Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016 của Chính phủ cho thấy, tỷ lệ kê khai tài sản, thu nhập trong năm đạt 99,1% số người đã hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập là 1.004.231 người so với số người phải kê khai; số bản kê khai đã công khai: 993.127 bản, đạt tỷ lệ 98,9%.
Báo cáo của Chính phủ cũng nhìn nhận việc kê khai tài sản, thu nhập còn nặng về hình thức; hầu hết các bản kê khai chưa được kiểm tra, xác minh, kiểm chứng; chưa giúp cho các cơ quan chức năng kiểm soát được những biến động về tài sản của người có chức vụ, quyền hạn; công tác quản lý, theo dõi việc kê khai, công khai, xác minh về tài sản, thu nhập chưa có tính hệ thống.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, số lượng người phải kê khai tài sản, thu nhập trong năm qua là rất nhiều (hơn 1 triệu người), tỷ lệ bản kê khai được công khai cũng rất cao (993.127 bản), số trường hợp xác minh tài sản là 414 người nhưng không phát hiện ra vi phạm. Tuy nhiên, qua phản ánh của dư luận và báo chí cho thấy, việc kê khai tài sản, thu nhập, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập còn mang tính hình thức, không ít trường hợp kê khai không đầy đủ, thiếu trung thực.
Ủy ban Tư pháp cho rằng, nguyên nhân chính của tình trạng này là do quy định của pháp luật về căn cứ xác minh tài sản, phạm vi công khai bản kê khai tài sản, thu nhập còn hẹp; chưa quy định bắt buộc xác minh tài sản được kê khai trước khi đề bạt, bổ nhiệm; có quá nhiều cơ quan đầu mối được giao thẩm quyền xác minh bản kê khai. Việc kê khai thu nhập, đặc biệt là thu nhập ngoài lương chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập nhưng mới chỉ dựa vào sự tự giác của người kê khai và chưa có cơ chế kiểm soát chặt chẽ và chưa có chế tài đủ mạnh xử lý người kê khai thiếu trung thực. Bên cạnh đó, một số cán bộ, công chức, viên chức và người dân ngại va chạm và sợ bị trù dập nên không dám tố cáo khi biết rõ người có chức vụ, quyền hạn kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.
Đồng tình với đánh giá của Ủy ban Tư pháp, nhiều đại biểu cho rằng việc kê khai tài sản thu nhập thời gian qua còn hình thức, vẫn còn nhiều trường hợp kê khai không đầy đủ, thiếu trung thực, tình trạng này do nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Theo các đại biểu, minh bạch tài sản, thu nhập, hay nói cách khác là kê khai, công khai tài sản của cán bộ, công chức là một trong những biện pháp quan trọng để phòng ngừa tham nhũng.
Liên quan đến vấn đề tài sản trong tham nhũng, đại biểu Mai Sỹ Diến- Thanh Hóa đề nghị, cần phải xây dựng quy định về việc thu hồi tài sản do tham nhũng, chiếm đoạt mà có. Đại biểu cho rằng, đây là một biện pháp ngăn chặn thất thoát tài sản, ngân sách của nhà nước. Theo đại biểu, để nâng cao trách nhiệm khắc phục hậu quả trong tham nhũng, cần có bổ sung thêm đối tượng khắc phục hậu quả tham nhũng. Nghĩa là, ngoài người trực tiếp tham nhũng, những người được hưởng lợi từ tài sản tham nhũng cũng phải có trách nhiệm khắc phục, bồi thường do người trực tiếp tham nhũng gây ra. Do vậy, đại biểu đề nghị cần phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc kê khai tài sản, quy định rõ hơn đâu là tài sản hợp pháp, đâu là tài sản bất hợp pháp, nhất là những tài sản do người thân đứng tên.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh- Hòa Bình phát biểu tại Hội trường
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh- Hòa Bình cũng nhấn mạnh, trong năm qua, mặc dù nhiều vụ án tham nhũng lớn lên đến hàng ngàn tỷ đã được xét xử với những bản án hết sức nghiêm khắc làm nức lòng nhân dân, nhưng số tài sản thu hồi được lại không đáng là bao so với số tiền thất thoát. Đại biểu băn khoăn, vậy hàng ngàn tỷ tham nhũng đã đi đâu? Được dùng vào việc gì? Ai đã nhận nó?... là những câu hỏi mà cơ quan quản lý cần phải trả lời cho nhân dân.
Để làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn tiếp theo, các đại biểu cho rằng, Chính phủ cần phải nhìn thẳng vào sự thật để khắc phục trong thời gian sắp tới. Bên cạnh 8 nhóm giải pháp mà Chính phủ đã nêu trong báo cáo, các đại biểu đè nghị, trong thời gian tới, Chính phủ cần coi trọng công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng một cách nghiêm minh; cán bộ công chức có tài sản phải chịu sự kiểm soát về tài sản và phải chứng minh được sự trong sạch về tài sản của mình; phát huy vai trò giám sát của nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rà soát quy trình quản lý cán bộ, sử dụng ngân sách, quản lý tài sản công…