Báo cáo với Đoàn giám sát, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Đinh Thị Thanh Hường cho biết, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng những năm qua huyện đã cụ thể hóa bằng nhiều chính sách đặc thù phù hợp với tình hình địa phương. UBND huyện đã hoàn thành công tác đo đạc, cấp Giấy Chứng nhận Quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho 16.000 hộ gia đình, cá nhân. Đến nay, độ che phủ rừng toàn huyện đã tăng từ 48,1% lên 51,04%... Các dự án trồng rừng và quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn huyện đã được sáp nhập về một đầu mối, tránh được sự chồng chéo, tình trạng khai thác, buôn bán lâm sản được kiểm soát chặt chẽ.
Từ thực tế triển khai tại địa phương, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà đề xuất, trước khi tiến hành giao đất, giao rừng và cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cần khảo sát nhu cầu thật sự của các hộ gia đình, cá nhân; giao rừng phải gắn liền với giao đất. Đồng thời, cần có những rà soát, điều chỉnh những bất cập về thủ tục giao nhận rừng và quy chế hưởng lợi tại Quyết định 178/2001/QĐ-TTg để phát huy nguồn lực từ các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân…
Đoàn giám sát đề nghị UBND huyện Sơn Hà thông tin các nội dung liên quan đến thực trạng tranh chấp giữa các diện tích đất nông nghiệp với đất lâm nghiệp, giữa các hộ dân đang quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp với nhau; quyền lợi của các chủ rừng khi được giao đất, giao rừng; những bất cập trong cơ chế hưởng lợi từ dịch vụ chi trả môi trường rừng; hiệu quả quản lý của UBND các xã đối với các diện tích đất lâm nghiệp…
Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Cao Thị Xuân phát biểu tại buổi giám sát
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân ghi nhận những nỗ lực của UBND huyện Sơn Hà, các xã trên địa bàn trong việc thực hiện chính sách pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân dân tộc thiểu số, miền núi. Với chủ trương thu hồi, cân đối lại diện tích ô thửa khi cấp Giấy chứng nhận QSDĐ giữa các hộ dân, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng, huyện đã có cách triển khai khá hài hòa, khéo léo, hướng đến sự công bằng về quyền lợi của người dân.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị, cấp ủy, chính quyền địa phương cần chú trọng tuyên truyền, nâng cao hiểu biết của người dân về quyền lợi và nghĩa vụ gắn với các diện tích đất lâm nghiệp được giao. Rà soát, đánh giá về hiệu quả quản lý của UBND các xã đối với các diện tích đất lâm nghiệp được giao; sớm triển khai bàn giao lại các diện tích thuộc thẩm quyền quản lý của UBND các xã cho các hộ dân thiếu đất sản xuất.
Về công tác thí điểm giao đất, giao rừng cho cộng đồng quản lý, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhấn mạnh: Đánh giá quá trình thực hiện thí điểm là rất hiệu quả. Hơn nữa, hành lang pháp lý đang ngày càng đầy đủ, hoàn thiện thì chính quyền địa phương cần quan tâm nhân rộng, triển khai. Sơn Hà cũng cần tổ chức sơ kết, tổng kết hoạt động triển khai giao đất, giao rừng để có đánh giá cụ thể về thuận lợi, vướng mắc.
Tại huyện Sơn Hà, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân và Đoàn đã tới thăm, tặng quà động viên một số hộ gia đình thoát nghèo nhờ hưởng lợi từ chính sách giao đất, giao rừng tại xã Sơn Thành.