Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu- Nghệ An: Đấu tranh phòng, chống tội phạm phụ thuộc rất lớn vào mối quan hệ phối hợp của ba ngành công an- kiểm sát- tòa án

28/10/2016

Ngày 28/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội nghe và thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng chống tham nhũng.

Dành sự quan tâm đến ba lĩnh vực công tác của công an, kiểm sát và Tòa án; bày tỏ đồng tình rất cao với các báo cáo của ba ngành gửi đến cho đại biểu và nghe trực tiếp lãnh đạo của ba ngành trình bày tại hội trường, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu- Nghệ An cho rằng cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm của Tòa án có đạt được yêu cầu ngày càng cao của Đảng, Nhà nước, nhân dân hay không phụ thuộc rất lớn vào mối quan hệ phối hợp của ba ngành này. Tuy nhiên, do mỗi ngành có một vị trí, vai trò, chức năng và nhiệm vụ khác nhau, đảm bảo từng khâu, từng lĩnh vực, nên tư lệnh các ngành đều nói về những ưu điểm, khuyết điểm và những đề xuất của ngành mình mà chưa ai nói lên sự phối hợp của lãnh đạo ba ngành trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Đánh giá ưu điểm trong phối hợp liên ngành công an- kiểm sát- tòa án, đại biểu cho rằng, Công an, Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân tối cao đã hành động quyết liệt với quyết tâm rất cao để giải quyết công việc của nội bộ ngành mình. Ngành công an đã chỉ đạo, xử lý nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong thời gian rất ngắn được nhân dân đồng tình ủng hộ. Viện Kiểm sát chủ động xử lý các vụ án có dấu hiệu oan sai ngay trong giai đoạn điều tra, truy tố. Tòa án giải quyết rất nhanh các vụ đền bù oan sai.

Sự phối hợp của ba lực lượng từ Trung ương đến cơ sở đã chuyển biến mạnh mẽ hơn tình trạng quyền anh, quyền tôi trong hoạt động tố tụng hình sự được giảm rất rõ nét và hiệu quả phối hợp ngày càng tốt hơn.

Ưu điểm thứ ba, các ngành, các cấp Trung ương ngày càng sâu sát hơn với cơ sở, sát hơn với thực tiễn, từng bước hướng dẫn và tháo gỡ nhiều khó khăn cho cơ sở.

Cuối cùng là công tác thống kê hình sự được tốt hơn tình trạng vênh nhau về số liệu được khắc phục một bước cơ bản.

Tuy nhiên, thực tế công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tồn tại không ít hạn chế, đại biểu chỉ rõ: Một là tình trạng chạy án bằng hình thức giám định tâm thần diễn ra rất phổ biến. Nhiều đối tượng gây án giết người, cướp tài sản, buôn bán ma túy nhưng sau đó muốn thoát tội tử hình hoặc tội nặng thì giám định tâm thần. Mặt khác, hiện nay vấn đề quá tải của Bệnh viện tâm thần Trung ương diễn ra rất nhiều, công an các đơn vị, địa phương phải mất rất nhiều thời gian để chờ đợi đưa bị can đi giám định tâm thần. Trước đây khi chưa có Luật giám định tư pháp thì toàn bộ hoạt động giám định tâm thần chủ yếu là tại cơ sở tâm thần của các tỉnh, nay theo quy định của Luật phải chuyển lên trung ương dẫn đến tình trạng quá tải.

Hai là công tác đấu tranh phòng, chống ma túy không chỉ khó khăn trong vấn đề giám định hàm lượng chất ma túy mà khó khăn lớn nhất là tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy hướng dẫn tại Thông tư 17 không hợp với thực tiễn.

Đại biểu phân tích, Thông tư 17 yêu cầu tất cả các đối tượng dù có dấu hiệu của tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, nhưng tất cả đối tượng ấy là người nghiện thì không phải xử lý bằng hình sự, là không đúng với thực tiễn. Trong đó, vai trò của nhiều người từ tổ chức, từ phân công chuẩn bị các dụng cụ và đặc biệt sử dụng ma túy đá thì vô cùng nguy hiểm. Đại biểu đề nghị lãnh đạo ba ngành khi Bộ luật hình sự năm 2015 chưa có hiệu lực thì nên giải quyết sớm vấn đề này để xử lý thật nghiêm các hành vi phạm tội.

Ba là tại cơ sở của chúng ta nhiều sơ hở, thiếu sót, phát sinh các tội phạm và vi phạm, nhất là tình trạm lạm thu, để sơ hở trong quản lý tài nguyên, đất đai, môi trường. Vì vậy đại biểu đề nghị phải khắc phục những sơ hở, thiếu sót ở tại cơ sở này.

Chuyển đến Quốc hội những tâm tư, nguyện vọng của cán bộ công an cơ sở, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cũng cho hay hiện nay, công an chịu rất nhiều áp lực. Trong đó có áp lực đòi hỏi ngày càng cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân việc phục vụ nhân dân; áp lực từ vấn đề bồi thường oan sai; áp lực từ báo chí, dư luận, động một chút là dùng dư luận, dùng báo chí để đấu tranh; áp lực từ tình trạng luật sư có những trường hợp bày vẽ cho bị can phản cung; và áp lực từ thủ đoạn đối phó của tội phạm bằng cách không mua chuộc được thì làm đơn nặc danh để hạ uy tín của cán bộ, kể cả lãnh đạo và cán bộ chiến sỹ. Khẳng định đây là những áp lực rất lớn đại biểu đề nghị Quốc hội quan tâm đến tâm tư, tình cảm của ngành, của cán bộ, chiến sỹ.

Bảo Yến