Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về "Báo cáo giám sát phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng, an ninh"

18/08/2017

Ngày 18/8, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với các cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh” đã tổ chức phiên họp cho ý kiến về dự thảo Báo cáo kết quả giám. Trưởng Đoàn giám sát – Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Võ Trọng Việt chủ trì phiên họp.

Thay mặt Đoàn giám sát trình bày dự thảo Báo cáo kết quả giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh của Quốc hội, Phó trưởng Đoàn giám sát Lê Đình Nhường cho biết, thực hiện chương trình và kế hoạch giám sát, Đoàn giám sát đã yêu cầu các Bộ ngành, địa phương báo cáo theo đề cương hướng dẫn; tổ chức 04 Đoàn công tác trực tiếp làm việc với 08 Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh và một số cơ quan, đơn vị liên quan; tổ chức 03 phiên họp toàn thể để nghe Chính phủ báo cáo và giải trình những vấn đề liên quan; làm việc trực tiếp với một số Bộ, ngành; lấy ý kiến một số cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia vào nội dung Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát.

Theo dự thảo Báo cáo kết quả giám sát, trong giai đoạn 2011- 2016, nhìn chung công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh của các Bộ, ngành, địa phương đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, giúp nhân dân hiểu và tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền, các hoạt động kinh tế biển, đảo; bảo vệ môi trường, tài nguyên biển, đảo và chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân đã tuân thủ các quy định về sử dụng các loại ngư cụ, phương tiện khai thác có kích cỡ phù hợp với các loài thủy sản nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản; ngư dân có xu hướng vươn ra khai thác xa bờ với quy mô tàu thuyền ngày càng lớn. Nhiều địa phương cũng đã ban hành các quy định quản lý nhà nước về hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong địa bàn; chủ động kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý các phương tiện, trường hợp vi phạm pháp luật trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản…

Qua khảo sát thực tế, Đoàn giám sát đánh giá, công tác thực hiện chính sách, pháp luật đối với các nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh vẫn còn bộc lộ không ít những tồn tại hạn chế: Tình hình an ninh trật tự, vi phạm pháp luật và tội phạm trên biển còn diễn biến phức tạp, tác động xấu đến phát triển kinh tế biển; việc triển khai xây dựng, tổ chức, chỉ đạo hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ còn nhiều vướng mắc, khó khăn về mô hình tổ chức và điều kiện hoạt động; việc xây dựng lực lượng chức năng trên biển chính quy, tinh nhuệ, hiện đại còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế về trang bị vũ khí, phương tiện, công cụ hỗ trợ thông tin liên lạc, khí tài nhìn xa, nhìn đêm, thông báo, báo động và phương tiện cứu hộ, cứu nạn...; việc nắm tình hình về an ninh, trật tự trên biển, hoạt động của ngư dân (nhất là các tàu thuyền đánh bắt xa bờ) còn hạn chế; đầu tư và đồng bộ hóa trang thiết bị cho các lực lượng chấp pháp trên biển cùng với việc hỗ trợ trang thiết bị cho ngư dân, huấn luyện, hướng dẫn về kỹ năng, kỹ thuật, kiến thức quốc phòng, an ninh , sẵn sàng phối hợp trong bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống vi phạm, tội phạm và bảo vệ chủ quyền trên biển chưa được quan tâm đúng mức; đầu tư của Nhà nước,  huy động nguồn lực trong dân cho phát triển kinh tế biển còn hạn hẹp...

Trên cơ sở đánh giá việc ban hành chính sách, pháp luật về thực hiện chính sách, pháp luật đối với các nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và kết quả tổ chức thực hiện, Báo cáo của Đoàn giám sát đề xuất 03 nhóm giải pháp cơ bản về lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; về cơ chế chính sách và nhóm giải pháp về quy hoạch, kế hoạch nhằm thực hiện tốt công tác thực hiện chính sách, pháp luật đối với các cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trong thời gian tới. Trong đó, nhóm giải pháp về lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành được tập trung ở các hoạt động như tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường và nguồn lợi hải sản; chỉ đạo các lực lượng Quân đội tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng, an ninh một cách hiệu quả, trong đó chú trọng khâu xây dựng, tổ chức lực lượng, nắm tình hình, tiến hành các hoạt động tuần tra, kiểm soát, thi hành pháp luật trên biển, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên biển, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên vùng biển được phân công, giúp ngư dân an tâm bám biển, nhất là những vùng biển xa, vùng giáp ranh, vùng ngư trường trọng điểm. Kiên quyết xử lý các trường hợp tàu cá nước ngoài đánh bắt trái phép hải sản trên vùng biển của ta và ngư dân ta khai thác hải sản trái phép trên vùng biển nước ngoài. Xử lý kiên quyết các vi phạm khác trong lĩnh vực khai thác hải sản...

Thảo luận tại phiên họp, đa số đại biểu tham dự đều nhất trí và đánh giá cao công tác chuẩn bị công phu và các nội dung xây dựng của Báo cáo kết quả giám sát, cơ bản nhất trí về bố cục, hình thức, nội dung của dự thảo Báo cáo. Tuy nhiên để đảm bảo tính toàn diện, đầy đủ, thống nhất trong Báo cáo, một số ý kiến đại biểu đề nghị điều chỉnh, thu gọn dung lượng phần đánh giá thực trạng, tập trung đi sâu, đề cập toàn diện vào những mặt hạn chế để từ đó đề ra những giải pháp xác đáng...

Để đảm bảo phát triển kinh tế biển thực sự gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, các đại biểu đề nghị cần phải nghiên cứu xây dựng lực lượng bán vũ trang vừa khai thác hải sản vừa đảm bảo chủ quyền biển, đảo, vừa là lực lượng nòng cốt hỗ trợ ngư dân trên biển trong khai thác hải sản xa bờ. Đồng thời, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất (trang thiết bị, tàu thuyền, kinh phí…) để Bộ đội Biên phòng và các lực lượng vũ trang khác hỗ trợ ngư dân trong các hoạt động sản xuất trên biển, nhất là trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Bên cạnh đó, sớm thực hiện dự án đường vành đai ven biển, hướng đến xây dựng hệ thống đường cao tốc chạy dọc ven biển để kết nối các thành phố, khu kinh tế, khu công nghiệp, sân bay, các vùng dân cư thành một hệ thống kinh tế biển liên hoàn, một mặt phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, xây dựng thế trận phòng ngự hướng biển, bảo đảm liên kết chặt chẽ giữa biển, đảo với đất liền, mặt khác thúc đẩy liên kết vùng, mở rộng giao thương, tạo điều kiện cho kinh tế biển và các ngành kinh tế khác phát triển, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, nhất là nhân dân tại các địa bàn ven biển đang gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế - quốc phòng trên biển, một số ý kiến đại biểu cho rằng cần phải đẩy mạnh việc dân sự hóa trên các vùng biển, đảo gắn kết với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh trên các vùng biển, đảo. Chỉ đạo quy hoạch xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng ở các khu vực ven biển và các đảo bảo đảm tuân thủ các yêu cầu trong kế hoạch tổng thể của khu vực phòng thủ địa phương, bảo đảm tính hệ thống, sự liên kết chặt chẽ giữa biển, đảo với đất liền; kết hợp chặt chẽ giữa thế trận “tĩnh” của đảo và bờ với thế “động” của các lực lượng tác chiến cơ động trên biển, tạo nên thế trận quốc phòng toàn dân trên biển-đảo-bờ liên hoàn, vững chắc...

Phát biểu kết luận phiên họp, Trưởng Đoàn giám sát- Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Võ Trọng Việt đánh giá cao những ý kiến đóng góp tại phiên họp; khẳng định đây sẽ là cơ sở để Đoàn giám sát hoàn chỉnh Báo cáo kết quả giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với các nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh” trình Ủy ban thường vụ Quốc hội trong thời gian tới. 

Thu Phương