ chức, chính sách, chế độ riêng biệt, có thế mạnh vượt trội so với những quy định hiện hành, nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với Hiến pháp của Việt Nam, phù hợp với các công ước, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết: Bộ Chính trị đã quyết định mô hình Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ở giai đoạn đầu tương đương cấp huyện, thuộc tỉnh; đồng thời việc lấy ý kiến, xây dựng hoàn thiện dự án Luật này để Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5.2018).
Tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đã khái quát các yêu cầu về sự cần thiết và phương pháp xây dựng dự án Luật; mục tiêu, quan điểm, kết cấu và nội dung của dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Dự án Luật có 6 chương, 92 điều, gồm: Chương 1 - Những quy định chung; Chương 2 - Quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Chương 3 - Chính sách phát triển kinh - xã hội; Chương 4 - Tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương và cơ quan Nhà nước tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Chương 5 - Quy định đặc thù đối với các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc; và Chương 6 - Điều khoản thi hành. Ngoài ra, dự án Luật còn có 4 phụ lục, quy định các loại dự án đầu tư vào đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt nói chung; danh mục ngành, nghề ưu tiên phát triển tại mỗi đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).
Đối với các nội dung liên quan đến chính sách về kinh tế - xã hội, các đại biểu cho rằng, chính sách và thủ tục đầu tư kinh doanh theo dự thảo Luật được mở rộng và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài trong tiếp cận đất đai, thế chấp tài sản trên đất và sở hữu nhà ở; chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, tài chính đất đai hấp dẫn, vượt trội so với quy định hiện hành trong các khu kinh tế, khu công nghiệp. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa Phạm Quốc Đạt, quy định thời hạn sử dụng đất không quá 99 năm là quá dài, cần lấy mức không quá 70 năm sẽ phù hợp hơn. Còn Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Anh cho rằng tại Điều 7, dự án Luật quy định việc giải quyết tranh chấp giữa các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài, thông qua một trong những cơ quan, tổ chức bao gồm cả trọng tài nước ngoài, là chưa phù hợp… Một số đại biểu khác đề nghị điều chỉnh, bổ sung một số nội dung trong danh mục ngành, nghề ưu tiên phát triển tại mỗi đơn vị hành chính - kinh tế của từng địa phương để phù hợp với yêu cầu thực tế.
Toàn cảnh Hội nghị
Cũng tại Hội nghị, nhiều ý kiến tập trung đóng góp vào nội dung tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương và cơ quan nhà nước tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Trong đó có ý kiến cho rằng, nên gọi mô hình này là “Đặc khu hành chính - kinh tế” vừa gọn và vẫn bảo đảm yếu tố đặc thù của đơn vị này. Một số đại biểu băn khoăn về cơ chế lãnh đạo của Đảng trong đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt chưa rõ ràng; các lĩnh vực an sinh xã hội, đời sống văn hóa của người dân trong đặc khu sẽ như thế nào.
+ Cùng ngày, tại TP.Nha Trang, Ủy ban Pháp luật và Thanh tra Chính phủ tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan nhằm chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).