Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí báo cáo công tác năm 2016 của VKSNDTC Ảnh: Đình Nam
Trình bày Báo cáo công tác năm 2016 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, ngay từ đầu năm Viện kiểm sát nhân dân tối cao tối cao đã ban hành nhiều Chỉ thị, Kế hoạch công tác trọng tâm toàn Ngành nhằm nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa, tăng cường công tác kháng nghị án hình sự và đẩy nhanh tiến độ giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Đồng thời, chỉ đạo tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ thị đã ban hành nhằm góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, toàn Ngành đã kiểm sát chặt chẽ 100% các hồ sơ và quyết định giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.
Tỷ lệ bắt, tạm giữ về hình sự sau phải trả tự do, xử lý hành chính chiếm tỉ lệ thấp (2%); số người Viện kiểm sát phê chuẩn bắt khẩn cấp, gia hạn tạm giữ sau phải chuyển xử lý hành chính hoặc trả tự do vì hành vi không cấu thành tội phạm hoặc không có sự kiện phạm tội là 0,26% (giảm 50,8% so với năm 2015). Đối với công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án hình sự, tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm hình sự được Tòa án chấp nhận đạt 78,4%, tăng 5,4%, vượt 7,8% so với Nghị quyết số 37 của Quốc hội; tỷ lệ kháng nghị giám đốc thẩm hình sự được Tòa án chấp nhận đạt 93,2%, tăng 6,7%, vượt 23,2% so với chỉ tiêu Nghị quyết số 37 của Quốc hội. Về công tác điều tra tội phạm, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã thụ lý 169 tố giác, tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền; đã giải quyết 126 tố giác, tin báo; ra quyết định khởi tố 30 vụ án hình sự, trong đó có 16 vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp; thụ lý điều tra 46 vụ/43 bị can; đã xử lý 31 vụ/24 bị can. Ban hành 61 kiến nghị yêu cầu các cơ quan tư pháp xử lý và áp dụng các biên pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm.
Thẩm tra Báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với đánh giá của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về những kết quả đã đạt được. Công tác xét phê chuẩn việc áp dụng các biện ngăn chặn nhìn chung đúng pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tố tụng hình sự. Đáng ghi nhận là tỷ lệ truy tố đúng thời hạn và đúng tội danh vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 37. Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng, một số Viện kiểm sát còn chưa kiểm sát chặt chẽ, kịp thời việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Việc xét phê chuẩn áp dụng các biện pháp ngăn chặn chưa đúng pháp luật, còn 157 trường hợp đã phê chuẩn bắt khẩn cấp, gia hạn tạm giữ (số liệu đến hết tháng 7), 9 trường hợp tạm giam sau đó phải chuyển xử lý hành chính hoặc trả tự do vì không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra
Đối với công tác điều tra của cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Tư pháp cho rằng, những năm qua, mặc dù được tăng cường một bước biên chế và cơ sở vật chất, song công tác này của cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao chưa có chuyển biến mạnh; tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm chỉ đạt 74,6%, tỷ lệ giải quyết án đạt thấp (67,4%).
Về công tác kiểm sát thi hành án hình sự, Ủy ban Tư pháp cho rằng chất lượng công tác này tiếp tục được nâng lên. Số lượt kiểm sát trực tiếp tại các trại giam tăng 41,3% và tại Ủy ban nhân dân cấp xã tăng 14,7%. Viện kiểm sát các cấp đã ban hành 2.706 kiến nghị, kháng nghị yêu cầu khắc phục, phòng ngừa vi phạm. Tuy nhiên, một số Viện kiểm sát địa phương còn chậm phát hiện vi phạm; chưa chú trọng kiểm sát thi hành án treo, cải tạo không giam giữ. Đáng lưu ý, trong năm qua, nhiều trường hợp yêu cầu, kiến nghị của Viện kiểm sát không được cơ quan hữu quan tiếp thu, thực hiện (Tòa án không chấp nhận 24,5% số trường hợp Viện kiểm sát yêu cầu ra quyết định thi hành án, 25,1% số trường hợp đề nghị hoãn thi hành án, miễn chấp hành án. Cơ quan Công an chưa áp giải 52% số trường hợp Viện kiểm sát yêu cầu áp giải).
Trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, vụ án hành chính, số lượng kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm vẫn chiếm tỷ lệ thấp so với số bản án, quyết định bị Tòa án hủy, sửa. Một số Viện kiểm sát còn chưa đề cao trách nhiệm phát hiện vi phạm trong bản án, quyết định sơ thẩm, dẫn đến số vụ do Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp kháng nghị còn chiếm tỷ lệ cao (39% số kháng nghị). Chất lượng kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm án hành chính thấp, tỷ lệ được Tòa án chấp nhận là 62,5%, chưa đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết số 37. Về công tác kiểm sát thi hành án dân sự, một số Viện kiểm sát địa phương chưa kiểm sát chặt chẽ việc xác minh điều kiện thi hành án; chậm phát hiện, phát hiện không đầy đủ những vi phạm trong hoạt động thi hành án dân sự; chất lượng một số cuộc kiểm sát trực tiếp chưa cao.