Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm tra sơ bộ dự án Luật Thủy sản (sửa đổi)

20/03/2017

Ngày 18/3, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật Thủy sản (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng chủ trì phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng phát biểu tại phiên họp

Tham dự phiên họp còn có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Minh; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám; đại diện cơ quan soạn thảo cùng các thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa XIV.

Trình bày Tờ trình về dự án Luật Thủy sản (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết, ngành thủy sản đang phát triển mạnh và xác định sẽ trở thành một ngành sản xuất hàng hóa, có thương hiệu uy tín, có khả năng cạnh tranh cao trong hội nhập kinh tế quốc tế, trên cơ sở phát huy lợi thế của ngành sản xuất- khai thác tài nguyên tái tạo, lợi thế của nghề cá nhiệt đới, chuyển đổi nghề cá nhân dân thành nghề cá hiện đại tạo sự phát triển đồng bộ, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế- xã hội đất nước.

Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường; nguồn lợi thủy sản đang suy giảm, môi trường sống của các loài thủy sản có nguy cơ bị ô nhiễm nghiêm trọng, sự phát triển thủy sản chưa thực sự hiệu quả và thiếu bền vững, yêu cầu hội nhập quốc tế; năng lực, kinh nghiệm quản lý và trang thiết bị phục vụ cho kiểm tra, kiểm soát các hoạt động thủy sản còn hạn chế, xu hướng bảo hộ mậu dịch, hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu là thách thức lớn đối với thủy sản Việt Nam.

Sau 13 năm thi hành, Luật Thủy sản 2003 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa theo kịp với sự phát triển nhanh của Ngành thủy sản Việt Nam; một số quy định mới của các Điều ước quốc tế về thủy sản đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung Luật Thủy sản cho phù hợp. Hơn nữa, một số quy định của Luật Thủy sản 2003 không còn phù hợp với các luật mới có liên quan đến lĩnh vực thủy sản được Quốc hội thông qua như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai… Do đó, để khắc phục những tồn tại, bất cập trên, việc sửa đổi Luật Thủy sản 2003 là hết sức cần thiết.

Dự thảo Luật gồm 8 Chương, 100 Điều. Về cơ bản, dự thảo Luật giữ nguyên tên chương của Luật Thủy sản 2003, giảm 2 chương và tăng 38 Điều. Trong đó, bổ sung 1 chương Kiểm ngư và bỏ 3 chương: Hợp tác quốc tế về hoạt động thủy sản; Quản lý nhà nước về thủy sản; Khen thưởng và xử lý vi phạm.

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự án Luật Thủy sản (sửa đổi) của thường trực Ủy ban Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Phó Chủ nhiệm Trần Văn Minh nhấn mạnh, hiện nay nguồn lợi thủy sản của nước ta đang có xu hướng giảm nghiêm trọng trên các thủy vực nội địa và vùng ven biển do tình trạng khai thác thủy sản quá giới hạn cho phép, sự suy giảm của hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu… Vì thế việc sửa đổi Luật Thủy sản 2003 cho phù hợp với hệ thống pháp luật trong nước, đáp ứng yêu cầu quản lý thủy sản và hội nhập quốc tế, bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật theo tinh thần Hiến pháp 2013 là cần thiết.

Thảo luận tại phiên họp đa số ý kiến các đại biểu nhận thấy, dự thảo Luật đã xử lý được những bất cập, chồng chéo trong Luật Thủy sản 2003, cơ bản đảm bảo tính thống nhất với các luật hiện hành có liên quan.

Về chính sách của Nhà nước trong hoạt động thủy sản, các đại biểu tán thành với dự thảo Luật quy định các chính sách cụ thể về đầu tư, hỗ trợ kinh phí, chính sách khuyến khích cho các hoạt động thủy sản. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lợi thủy sản ngày nay ngày càng cạn kiệt, đánh bắt nuôi trồng thủy sản gần bờ ngày càng khó khăn, thì việc đề ra chính sách phát triển khai thác thủy sản xa bờ trong cả nuôi trồng và đánh bắt là rất cần thiết, vừa nâng cao giá trị, vừa góp phần bảo vệ biển đảo. Qua nghiên cứu tại các địa phương và kết quả Hội thảo khoa học, nhiều đại biểu đề nghị Nhà nước cần có chính sách cụ thể, đồng bộ về vay vốn đóng tàu thuyền, mua sắm ngư cụ, thiết bị, đào tạo ngư dân, huấn luyện thuyền viên…, về lâu dài là phát triển nghề cá theo hướng hiện đại. Các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để có chính sách cụ thể mạnh hơn trong Luật cho vấn đề này.

Về khu bảo tồn biển, khu bảo tồn thủy sản nội địa, nhiều đại biểu cho rằng quy định về bảo tồn biển, khu bảo tồn thủy sản nội địa của dự thảo Luật có sự chồng chéo với quy định của Luật Đa dạng sinh học, cùng một địa điểm (vùng đất ngập nước, khu dự trữ thiên nhiên), cùng một đối tượng (loài- sinh cảnh, loài thủy sản có giá trị quý hiếm, giá trị kinh tế, khoa học, có hệ sinh thái đặc thù) mà được điều chỉnh bởi cả 2 luật, do 2 cơ quan là Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng quản lý, như vậy sẽ gây khó khăn cho việc thực thi nhiệm vụ.

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ, Ban soạn thảo trong việc xây dựng và hoàn thiện dự án Luật Thủy sản (sửa đổi). Ghi nhận các ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Ban soạn thảo hoàn thiện dự án Luật để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 8 vào ngày 21/3 tới đây.

Vân Ngọc

Các bài viết khác