Không liên kết, doanh nghiệp bán lẻ VN sẽ phá sản

24/09/2007

Trong bối cảnh thực hiện các cam kết gia nhập WTO về mở cửa thị trường bán lẻ Việt Nam từ 1.1.2009, tương lai các doanh nghiệp (DN) bán lẻ của Việt Nam sẽ ra sao? Đó là vấn đề được tập trung thảo luận tại diễn đàn "Thị trường bán lẻ Việt Nam hậu WTO: Cạnh tranh và phát triển" do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) tổ chức tại Hà Nội ngày 21.9.

Theo kết quả đánh giá của Hãng tư vấn AT Kearney trong năm 2007, Việt Nam là thị trường bán lẻ hấp dẫn thứ 4 thế giới sau Ấn Độ, Nga, và Trung Quốc. Đây là thách thức rất lớn đối với nhiều DN bán lẻ trong nước khi làn sóng các tập đoàn bán lẻ hùng mạnh nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam. Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh đã chỉ ra những cái thiếu của hệ thống bán lẻ Việt Nam, đó là: tính chuyên nghiệp, tài chính, tính liên kết, chiến lược dài hạn... Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cũng nêu hàng loạt những tồn tại trong hệ thống bán lẻ Việt Nam như: chất lượng hàng hóa không ổn định, vệ sinh an toàn thực phẩm không đảm bảo, chi phí phụ lớn...

Trước thực trạng đó, ông Phạm Đình Đoàn, Tổng giám đốc Tập đoàn Phú Thái lo ngại: "DN nước ngoài có sức mạnh và tiềm lực rất lớn, lại hơn chúng ta cả trăm năm kinh nghiệm. Vì vậy, nếu DN trong nước không đoàn kết sẽ có khoảng 80% DN phá sản". Bà Nguyễn Thị Hồng Hương, Tổng giám đốc Vinatex cho rằng, giải pháp sống còn của các DN là phải liên kết với nhau, tránh sự đối đầu. Chẳng hạn như sự hợp tác thành công giữa Vinatex và Hapro trong 3 năm qua, vừa phát huy thế mạnh của DN, vừa đi sâu vào chuyên môn hóa, tiết kiệm được chi phí.

"Việc phát triển thị trường bán lẻ trong nước, thị phần chỉ là một yếu tố để đánh giá. Cái bánh bán lẻ Việt Nam đang phát triển rất nhanh cùng với sự phát triển chung của nền kinh tế, bởi vậy thị phần tương đối nhỏ thì có thể là giá trị tuyệt đối tương đối lớn. Điều quan trọng là chúng ta không phải lo rằng chúng ta có bao nhiêu phần trăm trong cái bánh đó mà quan trọng là làm sao cho cái bánh đó ngày càng lớn. Và chúng ta mỗi người đều được hưởng một cách xứng đáng"- Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú

Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú nhấn mạnh: "Năm 2008 là giai đoạn "diễn tập" hết sức quan trọng. Chúng ta không bàn đến vấn đề phải thắng hay phải đối đầu với DN nước ngoài. Chúng ta cần phải mạnh lên để có thể cạnh tranh thành công. Không chỉ cạnh tranh với nhau mà còn cạnh tranh với họ, và họ cũng phải cạnh tranh lẫn nhau. Các DN còn phải đủ sức mạnh để làm đối tác tương xứng với họ. Chúng ta mở cửa thị trường không phải vì lợi ích của họ, cũng không phải vì lợi ích của chúng ta mà vì lợi ích chung".

Để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng cho các DN, sắp tới Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam sẽ ra mắt. Ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: Hiệp hội dự kiến sẽ có khoảng 130 thành viên là các DN, tổ chức và cá nhân Việt Nam có hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ. Vai trò của hiệp hội là đảm bảo môi trường kinh doanh cho các nhà sản xuất, cung cấp hàng hóa dịch vụ cho các nhà bán lẻ, bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng cho DN hội viên; bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng..."

Theo kết quả đánh giá của Hãng tư vấn AT Kearney trong năm 2007, Việt Nam là thị trường bán lẻ hấp dẫn thứ 4 thế giới sau Ấn Độ, Nga, và Trung Quốc. Đây là thách thức rất lớn đối với nhiều DN bán lẻ trong nước khi làn sóng các tập đoàn bán lẻ hùng mạnh nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam. Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh đã chỉ ra những cái thiếu của hệ thống bán lẻ Việt Nam, đó là: tính chuyên nghiệp, tài chính, tính liên kết, chiến lược dài hạn... Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cũng nêu hàng loạt những tồn tại trong hệ thống bán lẻ Việt Nam như: chất lượng hàng hóa không ổn định, vệ sinh an toàn thực phẩm không đảm bảo, chi phí phụ lớn...

Trước thực trạng đó, ông Phạm Đình Đoàn, Tổng giám đốc Tập đoàn Phú Thái lo ngại: "DN nước ngoài có sức mạnh và tiềm lực rất lớn, lại hơn chúng ta cả trăm năm kinh nghiệm. Vì vậy, nếu DN trong nước không đoàn kết sẽ có khoảng 80% DN phá sản". Bà Nguyễn Thị Hồng Hương, Tổng giám đốc Vinatex cho rằng, giải pháp sống còn của các DN là phải liên kết với nhau, tránh sự đối đầu. Chẳng hạn như sự hợp tác thành công giữa Vinatex và Hapro trong 3 năm qua, vừa phát huy thế mạnh của DN, vừa đi sâu vào chuyên môn hóa, tiết kiệm được chi phí.

"Việc phát triển thị trường bán lẻ trong nước, thị phần chỉ là một yếu tố để đánh giá. Cái bánh bán lẻ Việt Nam đang phát triển rất nhanh cùng với sự phát triển chung của nền kinh tế, bởi vậy thị phần tương đối nhỏ thì có thể là giá trị tuyệt đối tương đối lớn. Điều quan trọng là chúng ta không phải lo rằng chúng ta có bao nhiêu phần trăm trong cái bánh đó mà quan trọng là làm sao cho cái bánh đó ngày càng lớn. Và chúng ta mỗi người đều được hưởng một cách xứng đáng"- Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú

Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú nhấn mạnh: "Năm 2008 là giai đoạn "diễn tập" hết sức quan trọng. Chúng ta không bàn đến vấn đề phải thắng hay phải đối đầu với DN nước ngoài. Chúng ta cần phải mạnh lên để có thể cạnh tranh thành công. Không chỉ cạnh tranh với nhau mà còn cạnh tranh với họ, và họ cũng phải cạnh tranh lẫn nhau. Các DN còn phải đủ sức mạnh để làm đối tác tương xứng với họ. Chúng ta mở cửa thị trường không phải vì lợi ích của họ, cũng không phải vì lợi ích của chúng ta mà vì lợi ích chung".

Để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng cho các DN, sắp tới Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam sẽ ra mắt. Ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: Hiệp hội dự kiến sẽ có khoảng 130 thành viên là các DN, tổ chức và cá nhân Việt Nam có hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ. Vai trò của hiệp hội là đảm bảo môi trường kinh doanh cho các nhà sản xuất, cung cấp hàng hóa dịch vụ cho các nhà bán lẻ, bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng cho DN hội viên; bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng..."

Thu Hằng

(http://www1.thanhnien.com.vn)