Đây cũng là yếu tố tạo niềm tin cho các quốc gia châu Á chọn Việt Nam là quốc gia duy nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương ứng cử vào ghế không thường trực Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2008-2009.
Năm 2006, tập đoàn tài chính Merrill Lynch gọi Việt Nam là “nơi tính chuyện làm ăn từ 10 năm trở lên”. Tập đoàn Citigroup gọi Việt Nam là “quyền lực mới của Đông Nam Á”. Còn theo nhà kinh tế trưởng của IMF thì so sánh Việt Nam giống như một “Trung Quốc đang lên”.
Những nhận xét trên cho thấy Việt Nam ngày càng trở thành điểm nóng của kinh tế thế giới - ông Manraaj Singh, chuyên viên về những thị trường đang nổi lên của Công ty Profit Hunter nói.
Đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã vượt qua mốc 7% trong 4 năm trở lại đây và theo các chuyên gia kinh tế, năm nay, Việt Nam có khả năng đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 8,5%.
Bằng việc hoàn thiện chính sách đầu tư và xuất khẩu, Việt Nam đã tạo ra sự bùng nổ xuất khẩu hàng hóa, thu hút thêm nhiều đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và từng bước mở rộng nền kinh tế một cách tự tin.
Chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã đạt trên 31,2 tỷ USD, trong khi con số này của cả năm 2006 là trên 39,5 tỷ USD. Những mặt hang xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dầu thô, dệt may, thuỷ sản, gạo, cà phê, hạt điều, giày dép đã khẳng định được thương hiệu và uy tín trên trường quốc tế.
Cùng với quan hệ thương mại, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đầu tư với khoảng 70 nước và vùng lãnh thổ. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài liên tục xác lập kỷ lục mới trong những năm gần đây. Năm 2006 con số này là trên 10 tỷ USD và năm nay nhiều khả năng sẽ vượ qua mức dự kiến 12 tỷ USD từ đầu năm.
Đặc biệt, không chỉ tăng về số lượng dự án, quy mô vốn bình quân mỗi dự án đang tăng với tốc độ chóng mặt. Nguồn tin của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện có 50 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn lên tới trên 50 tỷ USD đang xúc tiến đầu tư vào Việt Nam. Điều này cho thấy sức hấp dẫn và độ tin cậy của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài đang ngày càng gia tăng.
Không chỉ thu hút vốn FDI, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam cũng có những bước tiến vượt bậc. Hiện Việt Nam đã có 227 dự án đầu tư ra nước ngoài,với tổng vốn trên 1,1 tỷ USD. Ngoài việc rót vốn vào các thị trường truyền thống như Lào, Campuchia, các doanh nghiệp Việt Nam có kế hoạch mở rộng đầu tư sang nhiều thị trường tiềm năng khác như Trung Đông, Châu Phi, Mỹ.
Ông Omkar Shrestha, Phó Giám đốc Quốc gia, Trưởng ban Kinh tế và Chương trình của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nhận định rằng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển một cách vững chắc trong năm 2007.
Ông cho biết nguyên nhân chính để đảm bảo sự phát triển này và cũng là điều mà ông tâm đắc nhất khi nói về kinh tế Việt Nam, đó là Chính phủ Việt Nam đã thể hiện sự quyết tâm rất lớn và liên tục đối với sự nghiệp phát triển và đổi mới của đất nước.
Còn theo đánh giá của Công ty khảo sát thị trường Business Monitor International (BMI thành lập năm 1984, là công ty nghiên cứu thị trường của hơn 125 nước, với trọng tâm phân tích và dự báo tình hình chính trị, kinh tế), Việt Nam có thể duy trì tỉ lệ tăng trưởng hàng năm 7,5 - 8% từ nay đến 2010.
Tiến trình Đổi mới của Việt Nam hướng tới nền kinh tế thị trường khởi động cách đây 20 năm đã mang một tầm vóc mới. Giờ đây, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao bình thường với hơn 160 nước, đặc biệt với tất cả các cường quốc. Việt Nam là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Kinh tế Á-Âu (ASEM), Diễn đàn kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), tham gia tích cực vào phong trào Không liên kết, Francophon và Liên hợp quốc.
Việc trở thành thành viên của WTO, tổ chức thương mại toàn cầu lớn nhất thế giới, sự thành công năm APEC Vietnam 2006, cùng với việc Việt Nam trở thành ứng cử viên duy nhất của châu Á vào ghế không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là một mốc son đánh dấu bước phát triển mới của Việt Nam trên con đường phát triển và tạo dựng hình ảnh, vị thế mới./.