>> BàI: "Gieo" nữa triệu USD/năm mà chẳng "gặt hái" gì!
Bài II: Bỏ phí phương thức XTTM không dùng ngân sách?
PGS-TS Nguyễn Hữu Dũng-Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, Chương trình XTTM quốc gia quá dàn trải, dùng tiền thiếu cân nhắc.
Ông nói: “Với thủy sản, tôi không tin các công chức nhà nước đi XTTM hiệu quả hơn chung tôi đang làm cho ngành thủy sản.
Ngay cả thông tin - thứ mà DN cần nhất thì thương vụ, các trung tâm giới thiệu sản phẩm ở nước ngoài đang “bán” cho DN, Hiệp hội những thông tin lạc hậu rất xa so với thực tế! Những thông tin mà VASEP nhận được từ thương vụ cũ hơn so với những gì chính họ tìm được từ 5-7 ngày.
Nhưng làm sao để không quá lệ thuộc XTTM vào khoản ngân sách của Chương trình mà vẫn xuất khẩu hiệu quả? Nhiều DN có năng lực thì đã tự tổ chức các hoạt động XTTM ra nước ngoài mà không cần đến Nhà nước.
Các Hiệp hội có tiềm năng kinh tế cũng tự thực hiện các hoạt động của riêng mình không ngồi đợi hưởng lợi từ kết quả của Chương trình XTTM quốc gia. Những DN có năng lực vừa phải khác thì tận dụng internet để làm phương tiện quảng bá thương hiệu, sản phẩm của chính mình.
Hiệp hội ngân hàng hiểu rõ hơn bất cứ ai, kể cả Cục XTTM, Bộ Công thương, Tài chính (những người đang duyệt các chương trình XTTM, kinh phí) về công việc bán hàng ra nước ngoài của chính họ. Chúng ta đang duyệt các quy trình XTTM kiểu ngược đời, đưa công việc của các ngành hàng cho những người không biết về nó thẩm định, phê duyệt. Cần có cơ chế hình thành các quỹ XTTM cho các ngành hàng không lấy từ ngân sách. Tôi chưa hiểu vì sao Nhà nước không tạo cơ chế thực hiện XTTM theo phương thức này, trong khi việc phải chi tiền tấn thì lại bỏ qua |
Cũng cách làm đó, năm 2002, Bộ Thủy sản (nay đã hợp nhất vào Bộ NN&PTNT) đã mạnh dạn trình làng một quy chế hoạt động XTTM cho ngành theo hướng hoàn toàn dứt khỏi “bầu vú” bao cấp của Nhà nước.
Ths Nguyễn Thị Hạnh Phúc-Phó GĐ thường trực Trung tâm Đào tạo & xúc tiến thương mại (thuộc VASEP) cho biết, quy chế XTTM mà Bộ Thủy sản đã trình Chính phủ cho phép các DN thuộc Hiệp hội tự chọn hình thức, nội dung và phương thức thực hiện XTTM ra nước ngoài phù hợp với đặc thù của ngành, nghề.
Một nội dung khác quan trọng là tất cả kinh phí để thực hiện các hoạt động XTTM của VASEP tuyệt đối không xin tiền từ ngân sách Nhà nước, mà được lấy trực tiếp từ đóng góp của các DN xuất khẩu thủy sản và được tính vào chi phí sản xuất.
Trước khi trình Chính phủ, Bộ Thủy sản (cũ) đã gửi văn bản xin ý kiến đóng góp của các bộ: Tài chính, KH&ĐT. Hai bộ này đặc biệt ủng hộ, riêng Bộ Tài chính đã đồng ý để DN hạch toán khoản đóng góp này vào chi phí sản xuất, đồng thời có ý kiến cho Hải quan thu hộ cho Hiệp hội khoản phí này dựa trên doanh số xuất khẩu hàng hoá của các DN. Ngày 13/9/2003, Chính phủ cũng đã đồng ý về nguyên tắc cho phép Bộ Thủy sản (cũ) thực hiện XTTM kiểu mới này.
Nhiều chuyên gia về XTTM khẳng định, phương thức XTTM không dùng ngân sách là giải pháp XTTM tốt nhất đối với tình hình Việt Nam hiện nay. XTTM sẽ chỉ đạt hiệu quả cao nhất khi chính những người kinh doanh mặt hàng cụ thể nào đó thực hiện XTTM chính ngành hàng mà họ hiểu biết rõ nhất.
Và nếu giải pháp này được thực hiện thì hằng năm sẽ tiết kiệm cho Nhà nước cả trăm tỷ đồng, hoạt động XTTM được xã hội hoá, giảm gánh nặng biên chế cho bộ máy... Đáng tiếc là kiểu XTTM không dùng tiền ngân sách này đến nay vẫn chỉ nằm trên giấy!
PGS-TS Nguyễn Hữu Dũng tỏ ra tiếc nuối cho một phương thức XTTM được nhiều bộ ngành, các chuyên gia đồng ý nhưng bị đút ngăn kéo. Ông Dũng cho rằng, thế giới có rất nhiều mô hình XTTM không dùng ngân sách và rất hiệu quả mà Việt Nam nên học tập để tránh phí ngân sách không đáng có.
Nước Anh lập ra một tổ chức chuyên XTTM không thuộc bộ máy hành chính nhưng có quyền thu tiền của DN để làm XTTM. Tất nhiên, chính DN đóng tiền có quyền kiểm soát việc chi tiêu tiền của tổ chức này.
Dù VASEP ít nhiều đang được hưởng lợi trực tiếp từ Chương trình XTTM quốc gia, song VASEP vẫn muốn chuyển sang XTTM thông qua phương thức rất hiệu quả và ít lãng phí này!