Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính thành phố Thái Nguyên và thành lập 02 phường thuộc thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên

18/08/2017

Chiều 18/8, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 13, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính thành phố Thái Nguyên và thành lập 02 phường thuộc thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp

Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nêu rõ, để tạo điều kiện cho thành phố Thái Nguyên phát triển toàn diện, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, thể dục thể thao, giáo dục, khoa học kỹ thuật, y tế, du lịch, dịch vụ của tỉnh Thái Nguyên và là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa đầu tàu phát triển của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; là đô thị cửa ngõ, có vai trò kết nối giữa vùng Thủ đô Hà Nội với vùng trung du và miền núi Bắc Bộ quy định tại các Quyết định số 260/QĐ-TTg, Quyết định số 768/QĐ-TTg; Quyết định số 2486/QĐ-TTg. Theo đó, thành phố Thái Nguyên được quy hoạch mở rộng có quy mô bao gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố Thái Nguyên hiện có và các xã Sơn Cẩm thuộc huyện Phú Lương; thị trấn Chùa Hang, xã Linh Sơn, xã Huống Thượng thuộc huyện Đồng Hỷ; xã Đồng Liên thuộc huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Như vậy, không gian đô thị của thành phố Thái Nguyên được mở rộng sang phía Đông và phía Bắc để khai thác có hiệu quả cảnh quan sinh thái dòng sông Cầu, nhằm khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là lợi thế về giao thông đối ngoại để nâng vị thế và tầm ảnh hưởng của thành phố Thái Nguyên, của tỉnh Thái Nguyên đối với vùng trung du và miền núi Bắc Bộ nói riêng, cả nước nói chung.

Tờ trình cũng cho biết, phương án điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính thành phố Thái Nguyên và thành lập phường thuộc thành phố Thái Nguyên của Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên, cụ thể như sau: Điều chỉnh toàn bộ 16,90 km2 diện tích tự nhiên và 13.206 người của xã Sơn Cẩm, huyện Phú Lương; 15,50 km2 diện tích tự nhiên và 9.720 người của xã Linh Sơn, 8,15 km2 diện tích tự nhiên và 6.490 người của xã Huống Thượng, 3,02 km2 diện tích tự nhiên và 10.948 người của thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ; 8,83 km2 diện tích tự nhiên và 4.977 người của xã Đồng Liên, huyện Phú Bình để thành phố Thái Nguyên quản lý. Thành lập phường Đồng Bẩm thuộc thành phố Thái Nguyên trên cơ sở toàn bộ 4,02 km2 diện tích tự nhiên và 7.150 người của xã Đồng Bẩm; Thành lập phường Chùa Hang thuộc thành phố Thái Nguyên trên cơ sở toàn bộ 3,02 km2 diện tích tự nhiên và 10.948 người của thị trấn Chùa Hang.

Thẩm tra Tờ trình, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, việc điều chỉnh mở rộng địa giới Thành phố Thái Nguyên và thành lập 2 phường thuộc Thành phố Thái Nguyên là cần thiết, đáp ứng yêu cầu tổ chức quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn, phù hợp với quy hoạch chung, tạo điều kiện phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của Thành phố Thái Nguyên; tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Hồ sơ Đề án, trình tự, thủ tục lập Đề án điều chỉnh mở rộng địa giới Thành phố Thái Nguyên và thành lập 02 phường thuộc Thành phố Thái Nguyên đã đáp ứng đủ quy định của pháp luật. Về thực trạng phát triển, xã Đồng Bẩm, thị trấn Chùa Hang đã cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn của phường thuộc Thành phố thuộc tỉnh và Thành phố Thái Nguyên (mở rộng) đã đáp ứng các tiêu chuẩn của Thành phố thuộc tỉnh là đô thị loại I theo quy định tại Nghị quyết số 1211 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Việc điều chỉnh mở rộng Thành phố Thái Nguyên và thành lập 2 phường thuộc Thành phố đã bảo đảm các điều kiện được quy định trong Luật Tổ chức Chính quyền Địa phương.

Ủy ban thẩm tra nhận thấy, nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2015-2020 cho Thành phố Thái Nguyên (mở rộng) là rất lớn, Thái Nguyên là tỉnh đến nay chưa tự cân đối được ngân sách, trong khi ngân sách Trung ương rất hạn hẹp nên việc hỗ trợ địa phương đầu tư nâng cấp đô thị rất khó khăn. Vì vậy, đề nghị Chính phủ giải trình thêm nguồn vốn được huy động từ ngân sách nhà nước chiếm 10% nguồn vốn dự kiến và các biện pháp khả thi để có thể huy động được một nguồn vốn lớn như vậy. Ngoài ra, thẩm tra cho rằng, việc điều chỉnh thị trấn Chùa Hang là huyện lỵ của huyện Đồng Hỷ về Thành phố Thái Nguyên, đặt ra yêu cầu là phải xây dựng trung tâm hành chính mới của huyện Đồng Hỷ, việc xây dựng huyện lỵ mới của huyện Đồng Hỷ đòi hỏi ngân sách trung ương và địa phương phải đầu tư một nguồn vốn lớn cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của trung tâm hành chính mới. Đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn với Uỷ ban thường vụ Quốc hội về vấn đề này. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội bày tỏ sự tán thành cao đối việc thay đổi địa giới hành chính Thành phố Thái Nguyên; cho rằng trình tự, thủ tục lập Đề án về cơ bản đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu cần thiết theo quy định của Luật Tổ chức Chính quyền địa phương. Ủy ban Thường vụ cũng nhận thấy, việc điều chỉnh địa giới hành chính Thành phố Thái Nguyên không làm tăng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Thái Nguyên, do đó không làm tăng tổ chức, biên chế cán bộ, công chức các cấp, mà chỉ bố trí lại một số chức danh cho phù hợp chức năng đơn vị hành chính đô thị đối với hai phường mới được thành lập.

Tán thành với sự cần thiết điều chỉnh địa giới hành chínhThành phố Thái Nguyên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, với nhu cầu phát triển của thành phố hiện nay thì việc điều chỉnh này là phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố và đáp ứng đúng các tiêu chí, điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành. Hơn nữa, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc điều chỉnh địa giới hành chính của Thành phố Thái Nguyên đã nhận được sự đồng thuận cao của cử tri các vùng bị điều chỉnh và hội đồng nhân dân là một điều thuận lợi rất lớn cho sự điều chỉnh này.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đồng tình với Đề án điều chỉnh địa giới hành chính của Thái Nguyên; cho rằng việc thành lập 02 phường và đô thị hóa là hoàn toàn phù hợp với Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội liên quan đến vấn đề này; hơn nữa, việc điều chỉnh địa giới hành chính của Thái Nguyên đã nhận được sự đồng tình cao của người dân, Hội đồng nhân dân các cấp, trình tự, thủ tục của Đề án hợp lý, không tăng thêm biên chế nên dễ dàng nhận được sự tán thành cao.

Nhất trí với việc điều chỉnh địa giới hành chính của Thành phố Thái Nguyên,Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, hồ sơ trình đầy đủ, thẩm quyền trình đúng theo quy định pháp luật, các chỉ tiêu để mở rộng thành phố đều đạt. Tuy nhiên, số tiền 10% ngân sách địa phương bỏ ra đầu tư cho việc mở rộng địa giới hành chính thành phố cũng khá lớn, do đó tỉnh cần có kế hoạch tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng về nguồn lực đầu tư, dự toán hàng năm để bố trí nguồn vốn đảm bảo tốt việc thực hiện Đề án.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết điều chỉnh và mở rộng địa giới hành chính thành phố Thái Nguyên và thành lập 02 phường thuộc thành phố để xây dựng thành phố thành trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội và đô thị động lực của khu vực miền bắc.

Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã biểu quyết về việc ban hành Nghị quyết việc điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính thành phố Thái Nguyên và thành lập phường thuộc thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên với sự nhất trí của 100% thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Hồ Hương