Thị trường hàng không VN: Hứa hẹn cạnh tranh quyết liệt

23/09/2007

TP - Chưa bao giờ thị trường hàng không Việt Nam sôi động như hiện nay. Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước thăm dò lập hãng hàng không hoặc hợp tác kinh doanh; các hãng hàng không nước ngoài liên tiếp mở đường bay và tăng tần suất tới Việt Nam.

Thị trường hàng không VN đang sôi động và đầy hứa hẹn. Ảnh: Đức Trung

Những động thái này sẽ làm cho “giấc ngủ đông” của thị trường hàng không Việt Nam bừng tỉnh.

 

Đua nhau lập hãng

 

Ngày 19/9, một quan chức Cục Hàng không VN cho biết, Cục đang làm báo cáo trình Chính phủ về tình hình hợp tác với các nhà đầu tư trong và ngoài nước thành lập hãng hàng không tư nhân. Có động thái này vì chỉ trong khoảng thời gian ngắn, Cục Hàng không liên tục nhận được hồ sơ và các thư hỏi về thủ tục thành lập hãng hàng không tư nhân.

 

Trước khi có Nghị định 76 về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không, một cá nhân có tên là Đoàn Văn Quảng đã có ý định thành lập hãng hàng không mang tên Sài Gòn Air.

 

Tuy nhiên, thời điểm đó, chính sách vẫn được xem chưa cởi mở để cá nhân lập hãng. Sau thời điểm Nghị định 76 ban hành ngày 9/5/2007, hiện tình hình đã đổi khác.

 

Thông tin mới nhất cho biết, ngày 17/9 vừa qua, Cục Hàng không VN vừa chính thức nhận hồ sơ xin thành lập hãng hàng không vận tải nội địa của Cty Vietjet (Hà Nội).

 

Theo đó, Vietjet sẽ thành lập hãng hàng không với số vốn pháp định 200 tỷ đồng. Trước đó, 4 Cty ở TPHCM cũng đã gửi thư nhờ Cục Hàng không VN tham vấn để thành lập hãng hàng không Vinasun Airlines với vốn pháp định 1.000 tỷ đồng khai thác tuyến quốc tế, có quy mô từ 11 đến 30 máy bay.

 

Tiếp đến, Cty cổ phần Đầu tư T&C vừa có thư gửi Cục hỏi về thủ tục thành lập hãng hàng không tư nhân. Được biết, T&C đã chuẩn bị từ hơn một năm nay và đang trong giai đoạn hoàn thiện đề án chi tiết. T&C thành lập từ tháng 12/2006, có vốn điều lệ 6,25 triệu USD.

 

Đây là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đang hoạt động trong lĩnh vực cung cấp các sản phẩm và dịch vụ thiết kế công nghệ và xây dựng, phân phối hàng tiêu dùng, hậu cần kho vận...

 

Ông Võ Huy Cường, Trưởng ban Không vận (Cục Hàng không VN) cho biết: “Gần đây, một Việt kiều cho biết là có tiền nhưng thiếu kinh nghiệm hàng không. Ông này muốn thành lập một hãng hàng không dạng Airtaxi để phục vụ trong khu Kinh tế mở Chu Lai. Chúng tôi đã giới thiệu ông này nên tìm đến ông Đoàn Văn Quảng - một chuyên gia lĩnh vực hàng không đang có ý định lập Sài Gòn Air”.

 

Và tăng tuần suất

 

Trong khi các nhà đầu tư đang chờ tham vấn hoặc mới nộp hồ sơ xin lập hãng, các hãng hàng không nước ngoài gần đây đã tăng tần suất bay tới Việt Nam.

 

Hãng hàng không All Nippon Airway (Nhật Bản ) tăng tần suất bay TPHCM-Tokyo thêm một chuyến/tuần, nâng tổng số chuyến bay lên 5 chuyến/tuần. Từ tháng 10/2007, Thai Airway tăng chuyến TPHCM – Băng Cốc, nâng lên 17 chuyến tới TP HCM/tháng và số chuyến tới Việt Nam là 31 chuyến/tháng.

 

Hong Kong Airlines vừa mở đường bay tới Hà Nội và TPHCM. Hãng hàng không giá rẻ Thái Lan có tên Nok Air đang xin phép Cục Hàng không VN cấp phép cho các chuyến bay tới TP HCM và Hà Nội. Đặc biệt, vừa qua, một sự kiện chắc chắn sẽ khiến nhiều hãng hàng không giá rẻ có đường bay tới Việt Nam không khỏi quan ngại về tính cạnh tranh.

 

Hãng AirAsia đã ký hợp tác với  Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) Liên doanh này sẽ thành lập một hãng hàng không giá rẻ tại Việt Nam dựa trên mô hình của AirAsia để khai thác đường bay trong nước và quốc tế. Ngoài việc liên doanh với Vinashin, AirAsia cũng đang chuẩn bị mở đường bay TP HCM- Kuala Lumpua.

 

Rõ ràng, các động thái lập thêm hãng hàng không với những nhà đầu tư có điều kiện, tăng tần suất bay với những hãng mạnh đã khởi động sự cạnh tranh trên sân nhà.

 

Điều này cũng dễ hiểu khi gần đây liên tiếp có nhiều hãng sản xuất máy bay sang Việt Nam bay biểu diễn các sản phẩm mới của mình. Nhiều chuyên gia hàng không đánh giá, việc có thêm hãng hàng không hay tăng tần suất bay tới Việt Nam của nhiều hãng khác cũng sẽ giống việc cạnh tranh giảm giá cước của các mạng điện thoại di động hiện nay. “Lúc đó, hành khách sẽ không chỉ lựa chọn Vietnam Airlines (VNA) hay Pacific Airlines và việc này đồng nghĩa là giá vé sẽ có tính cạnh tranh”, ông Võ Huy Cường nói.

 

Ông Nguyễn Sỹ Hưng, Chủ tịch HĐQT kiểm Tổng GĐ VNA cho biết: “Chúng tôi chấp nhận sự cạnh tranh này. Trước mắt, VNA đã giao cho các  ban chức năng nghiên cứu để có đối sách  trước xu hướng cạnh tranh này nhằm đảm bảo kinh doanh”.

 

Nghị định 76 quy định các hãng hàng không khai thác từ 1 đến 10 máy bay phải có vốn pháp định 500 tỷ đồng (nếu khai thác vận chuyển quốc tế); 200 tỷ đồng nếu chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa. Hãng hàng không khai thác từ 11 đến 30 máy bay, vốn pháp định 800 tỷ đồng khi khai thác vận chuyển hàng không quốc tế; 400 tỷ đồng nếu chỉ bay nội địa.

 

Các DN khai thác trên 30 máy bay, vốn pháp định phải là 1.000 tỷ đồng (nếu khai thác vận chuyển hàng không quốc tế) và 500 tỷ đồng nếu chỉ khai thác nội địa. 50 tỷ đồng là mức vốn pháp định bắt buộc cho DN kinh doanh nhằm mục đích sinh lợi đối với các loại hình khác của ngành hàng không (vận chuyển, tiếp thị, quảng cáo, bán sản phẩm vận chuyển...).

 

Theo nghị định này, Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) là cơ quan thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.

 

 

 

Đình Thắng

(http://www.tienphongonline.com.vn)